Đề xuất tái khởi động sản xuất kinh doanh tại TP.HCM sau 15/9 - Ảnh 1.

Ngày 3/9, Tổ tư vấn về chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế đã đề xuất UBND TP.HCM phương án tổ chức sản xuất an toàn sau ngày 15/9 nhằm giải quyết tình trạng đa số các doanh nghiệp (DN) hiện nay - vốn đã đóng cửa kéo dài từ đầu tháng 7/2021.

Phương án được đề xuất áp dụng trong lúc TP.HCM chờ phủ vắc xin 2 mũi. Đây được xem là biện pháp khẩn cấp để mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế khi tỷ lệ lao động được tiêm vắc xin phòng COVID-19 còn thấp.

Tổ tư vấn đề xuất mở cửa theo từng giai đoạn để đảm bảo mục tiêu kép, giảm gánh nặng cho hệ thống y tế ở mức tối đa cũng như duy trì hoạt động sản xuất bền vững và liên tục ngay cả khi phát hiện ca nhiễm tại nhà máy.

Các DN nâng công suất hoạt động dần dần theo các mức 30% - 50% - 70% và cao hơn. Ưu tiên việc trở lại làm việc trước hết cho người lao động (NLĐ) sống ở vùng xanh hoặc không bị phong tỏa, không bố trí công việc cho người có mức độ rủi ro phơi nhiễm cao (phụ nữ có thai, bệnh nền, đang sống chung với F0).

Theo đó, DN tự xét nghiệm nhanh sàng lọc (hoặc thuê công ty dịch vụ) theo mẫu gộp cho NLĐ 1 lần/tuần cho những đối tượng nguy cơ cao (do doanh nghiệp quyết định về đối tượng và phần trăm, với mục tiêu là 20% tổng lao động đang làm việc như hướng dẫn trước đây của Bộ Y tế, với điều kiện thị trường có khả năng cung ứng đầy đủ số lượng bộ xét nghiệm) và báo cáo kết quả xét nghiệm cho chính quyền địa phương.

Trường hợp phát hiện ca nhiễm, DN chỉ tạm ngừng hoạt động tại dây chuyền/khu vực nơi có ca liên quan trực tiếp (tức nơi có F0, F1) chứ không phải toàn bộ nhà máy. Cơ quan chức năng (y tế) phối hợp với DN đưa NLĐ bị nhiễm đi cách ly, điều trị tại bệnh viện, cơ sở cách ly do chính quyền quản lý. DN tuyệt đối không giữ người nhiễm trong nhà máy và không cần đóng cửa hoặc tạm dừng toàn bộ nhà máy.

Theo Tổ Tư vấn, thực tiễn ở các nước đều cho thấy việc duy trì sản xuất liên tục trong điều kiện dịch bệnh là hoàn toàn có thể. Mục đích của việc tạm ngừng dây chuyền/khu vực liên quan là nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo bùng phát, gây tâm lý hoảng sợ, mất an toàn cho những người lao động còn lại. Giải pháp này tương tự việc cần nhanh chóng tách F0 ra khỏi cộng đồng, bởi mỗi nhà máy/DN cũng là một cộng đồng.

Đề xuất tái khởi động sản xuất kinh doanh tại TP.HCM sau 15/9 - Ảnh 3.

Hoạt động sản xuất tại các dây chuyền phải đảm bảo nguyên tắc 5K. Trong ảnh: Lãnh đạo UBND TP.HCM kiểm tra công tác phòng chống dịch tại một doanh nghiệp

Lộ trình tái khởi động hoạt động kinh tế tại TP.HCM được chia thành 4 giai đoạn. Giai đoạn 1: Các DN đã đáp ứng tất cả các yêu cầu cần thiết để hoạt động trở lại. Mức độ sử dụng lao động trong giai đoạn này tương ứng với tỷ lệ người lao động đã tiêm mũi 2 được hai tuần hoặc đã tiêm mũi 1 được bốn tuần và được xét nghiệm định kỳ.

Để đảm bảo an toàn, số lượng người lao động trong giai đoạn này nên được giới hạn (ví dụ như 30% so với bình thường) và kéo dài ít nhất 5 ngày để ổn định hoạt động trước khi chuyển sang giai đoạn 2. DN có thể xin mở cửa trở lại bất cứ khi nào họ sẵn sàng. Khi DN nào đã xây dựng phương án đáp ứng tất cả các yêu cầu một cách bền vững, có thể chuyển qua giai đoạn 2.

