Một đêm nọ, khi đang say giấc trong căn hộ của mình tại thành phố Manchester (Anh Quốc), Kieran Hamilton (21 tuổi) giật mình thức giấc bởi một tiếng động lạ. Anh nghe thấy tiếng bước chân đang đi lên cầu thang. Khổ nỗi, anh chàng có nuôi 2 chú bull Pháp (French bulldog), mà chúng lại thường đánh nhau. Đâm ra, Kieran nghĩ rằng một trong hai đã chạy vào nhà, phi lên cầu thang thôi.
Mắt nhắm mắt mở, trên người vận đúng chiếc quần boxer, Kieran (tên thường gọi là Kez) bò ra khỏi giường để kiểm tra. Nhưng thứ chờ đón anh không phải là chú chó thân yêu, mà là hai gã đàn ông lực lưỡng, miệng quát nạt, tay lăm lăm mã tấu sắc lẻm. Chúng đòi tiền, đòi đồng hồ hàng hiệu, thậm chí đòi cả... ma túy.
"Tôi bị đâm chỉ vì mấy bức ảnh trên Instagram," - Kez trả lời phỏng vấn với Vice. "Chúng rời đi, để lại một cảnh tượng tan hoang."
Thời điểm trước khi bị cướp "hỏi thăm", Kez là một tay chơi tiền ảo có nghề. Bỏ học từ năm cấp 3, Kez tự mày mò làm việc và chịu nhiều thất bại. Học được một vài bí quyết qua YouTube, Kez dồn hết tiền tiết kiệm vào tiền ảo. Ban đầu mọi thứ không dễ dàng: tài khoản của Kez bị hack, anh mất 3000 bảng Anh (khoảng gần 100 triệu đồng). Nhưng qua thời gian, kỹ năng dần được cải thiện, và tiền ảo đã trở thành một khoản thu nhập rất đáng nể.
Kieran Hamilton - thanh niên chơi tiền ảo có nghề, sở hữu một cuộc sống trong mơ
Kez cho biết anh có thể kiếm được khoảng 50.000 bảng mỗi tháng (khoảng 1,6 tỉ đồng) - con số đủ để sống một cách thoải mái ở bất kỳ thành phố nào tại Anh Quốc. Dần dần, tài khoản mạng xã hội của Kez bắt đầu thể hiện cuộc sống vương giả hơn: căn hộ mới "sang xịn mịn", những chuyến đi nghỉ dưỡng tùy ý, shopping không cần nhìn giá, mua xe thể thao, đồng hồ Rolex hàng hiệu...
Nhưng việc giàu lên quá nhanh cũng đi kèm với những tin đồn. "Tôi bắt đầu từ những công việc thấp kém nhất, nên nhiều người nghĩ rằng không thể nào có chuyện tôi giàu nhanh như thế, trừ phi buôn thuốc phiện," - Kez kể lại. "Người ta hỏi tôi rất nhiều, kiểu 'kiếm đâu mà lắm tiền thế?' Chẳng ai tin rằng tôi có thể kiếm tiền từ internet cả."
Như thường lệ, các tin đồn lan tỏa đi nhanh chóng, kèm theo đó là vô số thuyết âm mưu. Kez tin rằng chính những tin đồn này - cộng thêm cuộc sống anh thể hiện trên mạng xã hội đã biến anh thành mục tiêu bị theo dõi giống như những tay buôn ma túy nhỏ lẻ. Lý do có nhận định này là bởi 2 tên cướp kia yêu cầu anh phải mở két sắt, lật nệm giường, đưa tiền mặt...
"Tôi không bán ma túy, không có két sắt, cũng chẳng giữ tiền dưới nệm. Đó là lý do vì sao tôi biết 2 tên cướp đã có thông tin sai."
Một đêm ác mộng vì thói bỡn cợt
Đêm hôm ấy, Kez thừa nhận rằng tính cách thích bỡn cợt của anh đã gây ra nhiều rắc rối.
"2 tên đó hét lên đe dọa, mà tôi thì thích bỡn cợt, châm biếm. Chúng nói 'tụi tao muốn cái này, cái kia,' trong khi tôi kiểu 'Ờ thì, nhưng mà em không có mấy anh ơi.' Tôi mời chúng uống ít rượu champagne - giá khoảng hơn 10 triệu mỗi chai (300 bảng), thì chúng nói 'Tụi tao muốn đồng hồ với ma túy.' Thế là tôi bảo 'Thế thì mấy anh vào nhầm nhà rồi.'"
Ngay sau đó, một trong hai tên cướp đã đâm Kez. Cú đâm nhẹ thôi, chỉ làm xước da, nhưng gã liên tục yêu cầu nộp đồ. "Tôi có cảm giác gã không có gan đâm," - Kez nói. "Gã đâm tôi vài lần, nhưng còn không thực sự xuyên qua da cơ."
