Theo ông Nguyễn Hoàng Vĩnh Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ LĐTBXH), đơn vị chức năng của Bộ đang đề xuất 2 phương án trong dự thảo về Nghị định nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội. Mức 360.000 đồng như hiện nay là thấp.
Phương án 1, nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng, mức này tương đương 33% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021 - 2025. Với phương án này, số kinh phí thực hiện một năm sẽ khoảng 37.113 tỷ đồng, tăng hơn so với mức quy định hiện tại là 9.465 tỷ đồng.
Phương án 2, mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng lên 750.000 đồng, tương đương 50% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021 - 2025. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 54.000 tỷ đồng/năm, ngân sách Nhà nước bố trí tăng thêm khoảng 26.300 tỷ đồng/năm.
Bộ LĐTBXH đề xuất Chính phủ xem xét, quyết định lựa chọn phương án 1 nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 500.000 đồng/tháng và thực hiện từ 1/7/2024.
Hiện nay cả nước có hơn 3,35 triệu người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và 361.590 người đang hưởng kinh phí hỗ trợ chăm sóc hàng tháng.