Ðược trả tiền người dân sẽ “nhiệt tình” phân loại

Theo Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Quốc hội Phan Xuân Dũng, dự thảo đã luật hóa việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại cơ bản (chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác).

Hộ gia đình, cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý, phần kinh phí còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Riêng chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế không phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý.

Liên quan đến thuế, phí, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, hai Bộ TN&MT và Tài chính sẽ phối hợp đề xuất mức hợp lý, ngoài thu ngân sách còn để giảm thiểu nguồn thải. Như thế sẽ rõ hơn, vì Bộ Tài chính cũng không thể biết được đâu là chất ô nhiễm, mức độ ô nhiễm thế nào. Còn ngân sách, lần này sẽ làm rõ trách nhiệm chủ đạo của nhà nước, đồng thời xác định vai trò của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề xuất thay đổi phương thức mới, trái ngược hoàn toàn với cách làm hiện nay. Qua đó phải phân thành hai loại, với rác thải công nghiệp, nhà máy xả thải phải trả tiền.

Còn rác thải sinh hoạt, người dân phải là người bán rác thải, được thu tiền về, còn công ty thu gom, vận chuyển phải trả tiền mua rác.

“Vì bắt tôi trả tiền nên sinh ra vứt bừa rác. Nhưng nếu tôi bán rác, được tiền, dù không nhiều thì tôi vẫn ý thức, nhiệt tình phân loại để bán. Nhà máy phải đi mua của ông vận chuyển để xử lý ra các loại sản phẩm”, ông Phúc đề xuất.

Đề xuất dân bán rác thải, công ty thu gom trả tiền - Ảnh 1.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Đồng tình với đề xuất trên, song Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị có quy định ở một mức nào đó. Nghĩa là anh càng xả thải nhiều chất thải sinh hoạt, anh càng phải trả phí nhiều, vì người ta phải thu gom, xử lý rác.

“Nếu không phải trả tiền lại khuyến khích người ta xả thải nhiều. Anh có quyền bán nhưng nếu xả nhiều thì phải trả phí”, ông Lưu nêu quan điểm.

Thùng rác ba ngăn, phân loại tại nhà

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình cũng ủng hộ phân thành 3 loại rác ngay tại nguồn, nhưng theo ông đây là vấn đề khó, nói chục năm nay rồi mà ngay ở thành phố lớn cũng chưa làm được.

Trong khi đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cho rằng, nếu quyết tâm làm đồng bộ sẽ tạo ra một thói quen tốt trong dân cư.

“Như anh Nguyễn Hạnh Phúc nói, phân loại rác, người dân bán được thì họ bán, còn xả thải vào môi trường, họ phải trả phí... Địa phương tôi trước đây thí điểm ở phường thì dân hưởng ứng. Nhưng khi thu gom thì tất cả đổ lên một xe thành ra rất lãng phí. Quan trọng là có nhận thức đồng bộ. Tôi đề nghị nghiên cứu lộ trình ngắn hơn, đến tận năm 2025 thì dài quá”, ông Túy nêu.

Đồng tình với việc quản lý chất thải rắn Chính phủ trình, tuy nhiên để mang lại hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý sau này phải có chiến dịch truyền thông, dần dần thay đổi ý thức, hành động của người dân và toàn xã hội như đối với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Phải tạo thói quen phân loại rác tại nguồn, tại từng hộ, từng nhà, đâu phải đợi tới nhà máy mới phân loại.

Tuy nhiên, theo bà Ngân, muốn làm điều này phải có điều kiện cụ thể, nhà thu gom rác làm thùng 3 ngăn khác màu và in chữ luôn. Theo Chủ tịch Quốc hội, có thể đăng ký làm kiểu mẫu cho từng khu phố, từng huyện, từng tỉnh giống như phong trào xây dựng nông thôn mới.

“Luật này phải cụ thể hóa Hiến pháp, làm sao cho môi trường trong lành. Chất thải rắn, chất thải khí, chất thải lỏng…tất cả đều phải được xử lý. Trước mắt là rác sinh hoạt rất nhiều, cần phải được xử lý”, bà Ngân đề nghị.

Về thẩm quyền đánh giá tác động môi trường, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc đồng tình phương án giao trực tiếp cho Bộ TN&MT thực hiện cho rõ người, rõ việc. “Cứ nói đến môi trường là ông Trần Hồng Hà (Bộ trưởng TN&MT) chịu trách nhiệm, đảm bảo một việc chỉ giao cho một bộ, một người chịu trách nhiệm, tránh dàn trải”, ông Phúc nhấn mạnh.