Sau khi quá chán nản vì nhận ra Kez không có cả thuốc lẫn tiền, gã đấm vào mặt anh một cú khá lực.
Cuộc sống sang chảnh của Kez trên mạng xã hội
"Thực ra thì không đau lắm đâu, nhưng gã lại đấm thêm phát nữa. Tôi nghĩ 'chắc là sẽ đau đấy nếu gã cứ đấm thêm.' Gã có dao, mà tôi thì không thể tự vệ. Đến cú đấm thứ 3, tôi lăn ra, giả vờ như bị ngất, nhưng gã biết thừa, lại dựng tôi dậy."
"Sau đó thì gã đâm thật. Tôi né được cú đó, nhưng về cơ bản nó vẫn trúng. Ban đầu gã chẳng định đâm đâu, cho đến khi tôi khiến gã điên lên."
Cuối cùng, 2 tên cướp quyết định lấy điện thoại, laptop và chú chó Rambo của Kez. Anh sau đó đã phải in poster rải khắp thành phố, với phần thường 1000 bảng Anh cho ai tìm được Rambo, nhưng phải đến 1 năm sau mới có tin mừng.
"Ai đó gọi cho tôi bảo rằng con chip định vị của Rambo đã có tín hiệu. Tôi mừng tưởng chết đi được."
Hiện tại, Kez đã chuyển hướng đầu tư vào bất động sản, thay vì tiền ảo. Và dù không còn quá chăm dùng mạng xã hội nữa, Kez cho rằng mọi người đang hiểu sai về tính chất và chức năng của những bức ảnh đăng trên đó.
"Nhiều người nghĩ như thế là khoe của. Nhưng không đâu. Tại sao tôi phải khoe để bị đâm cơ chứ? Tôi muốn chia sẻ sự thành công của mình, tạo cảm hứng cho những người đi lên từ số 0, và cho thấy có rất nhiều cách để kiếm tiền trên internet."
"Hẳn rồi, mọi người có thể thấy điều đó tiêu cực, nhưng tôi nghĩ phải tùy xem đó là ai. Mạng xã hội về cơ bản là một phần công việc của tôi. Tôi không nói là những gì đăng trên mạng là không thật, nhưng đó chỉ là phần đẹp nhất trong cuộc sống thôi. Giống như cách để tạo dựng thương hiệu vậy."
Chỉ là một trong số nhiều trường hợp tương tự
Trường hợp của Kez có thể nói là cá biệt bởi tính chất nghiêm trọng của sự việc, nhưng kỳ thực đây chỉ là một trong số rất nhiều sự vụ tương tự. Trong năm 2018, tỉ lệ 1:12 người Anh báo cáo bị cướp sau khi đăng ảnh lên mạng xã hội, với hơn một nửa thừa nhận có bật tính năng định vị. Trong một khảo sát khác, 78% hung thủ gây ra các vụ cướp có sử dụng mạng xã hội để theo dõi mục tiêu. Tại Mỹ, thậm chí có hẳn một đường dây kết nối những kẻ trộm cướp, sử dụng mạng xã hội để theo dõi người giàu.
Kim Kardashian cũng từng là nạn nhân bị cướp
Hitham - hot influencer (người có tầm ảnh hưởng) người Arab Saudi đã bị cướp ngay sau khi bước ra khỏi một nhà hàng tại London. Hay nhà của PewDiePie - YouTuber đình đám thế giới cũng bị trộm ghé thăm ngay trước lễ Giáng sinh 2019. Sự việc xảy ra sau khi PewDiePie đăng video kêu gọi người hâm mộ đừng đăng ảnh nhà riêng của anh lên mạng, vì như vậy ai cũng sẽ biết anh sống ở đâu.
Giới cầu thủ cũng không ngoại lệ. Vài năm trước, cựu danh thủ Anh John Terry thông báo trên tài khoản Instagram với hơn 3,4 triệu người theo dõi rằng gia đình anh đang đi trượt tuyết. Khi trở về, nhà anh bị khoắng sạch, tổng thiệt hại lên tới 400.000 bảng Anh.
Các vụ án liên quan đến việc đăng tải hình ảnh lên mạng xã hội đang trở thành một vấn đề rất lớn, đến mức một số công ty bảo hiểm phải cảnh báo rằng họ sẽ không trả tiền đối với một số trường hợp như vậy. Thông báo tưởng vô lý nhưng hoàn toàn hợp lý, bởi điều khoản cơ bản của bảo hiểm yêu cầu người mua phải có sự cẩn thận nhất định. Trong trường hợp bạn cố tình khoe nhà có nhiều đồ xịn, nó chẳng khác gì việc tự biến mình thành mục tiêu bị trộm, và sẽ được đánh giá là bất cẩn.