Phụ huynh, học sinh như 'ngồi trên đống lửa": Thi càng nhiều môn càng áp lực
Đầu tháng 12, Mai Hương, lớp 9 tại huyện Hoài Đức, vẫn học online từ 7h15 đến gần 12h. Vì địa phương có ca nhiễm cộng đồng, Hương chưa được quay lại trường, trong khi bạn bè tại nhiều huyện khác đã học trực tiếp được vài tuần. Nữ sinh sốt ruột khi chỉ còn khoảng nửa năm nữa là kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội diễn ra.
"Chỉ còn khoảng nửa năm nữa là kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội diễn ra. Kiến thức của em bị hổng khá nhiều. Chúng em là lứa thiệt thòi vì 3 năm qua đều gần như học trực tuyến là nhiều. Do đó, em muốn được bỏ môn thi vào lớp 10 để giảm tải, tập trung vào ba môn chính Văn, Toán, Tiếng Anh. Nếu không, năm nay bọn em sẽ cực kì khó khăn", Hương nói.
Hiện, Hương học trực tuyến theo thời khóa biểu chính khóa vào buổi sáng, phụ đạo 3-4 buổi một tuần vào chiều. Học sinh này mong muốn, nếu thành phố không quyết định thay đổi phương án thi thì phải công bố sớm để giáo viên, học sinh còn có thời gian ôn thi.
“Nếu như mọi năm Hà Nội công bố môn thi thứ ba vào khoảng tháng 3 năm sau thì bọn em học sẽ trở tay không kịp, nhất là những học sinh có học lực trung bình. Việc ôn 4 môn là quá sức nhất là khi môn nào cũng bị hổng kiến thức trong thời gian học trực tuyến", Hương nói.
Nhiều phụ huynh ở Hà Nội cũng có chung lo lắng về số lượng môn thi trong kỳ tuyển sinh lớp 10 công lập.
Chị Trần Huyền My, trú quận Đống Đa, Hà Nội e ngại việc thi bốn môn sẽ gây áp lực cho con gái chị chưa được quay lại trường kể từ tháng 5. Lý do chị đưa ra là học online không hiệu quả như trực tiếp, thời gian học cũng ít hơn, chưa kể con họ còn phân tán vì các trò chơi trên mạng.
Theo chị My, việc tổ chức môn thi thứ tư ở Hà Nội nhằm tránh để học sinh học lệch, học tủ, chỉ tập trung vào ba môn chính là Toán, Văn và Ngoại ngữ. Tuy nhiên thực tế, học sinh vẫn tập trung nhiều hơn cho ba môn này trong năm học, và chỉ thực sự chú tâm vào môn thứ tư sau khi Sở GD&ĐT công bố vào tháng 3.
“Nếu thi càng nhiều môn, học sinh sẽ khá áp lực trong thời gian còn lại của năm học. Khi được đến trường trở lại, các thầy cô sẽ phải đẩy mạnh ôn luyện, đồng nghĩa các con có thể phải học với cường độ cao hơn. Thực sự thời điểm này gia đình đang rất rối bời về việc lựa chọn trường cho con trong năm nay vì nếu đặt mục tiêu cao sợ sẽ... trắng tay”- chị My nhấn mạnh.
Phải lựa chọn?
Bà Văn Liên Na - hiệu phó trường THCS và THPT Lương Thế Vinh ( Hà Nội) cho rằng, nhà trường rất lo lắng cho chất lượng học sinh lớp 9 năm nay vì đây là lứa học sinh chịu ảnh hưởng dịch bệnh 3 năm liên tiếp, phải học trực tuyến nhiều đợt, chất lượng dạy học không thể bằng trực tiếp.
Theo bà Na, các môn cơ bản như Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh thì nên kiểm tra còn môn thứ 4 “bốc thăm” thì có nhiều cách bổ sung kiến thức cho các con chứ không nên cứ thi để gây áp lực quá để cho các con phải thi trong giai đoạn này.
“Phụ huynh và học sinh luôn thì lúc nào cũng mong muốn giảm tải rồi nhưng ở điều kiện năm nay thì đề xuất của phụ huynh có lí mà. Vì thế, nếu có thay đổi linh hoạt là bỏ môn thi thứ 4 trong năm nay thì hoàn toàn phù hợp”- bà Na nêu quan điểm.
