Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu xây dựng, sửa đổi Nghị đinh số 20 với đề xuất hai phương án tăng mức trợ cấp, hiện đang tổng hợp để hoàn thiện báo cáo Chính phủ.

Phương án 1: Nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng/người/tháng lên 500.000 đồng, mức này tương đương 33% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025. Với phương án này thì số kinh phí thực hiện mỗi năm sẽ khoảng 37.000 tỷ đồng, tăng hơn so với mức quy định hiện tại là gần 10.000 tỷ đồng. Dự kiến nếu phương án này được thực hiện từ ngày 1/7/2024, thì năm 2024 ngân sách nhà nước cần bố trí thêm khoảng 4.700 tỷ đồng.

Phương án 2: Nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng/người/tháng lên 750.000 đồng, tương đương 50% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025.

Với mức chuẩn trợ giúp xã hội là 750.000 đồng, thì tổng kinh phí thực hiện mỗi năm khoảng 54.000 tỷ đồng, ngân sách nhà nước bố trí tăng thêm khoảng 26.000 tỷ đồng/năm. Dự kiến nếu thực hiện từ ngày 1/7

Ngoài đề xuất tăng mức trợ cấp theo 2 phương án trên, dự kiến sẽ bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội gồm: Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt không có người nuôi dưỡng; trẻ em dưới 3 tuổi và người cao tuổi từ 75 – 80 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, đến nay cả nước có khoảng 3,3 triệu người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng, với mức trợ cấp 360.000 đồng/người/tháng.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, với mức trợ cấp như hiện nay, ngân sách Nhà nước đã bố trí hơn 27.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách trợ giúp xã hội và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội và mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng trợ giúp xã hội. Đến nay, có 14 tỉnh, thành phố đã nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội cao hơn mức chuẩn quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.

Trong đó, mức chuẩn thấp nhất là 380.000 đồng ở Hà Giang, mức chuẩn cao nhất là 500.000 đồng ở Hải Phòng; 32 tỉnh, thành phố mở rộng đối tượng bảo trợ xã hội theo đặc thù của địa phương.

Công tác chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội tiếp tục được triển khai thông qua cơ quan Bưu điện tại 61/63 tỉnh, thành phố. Việc nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách đã từng bước đáp ứng được nhu cầu trợ giúp xã hội của một bộ phận dân cư có hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết đã có nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc nảy sinh.

Cụ thể, chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng còn thấp, mới chỉ hỗ trợ được một phần nhu cầu thiết yếu của người dân; chưa tương đồng với chính sách bảo hiểm xã hội, lương hưu, giảm nghèo và trợ cấp đối với người có công với cách mạng.

Mức trợ cấp xã hội hiện chỉ bằng khoảng 17% thu nhập bình quân, 24% chuẩn nghèo nông thôn giai đoạn 2021-2025. Giai đoạn 10 năm 2013-2023, tiền lương cơ sở đã được điều chỉnh tăng 6 lần, tuy nhiên mức chuẩn trợ cấp xã hội chỉ được được điều chỉnh tăng 2 lần. Từ tháng 7/2023, mức lương cơ sở tiếp tục tăng lên 1,8 triệu đồng.

Mặt khác, theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Việt Nam tiếp tục tăng theo từng năm: năm 2021 CPI tăng 1,84% so với năm 2020; năm 2022 CPI tăng 3,15% so với năm 2021; 6 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Việc giá của các loại hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng hàng ngày của người dân tăng lên, trong khi mức trợ cấp xã hội không thay đổi khiến cuộc sống của đối tượng bảo trợ xã hội gặp nhiều khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, một bộ phận dân cư khó khăn chưa thụ hưởng chính sách do chưa được quy định trong Nghị định số 20/2021/NĐ-CP như: Trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng; thành viên hộ nghèo, cận nghèo không có thành viên trong độ tuổi lao động hoặc có thành viên trong độ tuổi lao động nhưng mất khả năng lao động; trẻ em dưới 3 tuổi; người từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi thuộc hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo.