Đến dịp tết, người dân lại vất vả với chuyện chờ đón xe, mua vé xe về quê
Áp lực tàu xe về quê khó giải quyết
Theo ông Thượng Thanh Hải - Phó GĐ Bến xe Miền Đông (từ TPHCM đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ) - đợt cao điểm phục vụ tết bắt đầu khoảng từ 10 ngày trước tết (20-30.12 âm lịch). Trong giai đoạn này, lượng khách tăng 50-235% so với ngày thường. Do các tuyến xe khách BXMĐ phục vụ chủ yếu đi xa mất 1-3 ngày nên thông thường vào các ngày 29 và 30.12 âm lịch, lượng khách đón xe về quê khá thấp.
Bởi vì trước đó, người dân tập trung đi vào những ngày cao điểm ngày 24-25-26-27 và 28.12 âm lịch (lượng khách qua bến đạt khoảng 38.000 - gần 47.000 lượt khách/ngày). Chính vì vậy, nếu NLĐ được nghỉ sớm 2 ngày trước tết (tức từ ngày 28.12 âm lịch) thì khó có tác động giảm áp lực xe khách.
Trong khi đó, ông Trần Văn Phương - PGĐ Bến xe Miền Tây (từ TPHCM đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long) - cho biết, thường mọi năm vào các ngày 28 và 29.12 âm lịch lượng khách tại bến xe tăng đột biến. Vì vậy, nếu đề xuất cho NLĐ được nghỉ tết từ 28.1.2014 (nhằm 28.12 âm lịch), trùng với thời gian những ngày trọng điểm phục vụ tết của bến xe, dự báo lượng khách sẽ tăng cao hơn vào những ngày này.
Đối với tàu lửa, ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng ga Sài Gòn - nhìn nhận đề xuất nghỉ thêm 2 ngày trước tết, dù sớm hơn được 2 ngày theo quy định, nhưng cũng khó giảm áp lực cho ngành đường sắt. Thực tế, vé tàu đi vào những ngày cao điểm trước tết đến nay cơ bản đã được bán hết đối với các ngày cao điểm từ 23 đến 28.1.2014 (nhằm ngày 23-28.12 âm lịch năm Quý Tỵ).
Hiện nhà ga chủ yếu còn nhiều vé tàu trước tết đi các ngày từ 22.1.2014 trở về trước có các ga đến từ Vinh trở ra Hà Nội và các ga từ Nha Trang trở vào. Riêng ngày đi tàu 29.1.2014, còn nhiều vé đi các ga từ Đồng Hới đến Hà Nội. Nếu hành khách, đặc biệt đối tượng sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp được bố trí nghỉ sớm trước ngày 20.12 âm lịch thì mới hy vọng hạn chế được tình trạng căng thẳng vé tàu, vì ai cũng có nhu cầu đi vào những ngày cao điểm 23-28.12 âm lịch nên cung không đủ cầu.
Dưới góc độ DN, bà Trần Thảo - phụ trách quản lý lao động Cty dệt may Thanh Đức (Q.Tân Phú, TPHCM) - cho rằng, phần lớn các DN đều có kế hoạch sản xuất kinh doanh trong thời điểm trước và sau tết cổ truyền theo hướng hạn chế tối đa các đơn hàng giao cận ngày tết. Hơn nữa, hằng năm, các Cty sắp xếp cho CN được nghỉ tết từ khoảng thời gian 25-27.12 âm lịch, chứ hiếm khi đợi đến sát ngày 29 hay 30 tết cho nghỉ.
Bà Trần Thảo phân tích thêm: “Việc đề xuất cho nghỉ tết thêm 2 ngày trước tết khó giải quyết được áp lực tàu xe đối với NLĐ có quê ở xa. Nếu có chăng, việc nghỉ thêm 2 ngày này sẽ giúp NLĐ, CBCNVC sống ở các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng có thêm thời gian chủ động mua sắm hàng hóa tết sớm hơn”.
Không phải ai cũng mừng!
