Đề xuất thành lập ủy ban quốc gia để giải quyết ô nhiễm không khí kéo dài ở miền Bắc - Ảnh 1.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Ảnh: Như Ý

Miền Bắc lại ô nhiễm kéo dài

Từ sáng qua (17/12), miền Bắc bước vào một đợt ô nhiễm không khí mới. Các hệ thống quan trắc chất lượng không khí ở Việt Nam đều ghi nhận mức độ ô nhiễm nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng.

Theo ứng dụng quan trắc không khí của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả ngày qua, khu vực đồng bằng Bắc bộ và Thái Nguyên, Phú Thọ ở mức cảnh báo đỏ, riêng tại Thủ đô Hà Nội sáng qua, ô nhiễm không khí lên mức tím. Kết quả ghi nhận tương tự ở Hệ thống quan trắc không khí PAM Air.

Theo dự báo trên hệ thống chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ, ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc còn kéo dài ít nhất đến cuối tuần này với mức độ ô nhiễm phổ biến ở ngưỡng đỏ. Tình trạng ô nhiễm không khí chỉ được cải thiện khi miền Bắc đón đợt không khí lạnh mới vào khoảng đầu tuần sau.

Mức độ ô nhiễm không khí trên được nhận định sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ tất cả mọi người, đặc biệt là đối tượng nhạy cảm như người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch. Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần hạn chế hoạt động ngoài trời hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức. Khi ra ngoài cần sử dụng khẩu trang có khả năng chống bụi mịn PM2,5. Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực bị ô nhiễm không khí. Thực hiện vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Tăng cường khả năng dự báo, cảnh báo

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đã huy động các nguồn lực và tiếp cận các phương pháp dự báo chất lượng môi trường không khí tiên tiến trên thế giới, như mô hình dự báo chất lượng không khí CMAQ (Mỹ), SILAM (châu Âu, Phần Lan). Đến nay, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã xây dựng và công bố bản tin Dự báo nội bộ dự báo chất lượng môi trường không khí ngắn hạn 24 - 48 giờ trên phạm vi toàn quốc và theo 6 vùng kinh tế xã hội. Cục cũng đã xây dựng bản tin Dự báo nội bộ chất lượng không khí cho 2 ngày tiếp theo tại 6 vùng kinh tế và các tỉnh thành phố trên toàn quốc.

Trong kế hoạch tiếp theo, Cục sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tích hợp để tăng dày các nguồn dữ liệu phục vụ công tác dự báo chất lượng không khí hướng tới hoàn thiện Hệ thống dự báo chất lượng môi trường có độ chính xác cao và công bố kết quả dự báo chất lượng môi trường trên các phương tiện truyền thông.

 Cần sự hợp tác liên vùng, liên ngành

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Hiệu trưởng Trường Hoá và Khoa học sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội, ô nhiễm không khí là vấn đề đã được đề cập ở Việt Nam trong 30 năm qua nhưng vẫn rất “nóng”. Bà cho rằng, những gì chúng ta làm để cải thiện chất lượng môi trường không khí luôn luôn chậm hơn so với thực tiễn. Chuyên gia này lấy ví dụ, khi vấn đề ô nhiễm không khí bắt đầu được đề cập, chúng ta tập trung kiểm soát các nguồn thải sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng, rồi đến làng nghề, các hoạt động đốt rơm rạ, đốt rác nhưng thực tế lại phát sinh các nguồn gây ô nhiễm mới như giao thông, xây dựng.

Bà cũng nêu thực tế, một nghiên cứu về hiệu quả hoạt động môi trường cấp tỉnh được thực hiện cho thấy, nỗ lực mà cơ quan chức năng và cộng đồng thực hiện so với mục tiêu đề ra là rất thấp, nói cách khác, khoảng cách giữa chính sách và thực thi còn lớn. Từ thực tiễn nghiên cứu, PGS Tuyết cho rằng, ô nhiễm không khí vừa là vấn đề rất cấp bách, vừa có tính liên tỉnh, liên vùng, liên ngành. Vì vậy, cần sự vào cuộc của cả một hệ thống chính trị, trong đó cần thành lập một ủy ban quốc gia trực thuộc Chính phủ, bao gồm nhiều bộ, ngành, địa phương cùng tham gia. Trước mắt nên ưu tiên giải quyết ô nhiễm ở những vùng trọng điểm như Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng cùng Thái Nguyên.

Đẩy mạnh kiểm tra

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giám sát các nguồn thải khí thải (đặc biệt từ các điểm đốt mở, đốt rác thải, đốt sinh khối, đốt phụ phẩm nông nghiệp, rơm rạ, khu vực xây dựng; nguồn điểm từ các cơ sở sản xuất công nghiệp).

Bên cạnh đó, yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các cơ sở phát sinh bụi, khí thải lớn trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; đôn đốc, giám sát các cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

PGS Tuyết cũng cho rằng, bên cạnh các mục tiêu dài hạn, cần đặt ra các mục tiêu ưu tiên trong ngắn hạn, khoảng 3-5 năm tới, tập trung nguồn lực tối đa để đạt được các mục tiêu ngắn hạn này, đồng thời xây dựng các công cụ để đánh giá, giám sát các giải pháp đề ra.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lượng, Khoa Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, kinh nghiệm của Bắc Kinh cho thấy, bên cạnh việc đẩy mạnh kiểm soát ô nhiễm không khí trong phạm vi của thành phố, Bắc Kinh cũng chủ động tìm kiếm các biện pháp phối hợp với các vùng lân cận để kiểm soát ô nhiễm không khí. Bắc Kinh và các địa phương lân cận đã thông qua những kế hoạch phối hợp, thống nhất các tiêu chuẩn, cùng ứng phó các trường hợp khẩn cấp và chia sẻ thông tin. Nhờ đó, chất lượng không khí của toàn bộ khu vực kể trên đã được cải thiện đáng kể.

Từ kinh nghiệm của Bắc Kinh, PGS Lượng cho rằng, Việt Nam có thể thực hiện các nghiên cứu, xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng không khí trên phạm vi vùng. Trước mắt ưu tiên hai vùng ô nhiễm nghiêm trọng gồm Hà Nội và các tỉnh thành lân cận. Hai là, khu vực TPHCM và các tỉnh thành thuộc vùng Đông Nam bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam” diễn ra gần đây, UBND thành phố Hà Nội cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu xây dựng cơ chế và quy định phối hợp giữa bộ - tỉnh và tỉnh - tỉnh để trao đổi dữ liệu về môi trường, nhất là các vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, đồng thời xây dựng chương trình công tác phối hợp để xử lý vấn đề ô nhiễm liên vùng, liên tỉnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, Bộ sẽ khẩn trương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng, liên tỉnh trong công tác kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí” để triển khai thực hiện.