Nhưng đây, đây là lý do thật sự của việc những đại gia vòng đeo đầy người vẫn thản nhiên dùng bữa cơm 2.000 đồng cùng những cô bác ve chai, vé số, và còn nữa, là những câu chuyện nho nhỏ của Sài Gòn, mà bạn dễ đánh giá nhầm, nếu chỉ nhìn mà chẳng hỏi, nếu chỉ lướt qua và đánh giá bởi tâm sân si, mà không chạm vào thật sâu những câu chuyện, những phận người.
Những ổ bánh mì miễn phí là tấm lòng thơm thảo của người Sài Gòn.
Status của một người làm báo đã sống nhiều năm ở Sài Gòn, đã thấm thía nhiều thân phận nơi thành phố này, sẽ cho chúng ta hiểu sự thật: “Nói nghe nè. Mấy bạn Facebooker gì đó. Tới quán cơm 2.000 dành cho người nghèo xong thấy mấy người đeo vòng vàng cũng ăn, người đi xe tay ga cũng ăn. Mấy bạn nói người gì tham lam nè. Không có tự trọng nè. Sao mấy bạn hổng hỏi họ thử, tại sao họ ăn chớ? Ví như họ hèn mọn vầy, nghe hỏi thì họ bỏ đi thôi. Chớ hổng guýnh (đánh) các bạn đâu.Mình có quen cậu Hùng, quán cơm 2000 bên quận 10. Mấy lần mình đến hỏi, cậu nói người đeo vòng vàng, xe tay ga đến ăn nhiều lắm nha. Bị vì họ ủng hộ tiền gạo, tới ăn coi chất lượng cơm mình nấu cho bà con có bảo đảm không. Nhiều người giàu có lắm mà có mình ên (một mình), thèm cảm giác ấm cúng nên ngồi lặng lẽ ăn với vé số, ve chai. Thấy vui vui, thương gì đâu. Sau mỗi lần có họ, số tiền gạo ủng hộ tăng lên quá trời đất. Toàn những nhà hảo tâm ẩn danh, hông có nói tên tuổi. Bởi vậy, Hùng nói ai tới quán cũng vui, cũng có tâm ý riêng cả. Chớ ai đi ăn chực mà đeo vàng chạy tay ga hà rầm vậy. Thiệt tình!
Những quầy hàng miễn phí ở Sài Gòn không hiếm, và nó là một trong những điều đáng yêu của Sài Gòn.
Status ngắn và giản dị, không màu mè nhưng "trúng phóc" tâm trạng của người từng yêu quý, từng gắn bó với Sài Gòn đã khiến nó có sức lan tỏa cao, không chỉ ở lượt like hay share, mà còn ở những câu chuyện được kể lại trong những dòng bình luận. Một dân mạng viết: “Tốt nhất là không phán xét người khác. Ai rồi cũng phải chịu hay hưởng cho hành động của mình. Người từ thiện là người rộng lòng, không nên xét nét phán đoán ai làm gi cho mệt. Từ thiện là để tâm nhẹ thì không nên nặng lòng những điều vặt vãnh”. Và dầu còn để lại những tranh cãi, những hồ nghi, nhưng khó ai không đồng tình với tác giả những dòng thấm thía ấy, rằng khi muốn hiểu ai, hiểu điểu gì, ta hãy tìm thật sâu, trước khi đánh giá.
Hoặc sự dịu dàng, hào hiệp và ấm áp rất đỗi Sài Gòn mà Facebooker Nguyên Châu kể lại: “Lúc xưa, em làm ở một công ty nằm ở hẻm to đường Lê Văn Sỹ. Tuần 3 ngày đều đặn có bà lão từ Tiền Giang lên bán sơ ri ngồi trước cửa một ngôi nhà kín cổng cao tường giàu sụ. Chiều nào cũng vậy, em không nhớ mấy giờ, nhưng bà cụ trong nhà cũng ra mua hết thúng sơ ri không cần biết còn nhiều hay ít. Cụ mua cho bà lão bán sơ ri đủ tiền vé và kịp chuyến xe đò cuối về Tiền Giang. Ở đó hai năm, em nhìn thấy y chang như vậy. Có lần vì tò mò hỏi cụ chủ nhà, cụ mới cười nói cho nghe, và còn được cho một keo sơ ri ngâm làm cốc tai. Ngon, vui. Đọc mấy bài này của anh. Thấy nhớ chuyện xưa và nhớ Sài Gòn, người Sài Gòn”.
Tất thảy những chuyện thú vị về Sài Gòn cho ta thêm một lý do để "phải lòng" thành phố đáng yêu ngập nắng phương Nam.
"Ở đâu cũng vậy, chỉ cần mở lòng ra là thấy thương yêu"
Sống ở Sài Gòn suốt thời Đại học, sau đó về Cần Thơ làm việc ít lâu, trở lại Sài Gòn năm 2011 rồi gắn bó với thành phố đến tận bây giờ, với người đàn ông Quảng Bình Nguyễn Tiến Tường, Sài Gòn có lẽ còn hơn một nơi trú ngụ. Hãy nghe anh chia sẻ những tâm tình của mình với thành phố ấy!
Sài Gòn đáng yêu thật, và câu chuyện người ta ngờ vực những người giàu đến ăn cơm 2.000 là chuyện đáng buồn. Nhưng vẫn có những chuyện đáng ngờ vực như thế thật, như chuyện nhiều người (có vẻ) không khó khăn lắm lấy một lúc vài ổ bánh mì miễn phí dành cho người nghèo, như mới đây báo chí đặt nghi vấn? Anh nghĩ sao về chuyện đó?
