Đèn sưởi nhà tắm vốn là vật dụng không thể thiếu mỗi dịp giá rét về, nhất là với những nhà có con nhỏ. Nhưng cũng có những nguy cơ khôn lường từ món đồ thân quen này, đặc biệt phải kể đến tai nạn nổ đèn sưởi trong những trường hợp hy hữu, sử dụng không đúng cách. Sự việc đèn sưởi "phát nổ như pháo hoa" khiến nhà tắm cháy đen thui mới đây của gia đình chị Hoàng Hà Lan (28 tuổi, hiện đang sống tại thành phố Thái Nguyên) như một lời cảnh báo, nhắc nhở các bố mẹ khác phải tuyệt đối thận trọng khi sử dụng vật dụng mùa đông này trong lúc tắm cho con.

Đèn sưởi nhà tắm phát nổ như pháo hoa và lời cảnh báo cho các gia đình có trẻ nhỏ - Ảnh 1.

Sau vụ phát nổ, nhà tắm bị cháy một mảng đen kịt.

Chị Hà Lan kể lại: "Nhà mình có con nhỏ nên quyết định mua đèn sưởi lắp trong nhà tắm để mỗi khi tắm các con đỡ lạnh hơn. Mình mua đèn sưởi cách đây cũng hơn 2 năm rồi, nào ngờ hôm nay chọn ngày đầu đông lại phát nổ rực rỡ như pháo hoa. May không phải là lúc các con đang tắm, chứ không thì thật không biết chuyện gì sẽ xảy ra".

Cũng theo lời chị Hà Lan, máy sưởi có 3 đèn nhưng chị vẫn thường chỉ bật 1 hoặc 2 đèn, không bao giờ dám bật hết cả 3 bóng vì sợ quá tải điện năng. Thế nhưng cách đây 2 hôm, khi bật được 5 phút, bỗng nhiên chị nghe tiếng tách tách, ngay sau đấy thấy đèn tóe lửa nổ bụp một tiếng lớn. Chị vẫn đủ tỉnh táo chạy vội ra cầu thang để dập cầu dao vì sợ nguy hiểm bị điện giật nếu rút phích cắm đèn sưởi.

Đèn sưởi nhà tắm phát nổ như pháo hoa và lời cảnh báo cho các gia đình có trẻ nhỏ - Ảnh 2.

Đèn sưởi nhà tắm phát nổ như pháo hoa và lời cảnh báo cho các gia đình có trẻ nhỏ - Ảnh 3.

Chiếc đèn sưởi tan tành còn sót lại là những mảnh vỡ.

Khi sập cầu dao xong, chị quay lại đã thấy trong nhà tắm lửa đỏ rực, đèn sưởi bốc cháy nghi ngút khói, ngập ngụa mùi nhựa cháy. May mắn khi ấy, bố và chồng chị Lan chạy vào dập lửa kịp thời, đám cháy được dập tắt, không bị lan sang khu vực khác. Cũng trong lúc dập lửa, máy sưởi nổ to thêm một lần nữa, khiến mảnh nhựa nóng bắn vào mặt và tay của bố chị Lan, còn chồng chị Lan vừa kịp quay lưng lại nên bị nhựa dính vào lưng, cả hai đều bị bỏng.

Cho đến bây giờ, sau khi đã dọn dẹp hết ngổn ngang trong nhà tắm sau vụ đèn sưởi phát nổ, chị Lan vẫn còn rất run. Chị kể lại khi ấy vì quá hốt hoảng, run bật nên không nhớ ra việc chụp ảnh lại hiện trường. Chị quyết định sẽ kể lại cho 2 đứa con của chị (1 bé 6 tuổi và 1 bé 7 tuổi) về sự việc đáng sợ đã xảy ra, thuyết phục các con chỉ tắm nước ấm, không dùng đèn sưởi nữa để tránh nguy hiểm. Chị tin là hai con đã đủ lớn để hiểu chuyện và chấp nhận việc ủ ấm sau khi ra ngoài phòng tắm.

Đèn sưởi nhà tắm phát nổ như pháo hoa và lời cảnh báo cho các gia đình có trẻ nhỏ - Ảnh 4.

Đèn sưởi nhà tắm phát nổ như pháo hoa và lời cảnh báo cho các gia đình có trẻ nhỏ - Ảnh 5.

Gia đình hạnh phúc của chị Hà Lan với 2 cậu bé kháu khỉnh 6 tuổi và 7 tuổi.

Đèn sưởi nhà tắm phát nổ như pháo hoa và lời cảnh báo cho các gia đình có trẻ nhỏ - Ảnh 6.

May mắn là khi xảy ra sự việc, 2 cậu bé đang không tắm.

