Cần thiết

Ông Hoàng Xuân Đôn, Trưởng BQL Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn cho biết, việc thu phí tham quan là một trong những khuyến nghị của UNESCO. Tỉnh Hà Giang chuẩn bị cho việc này 4 năm nay, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chưa thể triển khai. “Các sở, ban, ngành của tỉnh đang thảo luận về việc này. Đa số đều ủng hộ vì chủ trương thu phí để tái đầu tư cho đồng bào dân tộc. Nhưng chúng tôi vẫn đang gặp khó khăn về mức thu và địa điểm thu phí”, Trưởng BQL nêu.

Trước đó Hà Giang từng tổ chức hội đàm bàn về việc thu phí công viên địa chất để huy động nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát triển công viên địa chất. Ba phương án thu phí với mức 20, 30, 40 nghìn đồng/người/đêm đối với người lớn và 10, 15, 20 nghìn đồng/người/đêm đối với trẻ em.

Mức phân chia nguồn thu phí dự kiến: UBND các huyện, xã, thị trấn 20%, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trực tiếp thu phí 20%, nộp ngân sách nhà nước 60%. Nguồn phí này dành cho đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển sản phẩm mới, xây dựng các công trình vệ sinh môi trường.

Đề xuất thu phí tham quan cao nguyên đá Đồng Văn: Tránh tận thu - Ảnh 1.

Việc thu phí tham quan nhằm nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc

Chuyên gia kinh tế, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc thu phí tham quan Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn là bình thường, dễ hiểu nhằm bảo tồn, phát triển tài nguyên du lịch. “Trên thế giới, nhiều nước áp dụng cách làm này. Đây là biện pháp tạo ra nguồn kinh phí góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo nguyên trạng cảnh quan thiên nhiên và phát huy giá trị của di tích, thắng cảnh”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn được hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN) của UNESCO ghi danh là công viên địa chất toàn cầu vào tháng 10/2010. Vào thời điểm đó, đây là danh hiệu duy nhất ở Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á. Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ trái đất và cũng là nơi có nhiều di tích danh lam thắng cảnh quốc gia đã được công nhận, như di tích kiến trúc nhà Vương, cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng...

Ông nhận định, kế hoạch thu phí tham quan là cách địa điểm du lịch tự tạo nguồn thu để phát triển, thay vì chỉ trông chờ thụ động vào ngân sách nhà nước và đóng góp của người dân. “Nên thực hiện xã hội hoá, lấy nguồn thu từ việc tham quan để bảo tồn, phát triển chính địa điểm du lịch đó”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói. Ông cũng khẳng định, mức phí dự kiến khoảng 20-40 nghìn đồng/người “không quá cao”. Nếu Ban quản lý thể hiện trách nhiệm trong công tác chăm lo, bảo tồn và có các dịch vụ tương xứng để phục vụ nhu cầu của khách du lịch, việc thu phí hầu như không ảnh hưởng tới lượng khách đến với cao nguyên đá Đồng Văn.

Tránh tận thu

Không ít chuyên gia về du lịch, văn hoá, kinh tế khẳng định, việc thu phí là một trong những phương thức để bảo tồn, phát triển tài nguyên du lịch, mang đến nguồn thu cho tỉnh. Tuy nhiên, câu hỏi “Thu thế nào? Thu bao nhiêu? Bao giờ thu?” vẫn chưa có lời giải đáp. Để có thể thu phí tham quan Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, các chuyên gia cho rằng, cần có kế hoạch cụ thể, minh bạch nguồn thu, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, việc thu phí là một vấn đề nhạy cảm bởi điều này tác động lớn đến tâm lý du khách nhiều hơn là số tiền họ chi tiêu. “Nếu thu ngay lúc này, tôi cho rằng chưa hợp lý. Trong tương lai, việc thu phí cần được cân nhắc. Chúng ta cần thu hút du khách, xây dựng thương hiệu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các dịch vụ đi kèm sau đó mới tính toán thu phí để thu hút đầu tư, quản lý di sản và tổ chức các hoạt động nâng tầm thương hiệu, hướng đến chất lượng của du lịch và phân khúc du khách phù hợp”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn phân tích.

Ông cũng nêu ví dụ về một số địa điểm cũng thu thêm phí của du khách. Tại Genève (Thụy Sĩ), khi đến khách sạn, ngoài tiền dịch vụ như bình thường, du khách phải đóng thêm 15 euro (khoảng 500 nghìn đồng). Với khoản chi phí này du khách được hưởng nhiều các ưu đãi như đi phương tiện công cộng (xe buýt, tàu điện...) miễn phí. Rất khó so sánh Thụy Sĩ với Việt Nam, hay Genève với Hà Giang vì trình độ xã hội khác nhau, nhưng quan trọng là khi thu phí cần đảm bảo hạ tầng, dịch vụ tương xứng với phí thu từ du khách.

Đề xuất thu phí tham quan cao nguyên đá Đồng Văn: Tránh tận thu - Ảnh 3.

Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn thu hút du khách bởi vẻ hùng vĩ, hoang sơẢnh: KỲ SƠN

“Việc thu phí dễ rơi vào cảnh tận thu, tạo hình ảnh xấu cho điểm đến, tác động tiêu cực đến các lĩnh vực khác ở Hà Giang. Vì vậy, tất cả cần phải nằm trong tính toán của tỉnh trước khi ban hành. Với những tính toán đã có, tỉnh Hà Giang sẽ quyết định nên thu phí hay không? Nếu có thì khi nào, bao nhiêu trên cơ sở điều kiện phục vụ du khách đã sẵn sàng”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn phân tích.

Thực tế, nhiều quốc gia khuyến khích phát triển du lịch theo những hình thức như miễn phí di chuyển cho du khách, miễn giảm thuế... để kích thích các lĩnh vực khác như giao thông tại chỗ, nhà hàng, khách sạn, thủ công mỹ nghệ.... của địa phương. Những lợi ích của các lĩnh vực liên quan này đều được tính cho thành tích của du lịch. Tính toán theo quan điểm như vậy sẽ khiến chúng ta có thêm nguồn lực cho việc quản lý di tích, bảo vệ di sản, không buộc các di sản nhất thiết phải nghĩ về tiền vé, thu phí như là nguồn thu bắt buộc phải có để duy trì hoạt động.

Nâng cao trách nhiệm với tài nguyên thiên nhiên

Năm 2014 và năm 2019, UNESCO tái công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn là thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO giai đoạn 2015-2018 và giai đoạn 2019-2022. Ông Trương Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP. Hà Nội khẳng định, UNESCO khuyến nghị các di sản được vinh danh thực hiện thu phí tham quan.

"Việc thu phí trước hết giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, đa dạng hoạt động du lịch. Mặt khác, khi bỏ tiền mua vé tham quan, du khách có trách nhiệm hơn với trải nghiệm tại địa điểm du lịch. Họ sẽ tập trung tìm hiểu thông tin và nâng cao ý thức giữ gìn di sản", ông Trương Minh Tiến nêu. Ông cho rằng, ngoài mục đích trùng tu, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên ở cao nguyên đá Đồng Văn, nguồn thu có thể được tận dụng để duy trì bộ máy quản lý, hỗ trợ cho hoạt động sinh hoạt cộng đồng của người dân ở vùng lõi di sản. Đây là cách khuyến khích phát huy ý thức bảo tồn, lan tỏa nét đẹp văn hóa vùng miền cho đồng bào dân tộc cũng như khách du lịch.

NGỌC ÁNH