Tuy nhiên, để được nghỉ tết sớm 2 ngày (28- 29.1.2014 đã nghỉ) thì NLĐ phải làm việc bù 2 ngày (ngày 25-26.1.2014) như trong đề xuất khiến nhiều DN, NLĐ lo lắng. Chị Ngọc Trân - CN Cty Ngọc Hà, Q.Bình Chánh, TPHCM - lo lắng: “Hầu hết CN ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài đều làm cả ngày thứ 7, 1 tuần chỉ được nghỉ 1 ngày chủ nhật. Nếu để nghỉ tết sớm 2 ngày và phải làm bù 2 ngày thì anh chị em CN phải làm bù 2 ngày chủ nhật liên tiếp, nghĩa là phải làm liên tục hơn 20 ngày, không có ngày nghỉ, không biết sức mình có chịu nổi không?”.
Ông Đinh Văn Giai - Chủ tịch CĐ Cty Toàn Thắng - cho rằng: “Ở những Cty 1 tuần chỉ được nghỉ ngày chủ nhật thì việc làm bù 2 ngày chủ nhật liên tiếp sẽ khiến CN rất mệt mỏi, chất lượng làm việc cũng không có. Trường hợp bắt buộc phải nghỉ tết sớm 2 ngày thì Cty chỉ có thể sắp xếp cho CN làm bù 1 ngày chủ nhật, ngày còn lại xem như DN chịu lỗ”.
Bà Trần Ngọc Phương - chủ DN may Bích Phương, Bình Tân - cho biết: “Cuối năm có nhiều đơn hàng phải xuất đi, lịch tăng ca, làm thêm giờ đã được sắp xếp và kín hết, nếu đề xuất nghỉ tết sớm 2 ngày được thông qua thì rất khó cho DN”. Theo bà Phương, nếu DN bên cạnh sắp xếp được cho CN về tết sớm mà bên Cty mình còn làm thì rất dễ xảy ra ngừng việc để phản đối, nếu mình bắt CN tăng ca, làm thêm giờ, CN chịu không nổi cũng không xong!
Thực tế, nhằm tạo điều kiện cho CN được nghỉ tết nhiều hơn, nhiều Cty đã chủ động cho CN nghỉ trước thời gian nghỉ tết chung 1- 2 ngày. Bà Lê Thị Mỹ Liên - Chủ tịch CĐ Cty TNHH D.I, KCX Linh Trung II - cho biết: “Thường để cho CN được nghỉ tết sớm thì CĐ phải đề xuất từ trước để Cty có kế hoạch tăng ca, làm thêm ngày nhưng có lúc được lúc không, tùy thuộc vào hàng nhiều hay ít mà Cty sẽ có thể linh động cho CN nghỉ tết sớm”.
“Tôi thấy bảo là giảm áp lực tàu xe nhưng thực ta không giải quyết được vấn đề, khi nghỉ tết thì tất cả về quê cùng một lúc, mật độ vẫn vậy thôi. Người đi đông thì xe, tàu, máy bay vẫn tăng giá vé, NLĐ vẫn khổ” - anh Nguyễn Hoàng Duy - nhân viên Cty Tư vấn đầu tư SVN - nói.
Nghỉ tết âm lịch 7 ngày có phù hợp?
Ủy ban ATGT QG đã đề nghị Chính phủ cho phép được nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 trước tối thiểu 3 ngày. Cụ thể, được nghỉ 9 ngày từ ngày 28.1 đến ngày 5.2.2014, tức là đề nghị nghỉ thêm 2 ngày trước tết là ngày 28 và 29.1.2014, đi làm bù vào ngày thứ 7 và chủ nhật trước tết là ngày 25 và 26.1.2014. Theo đại diện của Ủy ban ATGT QG, việc sắp xếp nghỉ tết sớm trước 3 ngày cũng tạo điều kiện cho người dân có thời gian đi mua sắm hàng hóa để đón tết, kích cầu tiêu dùng trước tết; tránh được tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức phải tranh thủ đi sắm tết trong giờ làm việc, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.
