Dì Ba của tôi!

Nguyễn Thị Mỹ Duyên,
Chia sẻ

...Tôi đã từng thán phục những người phụ nữ thành đạt, có học thức, có chức quyền ở những vị trí cao trong xã hôi. Nhưng đối với Dì Ba tôi, chỉ là một người phụ nữ bình thường giản dị, không học thức cao, xuất thân từ sự nghèo khó nhưng Dì đã thành đạt trong cuộc sống, luôn cầu tiến và đạt được điều mình mong muốn...

Một buổi chiều đượm nhẹ ánh nắng cuối ngày, trong làn khói lam chiều bay phảng phất của bếp lửa nhà ai mới nhóm, lòng tôi bất giác thổn thức, nỗi nhớ da diết quê nhà nơi có Ba Mẹ và những người thân yêu, nơi ươm mầm những ước mơ của tôi thành sự thật, nhớ quá người Mẹ cho tôi hình hài bé nhỏ, nhớ quá người Ba suốt đời tần tảo sớm khuya với có nụ cười hiền dịu… Rồi tất cả cứ thế ùa về trong suy nghĩ miên man, nhẹ nhàng như những cơn sóng nhỏ bé, cứ vỗ về khe khẽ bên tôi…

Ông bà Ngoại của tôi sinh được 7 người con, chỉ có Mẹ và Dì Ba là hai chị em gái. Cuộc sống ngày xưa vất vả lắm! Phận làm chị của đàn em nhỏ, Mẹ  phải bươn chải cùng ông bà Ngoại kiếm bữa cơm manh áo cho cả nhà. Rồi Mẹ cũng lập gia đình với Ba và sống chung cùng gia đình nhà Nội. Gánh nặng của một người chị lại đè lên đôi vai nhỏ bé của Dì Ba tôi.

Từ nhỏ, tôi đã được nghe bà Ngoại kể lại: Dì ba học giỏi lắm, có tiếng trong làng, hiền lành xinh xắn nên ai nấy cũng đều quý đều yêu! Dì Ba luôn mơ ước được là một nhà thiết kế thời trang nổi tiếng, ước mơ đó nung nấu trong Dì từ khi còn bé… Nhưng do hoàn cảnh gia đình Ngoại  nghèo khó, mặc ông bà Ngoại lo cho cả nhà không đành nên Dì đành nghỉ học khi mới vừa lên cấp 2 nhường phần cho các Cậu học hành. Ngày ấy, nghỉ học Dì cũng buồn lắm, cả cô giáo, bạn bè ai cũng tiếc cho Dì, nhưng cũng buông tay cho số phận định đoạt… Từ đấy, Dì phải gác việc đèn sách để phụ giúp Ngoại chuyện mua gánh bán bưng nơi đầu đường góc chợ khi tuổi chỉ 13, 14; Cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới… Ngày Dì lấy chồng khi vừa bước vào tuổi 20, nhà Dượng Ba ở thị trấn nhưng cũng không khá giả gì nhiều, vậy là một lần nữa trong đời Dì lại phải khổ! Ngoại kể về Dì mà nước mắt cứ lăn dài trên má, Ngoại bảo “Dì Ba khổ hơn Má con nhiều vì Má lấy chồng được chỗ đàng hoàng, khá giả!” Tôi hiểu giọt nước mắt của Ngoại xót thương cho cô con gái, cũng một lần lên xe hoa về nhà chồng nhưng đành phải đỗ nơi bến đục…

Nhưng Dì không chấp nhận cuộc đời mình chỉ toàn màu đen như vậy, chính trong con người nhỏ bé, gầy còm vì oằn lưng gánh nặng lại có sức mạnh cố vượt qua nỗi cực khổ gian lao, đến giờ tôi vẫn nhớ câu nói của Dì “Sướng hay khổ là do bản thân mình tất cả !”

