VietNamNet đã đăng tải 2 bài báo về cái chết bất ngờ của chị Phạm Ngọc L. (SN 1988) sau gần 2 tháng về nhà chồng. Sự ra đi của cô gái xấu số đã để lại nhiều nỗi tiếc thương và cả sự hoài nghi.

Bần thần vì mất con, cộng với những ngờ vực về cái chết của con gái, bà Nguyễn Thị Thắng (ở thị trấn Quế, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) đã gửi đi hàng trăm lá đơn để mong tìm ra sự thật.

Đi bộ 2 ngày về HN tìm sự thật cái chết của con 1
Bà Nguyễn Thị Thắng

Qua báo chí, biết được hoàn cảnh thương tâm của người mẹ mất con, bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình phụ nữ và vị thành niên Saga đã ngỏ ý muốn giúp đỡ bà Thắng.

“Chúng tôi sẽ cùng bà Thắng đồng hành để tìm ra sự thật”, lời bà Vân Anh.

Nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, người mẹ mất con đã không thể kìm được nước mắt. Vậy là bà không còn phải một mình vất vả ngược xuôi để đi tìm sự thật.

Gương mặt rám nắng đượm những nét vất vả của người đàn bà quê mùa, lam lũ, bà Thắng bắt đầu câu chuyện của mình bằng những giọt nước mắt.

Sau khi nhận tin con gái đột tử, không tin L. tự vẫn nên suốt hơn 1 năm qua, bà và gia đình liên tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng mong được xem xét.

Nỗi đau đối với người mẹ quê là quá lớn khi bà luôn tin rằng con gái mình bị chết oan. Bà Thắng còn nhớ như in chiều ngày 19/1/2013, bà nhận điện thoại của con gái nói cô bị chồng hành hạ vì ghen tuông.

Ít giờ sau đó, bà biết tin con gái mình đã tử vong. Nỗi đau mất con khiến người mẹ ngẩn ngơ như kẻ mất hồn.

Ruộng vườn bà bỏ vì không còn tâm trí đâu để làm. Đi bón phân cho ruộng nhà mình, bà bón nhầm sang ruộng nhà bên.

Rồi những giấc mơ, nỗi ám ảnh về việc con gái bị chết oan uổng đã khiến bà quyết tâm làm đơn yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc để tìm ra sự thật.

Hàng trăm lá đơn đã được gửi đi khắp nơi, bà chỉ nhận được trả lời: Con gái bà chết do treo cổ tự vẫn. Không tin vào việc này, người mẹ già lên tận Hà Nội để đâm đơn.

Bán bánh chuối được bao nhiêu tiền, bà gom những đồng bạc lẻ để làm lộ phí đi tìm sự thật về cái chết của cô con gái bà đã dành cả đời yêu thương.

Thấy bà Thắng suốt ngày ngẩn ngơ vì cái chết của L., gia đình bà ngăn cản không cho bà lên Hà Nội khiếu kiện, vì lo cho sức khỏe của bà.

Nhưng nỗi đau mất con, nỗi ám ảnh về việc con mình bị chết oan khiến người mẹ đó không thể yên ổn.

"Tôi đi rửa bát thuê cho người ta cũng nghe tiếng con gái vọng bên tai nói rằng, mẹ đi làm làm gì, mẹ phải về tìm đường giải oan cho con...”.

Rồi bà Thắng lôi ra những bộ quần áo rách nát nhất khoác lên người, bôi bẩn chân tay, mặt mày như một kẻ ăn mày, một mình đi bộ lên Hà Nội để gửi đơn thư khiếu kiện về cái chết của con mình.

Ban ngày bà lê lết khắp các con phố, đêm bà lấy mái hiên, vỉa hè làm chỗ ngả lưng. Bữa ăn của bà chỉ là những ổ bánh mỳ chan nước mắt. Cứ như vậy, hai ngày liền bà cũng đến được Hà Nội để đâm đơn khiếu kiện.

“Sở dĩ tôi phải hóa trang thành kẻ ăn mày vì sợ đi đường, ngủ bụi, dễ bị cướp”, bà Thắng nói trong nước mắt.

Về phần gia đình bà Thắng, đột nhiên thấy bà “mất tích” vài ngày như vậy đã vô cùng lo lắng, đi tìm khắp nơi.

“Tôi phải giấu mọi người vì sợ bị ngăn cản. Hết tiền nên tôi phải đi bộ thôi cô ạ. Hơn một năm nay, đã 5 lần tôi đi bộ lên Hà Nội như vậy. Trước khi vào cơ quan Nhà nước để gửi đơn, tôi lại thay ra bộ quần áo tử tế để mặc vào”, lời người mẹ quê.

Trao đổi với báo chí, bà Vân Anh cho rằng, sự việc của bà Thắng còn nhiều câu hỏi ngỏ, rất cần cơ quan chức năng vào cuộc điều tra lại từ đầu để tìm ra sự thật.

Dù anh H. có liên quan hoặc không liên quan đến cái chết của vợ, sau khi cơ quan chức năng điều tra lại từ đầu, làm rõ thực hư sẽ giúp giải tỏa tâm lý cho cả hai phía gia đình nạn nhân và bản thân anh H. cũng như gia đình anh ta.