Từ khi trẻ được sinh ra, các bé rất hay bị người lớn so sánh. Các con thường được đem lên bàn cân hay một chuẩn mực nào đó để được so sánh, mặc dù đôi lúc cha mẹ cũng không hẳn biết mình đang so sánh với điều có phải là đúng chuẩn mực hay không? "Thằng bé nhà em còi lắm", "Con mình lùn có một mẩu", "sao con mãi chưa biết nói như con nhà người ta cùng tháng",... đó là những câu cửa miệng các phụ huynh thường nói về con mình. 

Khi lớn hơn một chút, con lại bị đem ra so sánh với anh chị em trong gia đình, hoặc hay gặp nhất đó là bị so sánh với "con nhà người ta": "Sao con không học giỏi như anh con?" hoặc "nó còn nhỏ, ngu ngơ lắm, không làm được như anh nó đâu" hoặc đâu đó lại nghe "sao con không học tập chị con, ăn mặc gì mà dị hợm", "con nhìn bạn con xem, bằng tuổi đó đã tự chơi được rồi",... 

Khi bé đến trường thì so sánh với các bạn cùng lớp: "Sao suốt ngày con đứng hạng thứ 15 trong lớp thế, khi nào mới được ít nhất là hạng 3. Cha mẹ không biết rằng bé cũng đã nổ lực và giỏi biết bao nhiêu khi biết rằng bé hạng 15/40, có nghĩa là bé đã hơn 25 bé khác trong lớp. 

 Khi con bạn bắt đầu có người yêu và dắt về nhà thì lại được so sánh với 1 tiêu chuẩn nào đó: "con nhỏ này không bằng con Lan, quên nó đi, con Lan tốt hơn, học giỏi, nhà khá giả". 

Khi con bạn bắt đầu có con thì lại được so sánh với chính cách chăm sóc của bố mẹ ngày xưa: "ngày xưa mẹ làm thế đấy, vẫn nuôi mày khôn lớn đó thôi, trứng sao mà khôn hơn vịt được hả con" hoặc "cho nó ăn mắm muối vào, nhạt nhẽo nó không ăn là phải, ngày xưa mẹ mày nêm gia vị cho, mày ăn ngon lành, giờ bày đặt khoa học này nọ"... 

Chính những lời so sánh "cửa miệng" này khiến trẻ cảm thấy mất tự tin, áp lực khi chúng lớn lên. Con sẽ mặc định mình là người kém cỏi, không có năng lực. 

Để trẻ tự tin phát triển, mẹ sửa đổi hoàn toàn những câu so sánh "cửa miệng" - Ảnh 1.

 Sự phát triển tâm lý bất thường của trẻ khi thường xuyên sống với những lời so sánh 

 Gs.Bs. Jensen, Trưởng Khoa Tâm lý trẻ nhỏ, ĐH Pennsylvania State, Mỹ đã nhấn mạnh: Việc so sánh với anh chị em bé hoặc các bé khác là một việc nên ngừng lại trước khi bạn làm bé phát triển tâm sinh lý bất thường, và trở nên một người thiếu tự tin và thiếu thành công trong tương lai. 

"Sự phát triển các bé là khác nhau hoàn toàn, không có chuẩn mực nào để so sánh hay đối chiếu; kể cả các bé sinh đôi cùng trứng hay khác trứng. Do đó, việc so sánh là điều vô nghĩa. Tốt nhất, nên nhận ra thế mạnh của từng bé và phát huy từng thế mạnh đó thì các bé sẽ phát triển toàn diện về sinh lý và tâm lý.

Hơn nữa, hiểu rõ và ngưng việc so sánh sẽ làm các bé trong gia đình phát triển một cách tự do và phù hợp, mỗi bé có một thế mạnh riêng và sẽ phát huy theo thế mạnh của mỗi bé. Không còn quan niệm "Cá đầu nước thì ngon, con đầu lòng thì dại"- quan niệm này rất thường gặp trong 1 gia đình có 2 anh chị em" - vị chuyên gia cho biết.

Độ tuổi nào thì cha mẹ nên ngừng so sánh trẻ?

Không dừng lại nghiên cứu trên các bé lớn, tâm lý trẻ sơ sinh cũng bị ảnh hưởng bởi những lời so sánh. Gs.Bs. Darshak, ĐH Y Massachusetts, Mỹ cho biết: "Các bé từ 5 tháng tuổi là bắt đầu có sự ảnh hưởng tâm lý nếu cha mẹ hoặc bạn bè của cha mẹ thường xuyên so sánh bé về cân nặng, chiều cao, biếng ăn hoặc sự phát triển thể chất. Các bé thường bị so sánh thì thường ương bướng, biếng ăn, nhút nhát và ít hòa đồng khi các bé bước sang 2 tuổi ". Hơn nữa, Gs. Darshak cũng nhấn mạnh, việc so sánh cũng làm cha mẹ dễ bị stress và áp lực hơn trong nuôi con, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ.

