Một "cơn khủng hoảng" đã xảy ra ở bờ Tây nước Mỹ trong tuần này, liên quan đến một thứ đồ uống.
Chuyện xảy ra khi những người đam mê thức uống nói trên biết rằng bột sắn - loại tinh bột được sử dụng để tạo ra những bong bóng đen ngọt, tròn, dai – còn gọi là trân châu, loại topping đặc trưng trong trà sữa, đang trong tình trạng khan hiếm.
"Tôi bị sốc. Tôi phải làm gì bây giờ?", Leanne Yuen – một người nghiện trà sữa và là sinh viên Đại học California cho biết.
Sự thiếu hụt trà sữa trân châu là một dấu hiệu khác cho thấy đại dịch đã làm ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra sự thiếu hụt từ giấy vệ sinh, nước sốt cà chua đến đồ điện tử. Tình trạng hàng hải ùn ứ kéo dài hàng tháng tại các cảng ở Los Angeles và San Francisco khiến các tàu giao hàng từ châu Á buộc phải chờ ngoài biển.
Trà sữa trân châu, hay trà bong bóng, là một thức uống được pha từ sữa với trà xanh/trà đen có hương vị trái cây, nguồn gốc từ Đài Loan. Nó đã trở thành thức uống phổ biến tại Mỹ trong suốt những năm 2000. Các nhà cung cấp trân châu ở khu vực vịnh San Francisco cho biết các lô hàng trân châu dạng hoàn chỉnh của họ đến từ Đài Loan, trong khi nguồn cung cấp sắn (để làm bột sắn, tạo ra trân châu) đến từ Thái Lan và các đảo ở Thái Bình Dương.
"Tất cả đang bị giữ tại các bến tàu", bà Arianna Hansen – đại diện bán hàng của Fanale Drinks, đơn vị cung cấp trân châu cho hàng nghìn cửa hàng tại Mỹ cho biết. Bà Hansen nói rằng các lô hàng đã được dự trữ trong vài tháng và kho dự trữ bột sắn của công ty đang ở mức cực thấp. "Một số người đã khó chịu với chúng tôi. Nhưng đó không thực sự là lỗi của chúng tôi", bà nói.
Chưa có dấu hiệu cho thấy các chuyến tàu sẽ sớm cập bến. Số lượng tàu container đang chờ neo đậu ở Los Angeles hoặc Long Beach đạt mức cao nhất hồi tháng 2 là 40 chiếc, theo dữ liệu từ sở giao dịch hàng hải nam California. Con số này giảm xuống 19 hôm 15/4, vẫn khác xa so với mức bình thường (không có tàu nào phải chờ), Kip Louttit, Giám đốc sở giao dịch nói trên cho biết.
Các tàu chở hàng khối lượng lớn có thể mất một tuần hoặc lâu hơn để dỡ hàng, theo ông Louttit. 5 chiếc tàu khác đang trôi dạt trên biển vì không có chỗ để vào vịnh. Ông cho biết đây là điều chưa từng xuất hiện kể từ năm 2004. Tình hình tương tự diễn ra tại San Francisco, nơi có 20 tàu đang chờ neo và 19 tàu khác "đi vòng quanh" ngoài khơi, so với mức 8 hoặc 9 tàu thông thường tại nơi neo đậu – đại uý Lynn Korwatch, Giám đốc điều hành cơ quan giao dịch hàng hải khu vực này cho biết.
"Tình hình cực kỳ bất thường", bà nói.
Leadway International, một nhà cung cấp trân châu khác ở Hayward cũng cho biết lượng bột sắn dự trữ của họ thấp vì các lô hàng đến chậm hơn bình thường. Edward Shen – giám đốc kinh doanh của công ty cho biết ông không muốn gọi đó là sự thiếu hụt vì lo ngại có thể khiến các cửa hàng bán trân châu tích trữ bột sắn và làm cho vấn đề càng tồi tệ hơn.
"Các chủ cửa hàng trở nên hoảng loạn. Vì vậy, họ có thể đặt hàng nhiều hơn những gì họ cần", ông Shen nói. Bà Hansen cho biết dự kiến nguồn cung sẽ trở lại bình thường vào mùa hè.