Giải thích thêm về trường hợp đèn sưởi nhà tắm phát nổ của nhà mình, chị Lan cho biết, chị vốn cũng là người rất cẩn thận. Khi mua đèn sưởi, chị đã chọn dòng tốt nhất ở siêu thị điện máy. Bởi chị đã từng đọc báo về nhiều vụ nổ máy sưởi nên có tinh thần cảnh giác cao, cố chọn loại tốt và đắt tiền để dùng. Khi lắp đặt, đèn sưởi nhà chị cũng được treo ở vị trí cao, nước không thể bắn tới. Và mỗi khi sử dụng, chị cũng chỉ bật 1-2 đèn chứ không dùng hết công suất cả 3 đèn. Vì vậy, tai nạn xảy ra chị cũng không biết được nguyên nhân tại sao.

Trên thực tế đã có không ít trường hợp đèn sưởi phát nổ như câu chuyện tại gia đình chị Lan. Có thể kể đến như một gia đình tại Hoàng Hoa Thám, Hà Nội bị đèn sưởi phát nổ sau khi bật được vài phút, khiến mảnh thủy tinh bắn tung tóe gây thương tích cho ông bố; hay tai nạn tương tự xảy ra với một cậu bé 7 tuổi tại Long Biên, Hà Nội khi vào phòng tắm, hơi nước bốc vào bóng đèn sưởi đã làm đèn phát nổ và chập cháy toàn bộ hệ thống điện trong nhà. May mắn vụ chập điện không dẫn đến hỏa hoạn và không gây hậu quả lớn…

Đèn sưởi nhà tắm phát nổ như pháo hoa và lời cảnh báo cho các gia đình có trẻ nhỏ - Ảnh 7.

Hiện trường vụ nổ đèn sưởi tại Long Biên gây chập điện toàn bộ trong nhà.

Quy tắc an toàn khi lựa chọn, sử dụng đèn sưởi nhà tắm:

Những tai nạn bất ngờ như thế có thể xảy đến với bất kỳ gia đình nào chứ không phải chỉ là câu chuyện lan truyền trên mạng. Bởi vậy các bố mẹ cần nắm vững quy tắc an toàn khi lựa chọn, sử dụng đèn sưởi nhà tắm:

- Khi mua đèn sưởi cần phải tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ. Chỉ mua hàng hóa đã được cơ quan chức năng kiểm định và mua của hãng có thương hiệu lâu năm, có địa chỉ rõ ràng.

- Đối với trẻ em, các loại máy sưởi bức xạ hồng ngoại (quạt sưởi, đèn sưởi, lò sưởi dùng dây may so trực tiếp...) luôn luôn tiềm tàng nguy cơ gây tai nạn cao. Do đó phải đặt chúng ở xa ít nhất khoảng 1-2 mét tùy từng loại, tránh để dụng cụ sưởi ấm gần tầm với của trẻ khiến chúng tò mò, nghịch ngợm bò đến gần gây bỏng và cháy nhà. Đối với gia đình có trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, nên dùng đèn sưởi không chói mắt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mắt và da của trẻ.

Đèn sưởi nhà tắm phát nổ như pháo hoa và lời cảnh báo cho các gia đình có trẻ nhỏ - Ảnh 8.

Cần chú ý các nguyên tắc an toàn khi sử dụng các loại đèn sưởi, đặc biệt là đèn sưởi nhà tắm (Ảnh minh họa).

- Khi lắp đặt đèn sưởi nhà tắm cần thợ có tay nghề, kinh nghiệm về điện, đo điện trở chuẩn cho thiết bị và lắp đặt rơ le ngắt điện tự động để phòng khi phát nổ sẽ tự động ngắt điện. Cần tránh lắp đặt đèn sưởi nhà tắm quá cao hoặc quá thấp. Tiêu chuẩn chung là từ 1m8 đến 2m. Đây là khoảng cách an toàn nhất giúp đèn sưởi nhà tắm phát huy tối đa công suất cũng như tránh được nước bắn vào.

- Hạn chế để nước có thể tiếp xúc với bóng đèn sưởi hồng ngoại. Vì với những loại đèn kém chất lượng, việc bóng đèn tiếp xúc với nước sẽ dẫn đến việc thay đổi nhiệt độ đột ngột trên bề mặt thuỷ tinh, dễ gây nổ bóng.

- Mỗi khi sử dụng đèn sưởi nhà tắm, người dùng không nên tiếp xúc quá lâu bởi đèn sưởi có công suất và bức xạ nhiệt cao nên nếu dùng quá lâu có thể dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Vì thế, chỉ dùng đèn sưởi nhà tắm trong vòng 20-30 phút. Thời gian tối đa có thể sử dụng là 40 phút.