Nếu có dịp đến Huế, ta không chỉ được thưởng thức ẩm thực cung đình xa hoa thịnh soạn, hay ẩm thực dân gian tinh tế, mà chỉ cần đi lên phía Tây Thừa Thiên là còn được trải nghiệm món ăn độc đáo của đồng bào miền núi, mang trong mình tất cả những tinh hoa của núi rừng cao nguyên: xôi ống.

Từ món ăn của người bạn láng giềng

Vùng đất phía Tây Thừa Thiên Huế cũng là giáp ranh giữa nước Việt Nam và Lào, như một lẽ tự nhiên, đời sống người dân nơi đây đã ít nhiều chịu ảnh hưởng của văn hóa Lào, trong đó không thể không kể đến văn hóa ẩm thực với món xôi ống đặc sắc. Xôi ống thường được nấu từ những hạt nếp nhỏ nhắn, dẹt và dài hơn gạo nếp bình thường, có vị dẻo thơm, bùi bùi mà tuyệt nhiên không bở hay nát.

Đến Tây Thừa Thiên ăn xôi ống khó quên 1
Loại nếp truyền thống của Lào rất thích hợp để đồ xôi ống

Tinh hoa của núi rừng

Cũng như cơm lam, món xôi ống đơn giản chỉ là xôi được nấu trong ống nứa thay vì nồi, cũng không xới ra bát mà được ăn trực tiếp ngay trên nứa. Song món ăn đơn sơ ấy lại chứa trong mình cái hồn thiêng ngàn năm của núi rừng cao nguyên.

Đến Tây Thừa Thiên ăn xôi ống khó quên 2

Nói như vậy bởi một ống xôi là sự tập hợp của đầy đủ những yếu tố tượng trưng cho thiên nhiên: Gạo nếp được bỏ vào một ống nứa đã chọn lựa kĩ càng, nước dùng để nấu xôi phải là nước suối trong vắt nơi đầu nguồn rồi dùng lá dong bịt đầu ống lại và đem nướng. Xôi chín có màu hồng nhạt, mang trong mình vị ngọt ngọt bùi bùi của nếp, hương thơm mát của lá dong, mùi hương thoang thoảng của ống nứa còn non và cuối cùng là chút ngọt mát của nước suối trong lành.

Đến Tây Thừa Thiên ăn xôi ống khó quên 3
Mỗi ống xôi là sự tập hợp đầy đủ những tinh hoa thuần khiết đặc trưng cho miền núi rừng cao nguyên.

Muốn thưởng thức được toàn bộ hương vị của món xôi này, ta phải đợi một ngày sau khi xôi được nướng. Lúc bấy giờ, vị thơm của nứa cháy, vị ngọt của nước cây nứa và của nếp than hòa quyện vào với nhau làm cho xôi mang hương vị khó quên. Người ta ưa ăn kèm xôi ống với các thực phẩm hấp dẫn khác như thị kho, cá lùi, và đặc biệt là đồ xôi với đỗ đen. Vị béo béo bùi bùi của đỗ đen hòa vào ống xôi thơm phức lại càng làm tăng thêm sự phong phú và tinh tế cho món ăn.

Đến Tây Thừa Thiên ăn xôi ống khó quên 4
Món ăn của lòng hiếu khách

Tuy giản dị và đơn sơ, song xôi ống lại không nằm trong thực đơn hàng ngày của người dân Tây Thừa Thiên, trái lại, món này chỉ xuất hiện trong các dịp quan trọng như lễ tết, hội hè, và đặc biệt dùng để thiết đãi khách phương xa ghé thăm vùng cao nguyên hẻo lánh. "Trong văn hóa của người Pa Cô chúng tôi, quan trọng là sự hiếu khách và thể hiện tấm lòng của mình. Nếp bỏ trong ống nứa và nướng cũng như cái bụng mình lúc nào cũng nồng ấm với mọi người. Ống nứa giống như cái bụng vậy.” - (Tra Nau Hạnh - Nhà nghiên cứu văn hóa Pa Cô).

Đến Tây Thừa Thiên ăn xôi ống khó quên 5

Bởi vậy, đến với miền Tây Thừa Thiên, chúng ta không chỉ được thiên nhiên trọng đãi bằng những cảnh sơn cước hùng tráng, bằng khí hậu trong lành tươi xanh, mà còn được chính người dân nơi đây trao gửi tình cảm ấm nồng qua những ống xôi nóng hổi trên bếp lửa. Món xôi này cũng phần nào tượng trưng cho tính cách của đồng bào dân tộc, luôn ngay thẳng như chiếc ống nứa nấu xôi.

Ẩm thực vốn là lĩnh vực đa dạng phong phú, muôn màu muôn vẻ. Sự đa dạng này không chỉ thấy rõ ở các nền ẩm thực khác nhau, thuộc các dân tộc khác nhau, mà bản thân một địa phương cũng sở hữu nhiều nét đặc sắc ẩm thực riêng biệt khác nhau. Đến với Huế, người ta không chỉ dừng lại ở ẩm thực cung đình, ẩm thực dân gian, mà còn được tiếp cận với văn hóa ẩm thực nơi rừng núi vô cùng đặc sắc, khi món ăn cũng là đại diện cho thiên nhiên đất trời, cho con người giản dị và chân thành nơi xóm núi.