Chúng ta không nên phủ nhận bất cứ điều gì. Tôi không nói người Sài Gòn đều tốt cả. Ở đâu cũng có người này người kia. Vấn đề là cách chúng ta nhìn nhận vấn đề. Nếu mở lòng ra thì cái gì cũng nhẹ nhàng.
Tôi cũng từng đến bánh mì từ thiện, nhiều cô dì lấy hai, ba ổ. Tôi hỏi, họ trả lời là lấy cho các bạn sinh viên trong xóm trọ, các bạn ấy ngại. Nếu không tìm hiểu thì rất dễ nghĩ theo cảm tính. Có rất nhiều cách làm đẹp cuộc sống này. Nhưng cách dễ nhất là đừng làm xấu nó.
Theo anh, điều khiến Sài Gòn là Sài Gòn nhất là gì? Có gì hấp dẫn ở thành phố đó khiến những người đã và đang sống như bị "bỏ bùa" vậy?
Sài Gòn hấp dẫn nhất là giọng Sài Gòn. Giọng Sài Gòn đặc trưng cho con người: hào sảng, thật thà, dễ mến. Người tỉnh khác đi xa về, hay chọc nhau “nói giọng Sài Gòn” rất thân thương.
Còn nói Sài Gòn hấp dẫn hay không rất khó. Như nhiều đô thị khác, nó cũng xô bồ náo nhiệt. Vẻ ngoài xấu xí khiến người ta hay “oải”; nhưng đi sâu vào những thân phận, những con người mới thấy được sự dễ thương, tin yêu cuộc sống.
Phong thái sống của con người, như anh nói: “Người Sài Gòn hào hiệp dễ thương lắm à. Người Sài Gòn gốc, giọng nói cũng rành rẽ hào sảng, hổng có lấy không của ai cái gì đâu”, có phải là thứ gây thương nhớ nhất ở xứ ấy không?
Đúng vậy. Không phải là tôi phân biệt, nhưng ở Sài Gòn, nếu bạn hỏi đường bác xe ôm nào cũng được hướng dẫn nhiệt tình. Tôi đã viết rất nhiều chân dung từ thiện. Có những người rất cực khổ nhưng họ cho đi không bao giờ toan tính. Người giàu có cũng vậy, hào hiệp lắm. Họ ít nói về việc làm của mình, nghĩ là làm, không kể. Ví dụ như chị Lan bánh mì từ thiện gần đây, làm việc nghĩa nhưng ngại chụp hình.
Có người bảo, Sài Gòn chỉ là nơi để ở, để kiếm tiền, để sống rộn rã và phù hoa, chứ không phải là nơi dừng chân lập nghiệp hay gắn bó cả đời. Anh nghĩ sao?
Tôi cũng vậy thôi. Có tuổi tôi sẽ về quê. Nhưng tôi sẽ mang những tấm lòng người Sài Gòn theo mình. Nó như vốn liếng trải nghiệm cả cuộc đời. Ai rồi cũng phải mưu sinh, nhưng cũng nên dành cho mình những phút tịnh tâm, hòa vào với những thân phận khác. Chúng ta nhìn Sài Gòn theo nghĩa một đô thị, ít khi nhìn nó theo cách một cộng đồng nhân văn.
Anh có yêu, có gắn bó với thành phố này không?
Cái này rất khó. Tôi cũng như hầu hết người nhập cư vào Sài Gòn, lấy mảnh đất này làm nơi mưu sinh. Tôi nghĩ ở đâu cũng vậy, chỉ cần mở lòng ra là thấy thương yêu. Tất nhiên, nếu được gắn bó với mảnh đất này thì thích “quá xá”. Sài Gòn quá nhiều thứ, chỉ có một thứ biểu trưng là lòng người.
Anh Nguyễn Tiến Tường - một người làm báo trong lòng Sài Gòn.
Những câu chuyện nho nhỏ anh kể cho thấy gương mặt Sài Gòn đáng yêu quá chừng, nhưng đó hầu như đều là những câu chuyện về phận người mà ta phải cúi xuống để thấu hiểu. Vậy còn sự phù hoa, rực rỡ, cái phần tưng bừng của Sài Gòn thì sao, nó có đáng yêu đến thế không?Sài Gòn đẹp chứ. Trước hết nó là mảnh đất cưu mang nhiều người. Chúng ta quen nhận lại chứ không cho đi, bởi vậy nhìn đâu cũng xấu xí. Đó là bi kịch của người đô thị nói chung, không riêng Sài Gòn. Cuộc sống xô bồ khiến chúng ta không để ý. Một người hành khất, vé số cũng dễ thương lắm, nếu chúng ta trân trọng họ.
Chúng ta không thích cái phồn hoa là bởi chúng ta mệt nhoài bon chen trong đó. Mỗi lần ngồi trên máy bay nhìn xuống, Sài Gòn đẹp quá chừng. Ngay cả trung tâm thành phố hoa lệ vậy, cũng có chỗ cho tất cả mọi người. Ngồi cà phê bệt công viên, nói chuyện cuộc sống cũng thi vị chớ.
Cái dễ thương nhất của Sài Gòn là ai cũng giống ai. Ít soi mói đố kỵ. Người giàu cũng như người nghèo. Ai cũng “hồn nhiên xôi chiên” như nhau, bạn ạ.
Cám ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị!