Sở hữu một nguồn nguyên liệu quý giá từ những cánh đồng phù sa màu mỡ cùng với đôi bàn tay khéo léo, những người thợ lành nghề đã tạo nên những sợi bánh đa dẻo dai, hương vị mộc mạc mà rất đậm đà.

Là một trong những làng nghề lâu đời ở tỉnh Hải Dương, bánh đa Tống Buồng mang đậm nét văn hóa đặc sắc của một không gian làng nghề Việt. Làng nghề bánh đa Tống Buồng đã có mặt từ trước những năm 1960 và phát triển tới hiện nay.

Dẻo dai hương vị bánh đa Tống Buồng - Ảnh 1.

Bánh đa Tống Buồng nổi tiếng bởi sự trắng trong, dẻo dai, hương vị mộc mạc mà rất đậm đà.

Trước đây, người dân Tống Buồng làm bánh đa truyền thống theo phương pháp thủ công. Chất lượng của bánh đa hoàn toàn phụ thuộc vào nguyên liệu, kinh nghiệm kết hợp với sự tài hoa từ bàn tay khéo léo của người dân.

Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển của công nghệ tiên tiến, người dân đầu tư mua thiết đã bị hiện đại để thay thế cho công đoạn làm bằng sức người như trước kia. Toàn bộ dây chuyền làm bánh đa được chạy bằng hệ thống lò đốt hơi. Quá trình làm bánh được tự động hóa từ khâu xay bột, tráng bánh, sấy khô.

Là một người con của Tống Buồng, bà Trần Thị Mau là một trong những người đưa hệ thống máy tráng bánh vào sản xuất bánh đa tại làng. Hiện xưởng sản xuất do bà Trần Thị Mau là một trong ba hộ có quy mô sản xuất lớn nhất trong làng. 

“Từ ngày có công nghệ mới, năng suất làm bánh đa tăng đáng kể. Nếu như sản xuất bánh thủ công, mỗi ngày chỉ làm được 500kg bánh đa thì nay làm được tới 3,8 tấn/ngày.

Hiện xưởng tạo việc làm thường xuyên cho 10 người với thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, 20 hộ trong thôn còn nhận bánh đa nhà về thái thuê cũng cho thu nhập từ 200.000 - 280.000 đồng/người/ngày”, bà Mau chia sẻ.

Dẻo dai hương vị bánh đa Tống Buồng - Ảnh 2.

Những người thợ lành nghề đã tạo nên những sợi bánh đa nổi tiếng bởi sự trắng trong, dẻo dai, hương vị mộc mạc mà rất đậm đà.

Cũng theo bà Mau, để làm được một mẻ bánh đa, người làm nghề phải chọn hạt gạo Q5 tròn, mẩy, được trồng từ chính mảnh đất Kinh Môn và không lẫn với bất cứ loại gạo nào.

“Gạo phải được ngâm trong 2 đến 3 tiếng để cho chất gạo trở nên mềm mại và đảm bảo sạch sẽ rồi mới được xay thành bột mịn. Sau đó, phần bột gạo mịn sẽ được đưa qua máy tráng rồi theo dây chuyền lên buồng sấy. Thay vì phơi khô như cách làm thủ công cũ, ngày nay làng nghề đã có những dây chuyền tiên tiến hỗ trợ sản xuất như buồng sấy bánh đa.

Những phên bánh được dỡ xuống từ dàn sấy sau khi đã chín đều và khô, sẽ được cắt thành những sợi nhỏ. Sau đó, mỗi người thợ làm đều thoăn thoắt, bắt gọn những sợi bánh đa được được cắt sợi thẳng xếp thành hàng chồng chéo lên nhau để dễ dàng cuộn thành phẩm”, bà Mau cho biết thêm.

Dẻo dai hương vị bánh đa Tống Buồng - Ảnh 3.

Máy móc hỗ trợ người dân làm bánh đa.

Mặc dù có công nghệ hiện đại hỗ trợ nhưng một vài hộ dân trong làng vẫn giữ công đoạn phơi bánh đa thủ công dưới ánh nắng mặt trời. Bánh đa sau khi được sấy, ngâm trong nước cho mềm và cắt thành sợi sẽ được xếp vào phên rồi đem phơi khô.

“Người phơi bánh đa phải tính hướng gió để đặt phên bánh đa xuôi chiều sao cho gió thổi đều, cuộn từ dưới lên trên. Nhờ nắng, nhờ gió hong cho thật khô, thật giòn những sợi bánh đa thơm ngon”, bà Đinh Thị Tem - Khu dân cư Tống Buồng, phường Thái Thịnh cho biết.

Dẻo dai hương vị bánh đa Tống Buồng - Ảnh 4.

Làng nghề bánh đa Tống Buồng tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân tại địa phương.

Từng sợi bánh đa đều mang hồn cốt của người dân Tống Buồng, bởi nó được làm ra từ sự chăm chút và lòng tự hào tiếp nối truyền thống của cha ông. Là thế hệ tiếp nối từ chính gia đình của mình, anh Trần Văn Đại có mong muốn cải thiện và phát triển mô hình làng nghề vươn xa hơn. 

“Việc sản xuất bánh đa không chỉ duy trì, phát triển văn hóa làng nghề mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với công việc làm nông đơn thuần, đồng thời đem đến thu nhập, tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động tại địa phương. Chính vì vậy, tôi muốn đưa bánh đa trở thành sản phẩm OCOP và dây chuyền hiện đại hơn để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, anh Đại nói.

Dẻo dai hương vị bánh đa Tống Buồng - Ảnh 5.

Tùy theo nhu cầu của khách mua hàng, người dân sẽ sản xuất bánh đa màu vàng hay giữ màu hơi xám và trong suốt như nguyên bản.

Trong những năm vừa qua, chính quyền địa phương cũng đã có những phương án giải quyết như đầu tư xây dựng các tuyến kênh, thu gom và xử lý toàn bộ những lượng nước thải để đảm bảo chấp hành nghiêm những quy định về an toàn vệ sinh môi trường trong quá trình sản xuất. 

Ông Phạm Bá Tuyến - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND phường Thái Thịnh, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương cho biết: “Trong thời gian tới thì chúng tôi cũng sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư và hỗ trợ tại địa phương để cho làng nghề có thể tiếp tục hoạt động và phát triển. Chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ đăng ký sản phẩm bánh đa của làng nghề Tống Buồng là sản phẩm OCOP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Bánh đa Tống Buồng hiện nay không chỉ có mặt ở thị trường địa phương mà còn được các tư thương chuyển đi khắp các vùng trong cả nước và trở thành sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu đặc trưng của người dân Hải Dương.