Dì Ba của tôi! 1

Học lấy một nghề để nhàn hạ bản thân là điều đầu tiên Dì thực hiện, không ngại khó khổ, không kể ban ngày làm lụng vất vả với ruộng đồng, buôn bán, nuôi dạy hai em nhỏ, tối về Dì còn mày mò học thêm nghề may của người bạn hàng xóm. Do niềm đam mê từ nhỏ của mình, sáng dạ, lại còn chịu khó, Dì may thành thạo những kiểu quần áo đơn giản, rồi tự mình học thêm những kiểu mới. Dù lúc đó còn rất nhỏ nhưng tôi còn nhớ ánh mắt của niềm hạnh phúc như vỡ òa khi Dì tự may được chiếc áo sơ mi đầu tiên, rồi cứ thế Dì đã thực hiện được điều mình mong ước là mở một tiệm may nho nhỏ cho chính bản thân mình… Rồi một ngày nọ Dì cũng sửa sang lại tiệm may lớn hơn, nới rộng ra và đã được nhiều người đến may ủng hộ cho Dì tôi. Đó là điều dĩ nhiên rồi, vì đường kim mũi chỉ của Dì thật sự đẹp lắm!

Ngày học cấp 3, tôi ra thị trấn học và ở nhà với Dì Ba, đuợc gần Dì tôi càng hiểu Dì hơn. Dì tất bật với công việc mưu sinh, ngàn thứ lo toan chuyện cơm áo gạo tiền trong cuộc sống, lại một  mình gồng lưng nuôi hai con ăn đi học đến nơi đến chốn và cả lo cho Dượng Ba lấy được tấm bằng  đại học chuyên tu. Nhưng dường như với Dì không có điều gì vui bằng khi bản thân mình có thể đem lại hạnh phúc cho gia đình mình. Trong con người nhỏ bé của Dì tôi sao lại có một sự hy sinh lớn thế! Ở tuổi mới lớn lên, tôi lại là con gái phải xa Mẹ đi học. Nhưng bên cạnh Dì Ba, tôi đã học được biết bao nhiêu điều hay lẽ phải cách biết đứng vững trên đôi chân của mình, cách hài lòng với điều mình đạt được và cách quyết tâm chiến thắng chính bản thân mình. Tôi nhớ mãi cách Dì bày trí nhà cửa gọn gàng tươm tất, cách Dì cầu kì nấu những món ăn phải cho hợp khẩu vị với cả nhà… Tôi thích các quan điểm sống của Dì. Với Dì “được” là chưa đủ, cái gì cũng có thể “tốt hơn”…

 … Ở tuổi 50 rồi, nhưng Dì còn yêu thơ, mê hát lắm! Tham gia câu lạc bộ thơ  ca của huyện rồi lại  giao lưu văn thơ với nhiều bạn bè thi hữu  gần xa. Dì không hề tự ti về học vấn của bản thân mình, vẫn cứ lạc quan, yêu và làm điều mình thích! Tôi nhớ một bài thơ lục bát mà Dì viết:
“Ngày xưa phụ nữ truân chuyên
Gia phong lễ giáo chẳng quyền, chẳng than!”
Đã qua cái thuở buộc ràng
Bây giờ phụ nữ thua chăng râu mày
Lắm khi ngậm đắng nuốt cay
Tề gia nội trợ việc thay cho chồng
Việc xã hội, việc ngoài đồng
Tam tòng tứ đức vẫn không phai mờ”


Cảm ơn Dì đã dạy cho tôi  cách “cho” nhiều hơn “nhận” để thấy được nụ cười hạnh phúc của người thân; tôi học được sự tự lập vươn lên để có được cuộc sống tốt hơn với quan điểm “được là chưa đủ”; tôi học được ở Dì tôi cách nhìn cuộc sống bằng màu hồng, gạt bỏ tự ti để làm điều mình thích… Cảm ơn Dì đã cho tôi được thấy những nét đẹp trong tâm hồn người phụ nữ Việt, nét đẹp của Dì toát lên từ cái cách mà Dì nghĩ và làm.

Tôi đã từng thán phục những người phụ nữ thành đạt, có học thức, có chức quyền ở những vị trí cao trong xã hôi. Nhưng đối với Dì Ba tôi, chỉ là một người phụ nữ bình thường giản dị, không học thức cao, xuất thân từ sự nghèo khó nhưng Dì đã thành đạt trong cuộc sống, luôn cầu tiến và đạt được điều mình mong muốn. Một người phụ nữ tôi đáng trân trọng và học hỏi trong cuộc đời của mình, một người phụ nữ chuẩn 10 trong ánh mắt của riêng tôi!
                                                                                              
Chia sẻ