Cũng theo bà Na, trong khi Hà Nội chưa công bố môn thi thứ 4, học sinh phải cùng lúc học và ôn tập kiến thức tất cả các môn. Vì thế, nếu được, Hà Nội nên bỏ môn thi thứ 4 để giảm áp lực cho học sinh. Còn nếu giữ nguyên phương án cũ thì nên công bố sớm môn thi để học sinh có kế hoạch ôn tập, thay vì chờ đợi đến tháng 3 năm sau.
Thầy Trần Mạnh Tùng- Giám đốc chương trình Tiếng Việt THCS& THPT trường The Deway Schools cho rằng, học sinh lớp 9 đến thời điểm này vẫn phải học trực tuyến thì cũng nên bỏ môn thi thứ 4. Thầy Tùng cho rằng, đã sắp hết học kì 1 và việc học trực tuyến thì cũng phải giảm mục tiêu đi.
Thầy Lê Thảo, giáo viên dạy Toán của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận Hoàng Mai (Hà Nội), cho rằng, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, có trường, có thể gần hết học kỳ I học sinh mới được đến trường.
Do đó, thầy Thảo kiến nghị Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất hủy môn thi thứ 4. Cách đây 2 năm, Hà Nội đã giảm môn thi thứ 4. Năm ngoái, thành phố rút ngắn thời gian làm bài thi nhưng năm đó, thời gian học trực tiếp ở trường khá nhiều. Còn năm nay thì học sinh lớp 9 gần như trong ba năm học trực tuyến ở nhà.
Sở dĩ đề xuất hủy môn thi thứ 4 trong năm nay vì thầy Thảo cho rằng, tình hình dịch bệnh các con đã học trực tuyến rất vất vả rồi mà lại thi cả 4 môn như các năm trước thì rất áp lực với các con.
“Các tỉnh khác từ lâu họ đã bỏ môn thi thứ 4 rồi thì Hà Nội lại quay lại môn thi thứ ba. Tôi thấy kì thi tuyển vào lớp 10 thì 3 môn là hợp lý’- thầy Thảo quan điểm.
Trước nghi ngại nếu không thi môn thi thứ 4 học sinh sẽ học lệch, học tủ?, thầy Lê Thảo cho rằng, ở chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh được chọn môn. Các học sinh có thể không chọn Sử, Địa lí, giáo dục công dân mà chọn Lý, Hóa học, Sinh học hoặc ngược lại cơ mà?
“Tôi thấy năm nay cho thi ba môn là hợp lý còn thêm môn thứ 4 sẽ gây nặng nề cho học sinh. Học sinh sẽ mất thêm thời gian học để thi cho xong rồi sau đó đâu lại vào đấy. Việc học để thi và học để hiểu biết ở Việt Nam thể hiện rõ lắm”- thầy Thảo nói.
Cũng theo thầy Thảo, học sinh thi xong mà không quan tâm đến những gì mình biết, một thời gian sau lại quên hết, sẽ không mang tính lâu dài. Còn nếu học sinh đam mê môn học đó dù không thi thì học sinh cũng nghiên cứu rất cẩn thận.
Cô Nguyễn Thị Thịnh, giáo viên một trường THCS Phú Xuyên, Hà Nội cho rằng, qua ý kiến của học sinh và phụ huynh lớp 9 của trường cô đều mong mỏi năm nay được bỏ môn thi thứ 4.
Cũng theo cô Thịnh, thực tế qua thời gian dài học trực tuyến, nhiều học sinh bị hổng kiến thức nhiều. Trước mắt, nhà trường đành xếp lịch dạy ôn tập, phụ đạo kiến thức 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh cho học sinh lớp 9 thêm vào các buổi chiều không học để củng cố thêm cho các học sinh.
“Với năm học đặc biệt, học trực tuyến kéo dài gần hết học kỳ I như năm nay, Hà Nội nên tính đến phương án bỏ môn thi thứ 4 để giảm áp lực cho học sinh. Nếu không giảm hoặc không công bố sớm, học sinh vừa phải học vừa phải ôn tập tất cả các môn sẽ vất vả, áp lực”, Thịnh nói.
Cũng theo cô Thịnh, môn thi thứ 4 cũng là nên là môn thi không đòi hỏi quá nhiều tư duy không thì học sinh sẽ “vắt chân lên cổ” cũng không ôn thi kịp.
“Giả sử như môn Lịch sử, Địa lý chăm chỉ học sinh sẽ có thể học ôn luyện trong khoảng thời gian ngắn thì kịp chứ các môn đòi hỏi tư duy, thời gian ôn luyện thì sẽ gây khó cho học sinh”- cô Thịnh chia sẻ.