Ông Đ.V. N, 60 tuổi, ở Chí Linh - Hải Dương có tiền sử tiểu đường nặng. Trước khi vào viện 2 tuần, ông ho nhiều, sốt rét run (40 độ) kèm đau vùng cơ thắt lưng.

Ông đến 2 cơ sở y tế khám và điều trị nhưng không đỡ, không tìm được căn nguyên sốt. Ông tự đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị trong tình trạng đau cơ vùng thắt lưng và khớp vai phải tăng dần, kèm sốt cao không rõ nguyên nhân, mệt mỏi nhiều.

Các bác sĩ điều trị tích cực, chụp cộng hưởng từ khớp vai cho thấy ông bị viêm và áp xe. Kết quả cấy máu dương tính vi khuẩn Whitmore, còn gọi là Burkholderia pseudomallei - vi khuẩn "ăn thịt người".

Sau thời gian điều trị điều trị tích cực, các triệu chứng, biến chứng kèm theo của người bệnh có chiều hướng cải thiện rõ rệt, cắt sốt.

Đến viện 3 lần mới biết mắc vi khuẩn 'ăn thịt người' - Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. (Ảnh: BVCC)

Bác sĩ Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng đa dạng, không điển hình dễ bị chẩn đoánh nhầm với các bệnh khác.

Bệnh có thể diễn biến cấp tính, nhiễm trùng máu nặng, nguy kịch, tử vong, hoặc có thể gặp nhiễm trùng mãn tính, nhiễm trùng ẩn, kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Khi nuôi cấy bệnh phẩm để chẩn đoán, vi khuẩn mọc thường mọc chậm và tỷ lệ mọc cũng không cao, làm cho việc chẩn đoán căn nguyên càng thêm khó.

Bệnh Whitmore sẽ thường xuyên gặp trên những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mãn tính, suy giẩm miễn dịch… Bệnh biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chuẩn đoán và có thể tử vong do biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng.

Hiện chưa có vaccine phòng bệnh Whitmore, các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.

Người dân sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, vệ sinh diệt khuẩn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín uống chín.

Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng người dân cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc chúng ta cần sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

Đặc biệt đối với những người có bệnh tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễm dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các vết thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.