Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới nhất gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đề xuất giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ đủ 75 tuổi trở lên, thay vì đủ 80 tuổi trở lên như dự thảo trước đó và quy định hiện hành của Luật Người cao tuổi.

Đề xuất 75 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội  - Ảnh 1.

Đề xuất từ đủ 75 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội

Cơ quan soạn thảo đề xuất điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác, thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Khi đạt các điều kiện trên, người cao tuổi sẽ được ngân sách nhà nước trợ cấp hằng tháng, với mức 500.000 đồng/người/tháng (thay vì mức 360.000 đồng/người/tháng hiện hành). Người nhận trợ cấp cũng được tham gia bảo hiểm y tế miễn phí do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Tùy điều kiện kinh tế xã hội và ngân sách từng thời kỳ, Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Ước tính hiện nay có khoảng 1,2 triệu người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác đang hưởng trợ cấp xã hội.

Khi giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75 sẽ có thêm khoảng hơn 700.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Nếu đề xuất được thông qua, ước tính có thêm 700.000 người cao tuổi vào lưới an sinh. Kinh phí phát sinh mỗi năm khoảng 7.100 tỉ đồng.

Cơ quan soạn thảo cho rằng giảm tuổi hưởng giúp người già có thêm tiền cải thiện cuộc sống. Chính sách cũng giảm áp lực cho các địa phương có ngân sách hạn hẹp do tiền chi trợ cấp cho người trên 80 tuổi hiện do các tỉnh thành đảm nhiệm. 

Trợ cấp hưu trí xã hội là khoản tiền ngân sách nhà nước cấp cho người già trên 80 tuổi không có lương hưu cũng như trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng. 

Độ bao phủ an sinh cho người già sau tuổi nghỉ hưu của cả nước mới đạt 35%, trong đó 2,7 triệu người hưởng lương hưu, 630.000 người hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng và hơn 1,8 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Theo mục tiêu Trung ương giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, phấn đấu đến năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội, tương đương 8,94 triệu người.

Để đạt mục tiêu Trung ương giao, trong 6 năm tới phải tăng 25% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội tương đương 3,84 triệu người.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự báo nếu không có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thì năm 2030 Việt Nam sẽ có trên 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu do tốc độ già hóa xảy ra nhanh hơn cả tốc độ phát triển kinh tế.