PGS.TS Trần Danh Cường- Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TW cho hay, mổ lấy thai tăng là xu thế chung của thế giới, không riêng ở Việt Nam. Tuy nhiên là chuyên gia đã gắn bó 33 năm với ngành sản phụ khoa, ông cảm thấy “không vui trước sự gia tăng của xu thế này”.
Tại Việt Nam, cụ thể là tại Bệnh viện Phụ sản TW, tỉ lệ mổ lấy thai đang khoảng là 50%- thuộc dạng trung bình, trong khi các nước khác, có những nước tỉ lệ này lên đến 80% (ở Trung Quốc khoảng 60-70%, trong khi ở các nước Châu Âu tỉ lệ mổ thấp hơn).
Theo thống kế của Bệnh viện Phụ sản TW, giai đoạn 2010-2014, trong tổng số 105.543 ca đẻ tại bệnh viện, số đẻ mổ chiếm 51 nghìn ca. Tương tự, trong giai đoạn 2015-2019, trong hơn 110.000 ca sinh thì có khoảng 68 nghìn ca mổ đẻ.
Giải thích lý do vì sao tỷ lệ mổ đẻ ngày càng gia tăng, GĐ BV Phụ sản Trung ương cho biết, đây là bệnh viện tuyến cuối - chủ yếu là thai bệnh lý của mẹ hoặc thai nhi ở các nơi chuyển về.
Hay những trường hợp 'con quý con hiếm' doạ đẻ non, thụ tinh trong ống nghiệm, thai chậm phát triển trong tử cung, hay các bệnh lý của bà mẹ như tiền sản giật, rau cài răng lược,... bắt buộc phải mổ lấy thai. Đây là những lý do đóng góp vào tỉ lệ mổ tương đối cao.
"Với những trường hợp này, chỉ định mổ đẻ là bắt buộc không thể làm khác. Việc mổ đẻ cũng ảnh hưởng đến việc triển khai tiếp xúc da kề da vì em bé nhỏ, bà mẹ phải chăm sóc đặc biệt"- PGS. TS Trần Danh Cường cho biết.
Một nguyên nhân khác khiến tỷ lệ mổ đẻ lấy thai gia tăng mà PGS. TS Trần Danh Cường cảm thấy “không thoải mái, không vui” đó là do tác động từ xã hội. Tỷ lệ chủ động mổ lấy thai theo yêu cầu cũng tăng cao do nhiều gia đình mong muốn sinh con theo giờ, theo ngày.
Mà khi một phụ nữ đẻ con đầu lòng bằng phương pháp mổ thì con thứ 2, thứ 3 theo PGS. TS Trần Danh Cường “chắc chắn phải mổ tiếp”. Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ đẻ mổ tăng lên, không thể giảm xuống. Ngoài ra, các biến chứng liên quan đến chuyển dạ cũng khó lường, với các trường hợp khó đẻ, các bác sĩ thường chuyển đẻ mổ, không kiên trì chờ sinh thường bởi áp lực sợ bệnh nhân chuyển biến xấu.
Từ thực tiễn hoạt động chuyên môn của mình, PGS.TS Trần Danh Cường nhấn mạnh muốn giảm tỷ lệ mổ thai thì phải chăm sóc thai nghén tốt, theo dõi chuyển dạ tốt. Thai phụ phải hợp tác và bác sĩ cần kiên trì, cùng hỗ trợ, thống nhất với nhau trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, các bác sĩ thường bị động do thai phụ khám thai ở nhiều chỗ.
Ví dụ, ban đầu thai phụ khám ở bệnh viện rất tốt, nhưng thời gian sau lại khám ở chỗ khác, cuối cùng khi gần sinh lại đến bệnh viện mới phát hiện bị tiểu đường thai kỳ. Lúc này, các bác sĩ "trở tay không kịp", bắt buộc phải đẻ mổ. Vì vậy, thai phụ nên theo dõi thai kỳ ở một nơi, để các bác sĩ năm rõ tình hình, tư vấn, điều chỉnh phác đồ đúng thời điểm, tránh biến chứng xảy ra.
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TW nhấn mạnh, "đẻ thường tốt hơn rất nhiều". Em bé sinh thường sẽ phải trải qua một thời gian dài trong quá trình chuyển dạ, phổi bé sẽ phải hoạt động tốt, dịch phổi sẽ trào ra khi bé ra ngoài, tránh được tình trạng chậm tiêu dịch phổi. Về sau, hệ hô hấp của trẻ sẽ tốt hơn.
Ngoài ra, đẻ thường không gặp các biến chứng của sinh mổ như gây tê màng cứng, gây mê, chảy máu vết mổ sau đẻ. Trong quá trình chuyển dạ sẽ kích hoạt hệ thống nội tiết, sau sinh người mẹ có sữa nhiều. Thời gian hồi phục mẹ sau đẻ ngắn hơn.
"Đẻ thường có nhiều cái lợi, tốt nhất cho cả mẹ và em bé. Tuy nhiên, thai phụ cần có sự kiên trì, hợp tác, tin tưởng vào chỉ định của bác sĩ để theo dõi quá trình chuyển dạ"- Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TW nhấn mạnh.