Nếu con bạn là một đứa trẻ thường xuyên "học trước quên sau", bạn đừng lo lắng vì trí nhớ của trẻ hoàn toàn có thể được cải thiện tốt hơn nhờ vào việc rèn luyện.
Trí nhớ là nền tảng quan trọng trong hoạt động của não bộ. Chỉ khi một đứa trẻ có trí nhớ tốt, chúng mới có nền tảng vững chắc cho việc học sau này. Nhận thức được tầm quan trọng của trí nhớ, không ít bố mẹ ngày nay bắt đầu chú trọng hơn đến việc trau dồi trí nhớ cho con mình. Giai đoạn từ 8 đến 15 tuổi là thời điểm tốt nhất để có thể cải thiện trí nhớ cho con cái.
Cơ chế ghi nhớ thông tin trong não bộ như thế nào?
Quá trình ghi nhớ trong não giống như nhập nội dung vào máy tính. Trước tiên, chúng ta cần nhập nội dung thông qua bàn phím, sau đó lưu trữ vào ổ đĩa, tìm kiếm và giải nén khi cần thiết.
Khi chúng ta muốn nhớ một thứ gì đó, não bộ sẽ trải qua 3 quá trình: mã hóa, lưu trữ và truy xuất thông tin. Trong quá trình này, não có 3 đặc điểm chính:
- Ghi nhớ những thứ có liên quan đã tồn tại trong não trước đó.
- Ghi nhớ những hình ảnh thú vị.
- Ghi nhớ một cách tuần tự, có sự sắp xếp khoa học.
Nhà bác học Albert Einstein từng nói: "Sự quan tâm chính là người thầy tốt nhất". Điều này có nghĩa là nếu một người bị thu hút bởi thứ gì đó, họ có xu hướng quan tâm một cách vô thức. Đối với trẻ em cũng tương tự, những điều thú vị sẽ kích thích sự tò mò, khiến chúng có hứng thú tìm hiểu hơn.
Cách tăng trí nhớ cho trẻ dựa vào thói quen sống
Bố mẹ có thể giúp trẻ cải thiện trí nhớ của mình thông qua một số thói quen hàng ngày như sau:
- Viết ra giấy những thứ trẻ quan tâm
Bố mẹ giúp trẻ nhớ lại những nội dung và kiến thức mình quan tâm nhiều nhất bằng cách viết ra giấy. Điều này có thể giúp trẻ suy nghĩ và tìm hiểu sâu hơn thứ mình thích, nó cũng góp phần cải thiện trí nhớ.
- Chú trọng ngủ đủ giấc
Giấc ngủ đối với trẻ em rất quan trọng, nó không chỉ giúp tăng chiều cao mà còn để cơ thể phục hồi lại năng lượng đã tiêu hao trong một ngày. Khi não bộ được nghỉ ngơi đầy đủ, nó sẽ góp phần cải thiện trí nhớ hiệu quả. Một giấc ngủ sâu rất tốt cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
- Luyện trí nhớ
Bố mẹ hướng dẫn trẻ nhìn chăm chú vào một bức tranh, sau đó nhắm mắt nhớ lại những gì trong tranh như bầu trời, cảnh vật, các nhân vật liên quan. Việc luyện tập nhiều lần như vậy không chỉ cải thiện sự chú ý của trẻ mà còn giúp nâng cao trí nhớ.
Ngoài ra, muốn biến trí nhớ ngắn hạn thành dài hạn, trẻ cần phải thường xuyên ôn tập lại mỗi ngày. Nếu không lặp lại mỗi ngày, trẻ sẽ sớm quên tất cả sau một khoảng thời gian không đụng tới những thứ đó.
Nhà khoa học não bộ Dekola Teck tại Đại học Texas, Mỹ từng nói: "Để cải thiện trí nhớ ngắn hạn, cần phải thực hiện các bài tập lặp đi lặp lại thường xuyên để nhớ lại thông tin. Lúc này, mạng lưới thần kinh của não bộ sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn, giúp chuyển đổi trí nhớ ngắn hạn thành dài hạn".
Cách tăng trí nhớ cho trẻ dựa vào thói quen ăn uống
Vì não bộ tiêu thụ 20% lượng máu và oxy của cơ thể nên nếu trẻ tiêu thụ nhiều thực phẩm tốt cho não bộ, nó sẽ giúp ích trong việc tăng cường khả năng nhận thức, cải thiện trí nhớ và sự tập trung.
1. Quả óc chó
Quả óc chó rất giàu vitamin B, vitamin E, kẽm và mangan. Nếu trẻ ăn 1 quả óc chó mỗi ngày có thể ngăn ngừa tế bào não bị lão hóa, giúp tăng cường trí nhớ.
2. Cá hồi
Cá hồi là một nguồn axit béo omega-3 cực kỳ tốt cho não bộ. Omega-3 đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường trí nhớ, cải thiện tâm trạng, bảo vệ não bộ chống lại bệnh suy giảm nhận thức.
3. Quả bí ngô
Trong các nghiên cứu của Hà Lan, hàm lượng β-carotene trong bí ngô rất có lợi trong việc duy trì khả năng tư duy nhạy bén, phát triển trí não của trẻ.
Ngoài ra, hạt bí ngô cũng rất giàu chất dinh dưỡng như đồng, sắt, kẽm, magiê, tốt cho não bộ.
4. Ngô
Ngô rất giàu axit linoleic và các axit béo không bão hòa, có thể bảo vệ mạch máu não và hạ lipid máu. Đặc biệt, ngô chứa hàm lượng nước cao và glutamate, giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất của tế bào não, khiến não bộ hoạt động tốt hơn.
5. Trứng
Các nghiên cứu cho thấy, chức năng của não và trí nhớ có liên quan mật thiết tới hàm lượng acetylcholine trong não. Trong khi đó, chất lecithin có trong lòng đỏ trứng gà sau khi bị phân hủy bởi enzyme sẽ tạo ra acetylcholine, nó nhanh chóng đi vào máu và di chuyển lên não. Vì thế, trứng có tác dụng tốt trong việc tăng cường trí nhớ.
6. Sữa
Sữa là một loại thực phẩm hoàn hảo chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho não bộ. Đặc biệt, canxi có trong sữa dễ được cơ thể hấp thu, nó cũng là chất quan trọng không thể thiếu trong quá trình chuyển hóa của não bộ. Ngoài ra, sữa còn chứa các nguyên tố như vitamin B1, rất có lợi cho tế bào thần kinh.
Trước khi đi ngủ, bố mẹ có thể pha một cốc sữa ấm cho trẻ, nó sẽ giúp trẻ thư giãn đầu óc, nhanh chóng đi vào giấc ngủ hơn.
7. Cải bó xôi
Cải bó xôi là một loại rau rất rẻ tiền nhưng lại rất giàu vitamin A, C, B1, B2… Tất cả những dưỡng chất này đều có lợi cho quá trình trao đổi chất của các tế bào não. Ngoài ra, nó còn chứa một lượng lớn chất diệp lục có tác dụng bổ não.
Nguồn: QQ, Healthline