Trao đổi với PV Báo Lao Động đại diện Cục TVSLĐ (Bộ LĐTBXH), dự kiến năm sẽ không nghỉ hoán đổi và chỉ nghỉ một ngày trước tết và 3 ngày sau tết và thứ bảy chủ nhật. Việc Bộ GTVT đề nghị nghỉ hoán đối trước 2 ngày rồi đi làm bù để tránh ùn tắc giao thông khi mọi người đồng loạt nghỉ tết, điều này cũng hợp lý. Hằng năm Bộ LĐTBXH cũng nghỉ hoán đổi như vậy, nhưng thường thì nghỉ xong mới hoán đổi, chứ không làm trước mới nghỉ sau.
Ông Đầu Xuân Hảo – Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Vĩnh Phúc: việc điều chỉnh lịch nghỉ tết như vậy chắc chắn sẽ có ảnh hưởng nhất định tới hoạt động SXKD của các DN. Vì thời điểm từ nay đến tết còn 2 tháng nữa nên chưa có DN nào chính thức có ý kiến về vấn đề này, nhưng nhiều DN nước ngoài sẽ gặp những trở ngại nhất định mỗi khi phải cho CNLĐ nghỉ việc theo Tết Nguyên đán ở nước ta. Ở Vĩnh Phúc, cả KCN Khai Quang và KCN Bình Xuyên (những KCN lớn nhất tỉnh) có nhiều DN đã ký hợp đồng SX hàng hóa liên tục và họ buộc phải hoàn thành những lô hàng theo những hợp đồng đã ký kết. Do đó, bất cứ sự xáo trộn nào đều có thể gây bất lợi cho DN. Rất có thể việc điều chỉnh ngày nghỉ sẽ đỡ gây ùn tắc giao thông trong dịp tết, lại giúp NLĐ đi lại dễ dàng hơn thì là điều rất cần được nghiên cứu kỹ. Các KCN ở Vĩnh Phúc hiện có hơn 40.000 NLĐ đang làm việc, và nếu họ nghỉ hoặc đi làm đồng loạt thì chắc chắn sẽ tạo một áp lực lớn lên hệ thống giao thông vốn đã quá tải ở khu vực này.
Ông Đinh Quốc Toản – Chủ tịch CĐ các KCN-KCX Hà Nội: “Sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của các DN”. Tôi được biết thông tin Ủy ban An toàn giao thông quốc gia có đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho nghỉ tết thêm hai ngày trước tết. Theo đó, sẽ nâng tổng số ngày nghỉ Tết Giáp Ngọ từ 7 ngày lên 9 ngày và NLĐ sẽ đi làm bù vào thứ 7, CN trước tết. Việc này có thể ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất kinh doanh của các DN và lịch đưa đón CN về quê nghỉ tết. Bởi ngay từ đầu quý VI (tháng 10), các DN hoạt động trên địa bàn TP.Hà Nội đã phối hợp với tổ chức CĐ xây dựng phương án đưa đón CN về quê nghỉ tết. Ngoài ra, cuối tháng 11.2013, các DN đã xây dựng kế hoạch công tác cho năm 2014, do đó tôi nghĩ rằng các chủ DN sẽ vẫn không thay đổi lịch nghỉ tết của CN.
Chị Lục Thị Quỳnh (CN Cty Canon VN, quê Tuyên Quang): Nếu được nghỉ tết thêm 2 ngày nữa thì rất tốt, bởi đây là dịp về quê “dài hơi” nhất trong năm của NLĐ chúng tôi. Tuy nhiên, nếu kế hoạch nghỉ thêm 2 ngày trước tết được công bố sớm – khoảng tháng 10 - thì lãnh đạo Cty có thời gian sắp xếp, xây dựng kế hoạch SXKD cũng như lịch bố trí việc đưa-đón CN về quê nghỉ tết được thuận lợi hơn.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (CN Cty Ryonan, quê Hiệp Hòa, Bắc Giang): Mặc dù đã có kế hoạch về quê nghỉ tết, nhưng nếu có thay đổi được nghỉ thêm vài ngày thì tôi rất đồng tình. Bởi chúng tôi có thời gian mua sắm phục vụ tết, ở nhà với gia đình lâu hơn. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc áp dụng nghỉ thêm 2 ngày nữa không hẳn sẽ giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông, bởi nếu tất cả NLĐ đều được nghỉ cùng một thời điểm thì ắt xảy ra tình trạng dòng người “ùn ùn” trở về quê và lên làm việc trở lại trước và sau tết.