Trong thời gian đó, các chủ cửa hàng trà sữa đang lùng sục để mua bột sắn dây ở bất cứ đâu họ có thể. Aaron Quian – chủ sở hữu của Tea Hut, một cửa hàng có 3 điểm bán ở Bay Area cho biết: "Tình hình rất căng thẳng. Không có trân châu đồng nghĩa không có doanh số. Nếu không có trân châu, họ sẽ không muốn uống trà. Họ bỏ đi".
Quian, 32 tuổi, nói rằng 2 trong số các nhà cung cấp của anh đã hết hàng, 2 nhà cung cấp còn lại thì chia nhỏ lượng bột sắn mà anh có thể mua mỗi tuần. Nếu tình trạng không sớm được khắc phục, các cửa hàng của anh sẽ hết hàng trong vòng 2 tuần tới.
Bất chấp đại dịch, hoạt động kinh doanh của anh vẫn bùng nổ. Vì hầu hết các địa điểm giải trí đã đóng cửa, uống trà sữa trở thành một trong số ít cách bình dân để giải trí. Giờ đây, anh có thể phải tạm đóng cửa và sa thải nhân viên.
Brian Chan, đồng sở hữu của Trà sữa Honeybear ở San Francisco cho biết anh đang tìm kiếm bột sắn dây trong tuyệt vọng. Anh cho biết cửa hàng sẽ cạn kiệt bột sắn trong tuần tới nếu không tìm được nguồn cung bổ sung. "Một cửa hàng không có trân châu cũng giống như đại lý ô tô không có xe để bán", Chan nói.
Boba Guys, một trong những chuỗi trà sữa trân châu thành công nhất ở Mỹ, cho biết trong một bài đăng trên Instagram rằng một số cửa hàng đã hết bột sắn dây và những cửa hàng khác sẽ hết theo trong vài tuần tới. Chủ sở hữu của Boba Guys cũng điều hành Boba Company, công ty sản xuất và bán trân châu cho các cửa hàng khác trên khắp nước Mỹ.
Cơn khủng hoảng trân châu đã khiến các fan của thức uống này hoảng sợ. Một bài đăng chia sẻ tin tức này trên nhóm Facebook có tên Subtle Asian Traits, nơi tụ họp của người châu Á trên khắp thế giới, thu hút hơn 10.000 lượt bình luận với các tin nhắn thất thần, buồn bã.
"Trà sữa trân châu là thứ gì đó đặc trưng của châu Á, một thứ thật đơn giản nhưng có thể mang nhiều người đến với nhau", Zoe Imansjah – sinh viên đại học California, quản trị viên của nhóm Subtle Asian Traits nói.
Yuan, 21 tuổi, uống trà sữa trân châu 1 hoặc 2 lần mỗi tuần. Cô cho biết tuổi thơ của cô gắn liền với quán trà sữa gần nhà tại nam San Francisco. Giờ đây, cô coi việc uống trà sữa là một cách tuyệt vời để giao lưu với bạn bè.
"Rất nhiều người bạn Mỹ gốc Á của tôi gắn bó với trà sữa. Hong Kong có rất nhiều trà sữa ngon. Nó đưa chúng tôi trở lại cội nguồn của mình, theo một ý nghĩa nào đó", Yuan - gia đình đến từ Hong Kong cho biết.
Khoa Vu, người đang theo học bằng tiến sĩ tại Đại học Minnesota cho biết anh uống trà sữa trân châu 2-3 lần một tuần. Trà ô long đào với trân châu là thức uống ưa thích của anh. Anh sợ hãi phải báo tin về sự thiếu hụt này cho cô con gái 4 tuổi của mình. "Cuối tuần khi chúng tôi ăn tối xong. Tôi sẽ nói với con: ‘Nếu con ăn ngoan, mẹ sẽ đưa con đến quán trà sữa", Khoa Vu nói. "Đó sẽ là một cú sốc với con bé".
Với các tín đồ trà sữa trân châu, đây có thể là cơ hội để họ thử một loại topping khác trong trà sữa, như bọt phô mai, thạch trái cây hoặc bánh pudding trứng. "Có lẽ tôi sẽ cố gắng nghỉ uống trân châu để giảm bớt tình trạng thiếu hụt", cô Yuen nói.
Tham khảo nguồn: NY Times