Giai đoạn 2: Nâng công suất lên tối đa 50%. Các DN/nhà máy có thể tiếp tục giai đoạn 1 lâu hơn nếu muốn hoặc chưa sẵn sàng chuyển sang giai đoạn 2. DN không được bước vào giai đoạn 2 cho đến khi xác định được rằng hoạt động ở mức 30% đang vận hành tốt và sẵn sàng để tăng mức sản xuất.

Giai đoạn 3: Nâng công suất lên tối đa 70% cho đến khi được phép hoạt động lại 100% công suất. Với những DN/nhà máy chưa sẵn sàng, có thể tiếp tục với công suất như giai đoạn 1 hoặc giai đoạn 2.

Để tham gia vào lộ trình tái khởi động, DN phải đáp ứng các biện pháp đảm bảo an toàn. Tại nơi ở, người lao động tuân thủ quy định về giãn cách (gia đình với gia đình, khu phố với khu phố). Không chỉ người lao động mà người thân ở nhà hoặc tham gia các hoạt động khác bên ngoài cũng cần tuân thủ.

Đề xuất tái khởi động sản xuất kinh doanh tại TP.HCM sau 15/9 - Ảnh 4.

Công ty PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP.HCM) đóng cửa một phân xưởng sản xuất sau khi phát hiện một công nhân là F0

Bên cạnh đó, người lao động cam kết chỉ di chuyển giữa nhà và nơi làm việc. Nếu điều kiện nhà máy hoặc hệ thống vận tải của địa phương cho phép, nhà máy có thể bố trí xe buýt đưa đón theo cụm.

Mỗi xe chỉ chở tối đa 1/2 số ghế, đảm bảo khoảng cách giữa mỗi người trên xe. Xe đưa đón được khử khuẩn sau mỗi lượt trả khách; lái xe được tiêm vắc xin ít nhất mũi 1 và phải có xét nghiệm PCR-RT với kết quả âm tính mỗi lần/tuần.

Chi phí đưa đón bằng hệ thống xe buýt do DN tự trả. Ở các khu vực dịch vụ xe buýt không đáp ứng được nhu cầu hoặc người lao động sống quá rải rác, người lao động được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đồng thời tuân thủ 5K.

Để đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu và tăng cường việc tuân thủ di chuyển không ngắt quãng giữa nhà và nơi làm việc, DN có thể cân nhắc "đi chợ thay" hoặc bố trí phiên chợ tạm ngay trong khuôn viên nhà máy; hoặc địa phương cũng có thể áp dụng phiếu đi chợ để người lao động/người thân của họ chỉ di chuyển đến siêu thị/chợ trong phạm vi phường/quận quy định.

Người lao động phải đeo khẩu trang mọi lúc, trừ khi ăn uống. Sẽ không có trường hợp ngoại lệ nào khác. Xét nghiệm COVID-19 có kết quả âm tính cho người lao động trước khi quay lại làm việc. Thời gian công nhân đến và rời nhà máy được giãn cách để phân luồng, giảm mật độ tập trung; đo thân nhiệt và rửa tay bằng xà phòng/cồn tại cổng ra vào; đảm bảo không có sự giao lưu, ăn uống hoặc trộn lẫn công nhân giữa các phân xưởng/dây chuyền sản xuất.

DN chuẩn bị khu vực cách ly tạm thời F0, F1. Trong khi chờ đưa đi khu cách ly tập trung, tuyệt đối không giữ người nhiễm trong nhà máy quá 24h để hạn chế nguy cơ lây chéo bùng phát gây tâm lý hoảng sợ, mất an toàn cho những người lao động còn lại.

DN bố trí "vùng đệm an toàn" cho các bộ phận cần tiếp xúc với nhau, như một phòng/khu vực trống giữa hai xưởng/chuyền/bộ phận để giao nhận đồ mà không gặp mặt nhau ở khoảng cách gần (Tương tự như cách shipper bỏ đồ ở cửa rồi chủ nhà ra nhận sau).

Với các dây chuyền không thể đảm bảo khoảng cách 1m hoặc 2m do đặc thù dây chuyền sản xuất, DN phải trang bị kính bảo hộ mặt cá nhân cho từng người lao động.