Để trẻ tự tin phát triển, mẹ sửa đổi hoàn toàn những câu so sánh "cửa miệng" - Ảnh 2.

Vậy cha mẹ nên làm thế nào?

Đây là 1 vài lời khuyên dành cho cha mẹ để tránh việc so sánh và giúp các bé biết yêu thương, đoàn kết với nhau hơn:

1. Không bao giờ so sánh giữa các bé, đặc biệt các vấn đề như hình thể, tài năng, độ lanh lợi, thành tích ở trường... Thực ra, so sánh không đem lại kết quả tốt hơn cho bé nào, mà chỉ làm khoảng cách yêu thương giữa các bé trở nên xa hơn. Điều này cũng đúng cả các bé sinh đôi cùng trứng hay khác trứng.

2. Sự ưu tiên hay thiên vị là rất khó tránh trong 1 gia đình. Nhưng, là cha mẹ thông thái sẽ biết cách làm giảm tối thiểu sự thiên vị trong cách đối xử với các bé. Điều này là rất quan trọng vì các bé sẽ có không gian tự do phát triển điểm mạnh và yếu của bản thân. Là cha mẹ, chắc hẳn ai cũng muốn các con đều khỏe mạnh và tài giỏi. Vậy tại sao lại thiên vị?

Để tránh sự thiên vị, bạn có thể khuyến khích các bé giải quyết mâu thuẫn theo cách "hỏi và hiểu". Hỏi để giúp các bé thuật lại vấn đề và từ đó để bé hiểu. Đừng dùng lời la mắng trách phạt ngay, mà hãy hỏi và hiểu. Khi hỏi và hiểu, bạn có thể làm trọng tài hoặc cho 2 bé tự giải quyết sau khi các bé hiểu. Nếu có 1 bé nhỏ hơn 15 tháng tuổi, thì có thể áp dụng cho bé lớn hơn để bé lớn hiểu. Nếu thực sự vấn đề nằm ở bé nhỏ hơn 15 tháng tuổi, có thể dùng kỹ thuật hướng chú ý sang điều khác để giải quyết cho bé lớn vì thực tế độ tuổi này bé nhỏ chưa thể hiểu "đến lượt". Tuy nhiên, khi trẻ qua 15 tháng tuổi các trò chơi đến lượt có thể giới thiệu và cách xử lý phải công bằng và theo lượt nếu cả hai cùng giành 1 món đồ chơi chẳng hạn.

3. Tạo điều kiện và thời gian cho các bé chơi cùng nhau trong 1 trò chơi, đặc biệt các trò chơi tới lượt. VD. cả nhà chuyền banh vòng tròn. Điều này sẽ tạo ra 1 khoảng thời gian nhất định món đồ rời khỏi tay trẻ và được quay trở lại sau đó. Nó giúp trẻ nhận ra đồ chơi có thể chia sẻ. Điều này giúp ích cho các cuộc xung đột giành đồ chơi cho các bé < 5 tuổi vì thường các bé chưa hiểu rằng đồ chơi bị lấy khỏi tay có thể hoàn về. 

 4. Tránh bao gồm trong các cuộc tranh luận bằng lời, đặc biệt các lời méc vô hại. Khi đứa trẻ chạy đến méc bạn điều gì, nếu vô hại, hãy bỏ qua và nói: "Mẹ không biết, tuy nhiên nếu 2 đứa đang chơi mà tranh cãi thì mẹ sẽ cất món đồ đó ngay, và sẽ không được chơi cho đến ngày mai". Tuy nhiên, nếu có vũ lực xảy ra, bạn cần phải có mặt, dùng kỹ thuật hỏi và hiểu, giải quyết nghiêm khắc và đứng về phía lẽ phải, tỏ thái độ nghiêm với người gây ra vũ lực. Thể hiện quan điểm rõ ràng: "đánh/cắn là hành vi mẹ không chấp nhận dù bất cứ lí do gì". Điều này đồng nghĩa chấm dứt ngay trò chơi hoặc tịch thu đồ chơi trong 1 ngày và người gây ra vũ lực sẽ bị phạt (VD không được sử dụng đồ chơi trong 2 ngày). Hình phạt phải được thực thi và đi cùng với lời tuyên bố của bạn thì hành vi của trẻ sẽ thay đổi.

5. Luôn tôn trọng sự riêng tư của trẻ. Phạt hay răn đe là có thể làm, nhưng đừng mang trẻ xỉ nhục trước anh chị em hay người khác, điều này sẽ hình thành 1 loại tổn thương khác. Nếu xảy ra nơi đông người như nhà thờ, siêu thị thì hãy dẫn bé ra ngoài và 1 góc ít người qua lại mà xử lý bé, hơn là chửi đánh bé giữa chỗ đông người.

6. Luôn có những cuộc nói chuyện và họp giữa các thành viên gia đình như trò chuyện và đọc sách cùng nhau. Đó cũng là 1 cách giúp tình cảm của các bé được phát triển.