Trẻ nhỏ đôi khi nghịch ngợm mà không lường trước hậu quả. Thay vì để mặc và nói "trẻ nhỏ đã biết gì", bố mẹ nên dạy con nhìn nhận sự việc, biết cách nhận lỗi và khắc phục hậu quả.

Chị H. dẫn con trai nhỏ 5 tuổi đi chợ hoa Tết cùng mình. Đây là lần đầu tiên được đi chợ hoa nên cậu bé rất thích thú, tò mò. Đi đến đâu, cậu bé cũng dừng lại xem và táy máy muốn sờ thử cây. Lúc chị H. đang xem một cành đào thì nghe thấy tiếng quát lớn ở gian hàng bán quất bên cạnh. 

Thì ra lúc chị không để ý, con trai đã chạy sang nghịch cây và vặt mấy quả quất. Trông thấy mặt ông chủ đang hầm hầm tức giận, chị H. vội hỏi con:

"Sao con lại vặt quả quất vậy? Giờ cây bị xấu đi rồi, con sẽ làm gì đây? Con thử tưởng tượng xem nếu đồ chơi của con bị người khác làm hỏng thì con có buồn không?".

Chị H. hỏi con vì sao lại vặt quất của người khác - Ảnh minh họa.

Thấy con trai cúi gằm mặt đắn đo, chị H. nghiêm mặt nói: "Nếu làm hỏng cây, chúng ta sẽ phải đền cho ông chủ! Ông ấy đã rất khó khăn mới trồng được những cây quất đẹp đẽ này. Chúng ta cần có trách nhiệm với những việc mình đã làm, dù cố ý hay không".

Con trai chị H. hiểu ra được vấn đề và nhanh chóng xin lỗi cả mẹ và ông chủ cây quất. Khi chị H. trả tiền, ông chủ cười xòa khen ngợi cách dạy con của chị và quyết định giảm giá cây quất, coi như là khoản tiền mừng tuổi đứa trẻ.

Chỉ là một tình huống nhỏ nhưng chị H. thật sự đã dạy cho con trai rất nhiều bài học bổ ích, từ việc nhận biết vấn đề, thẳng thắn nhìn vào hậu quả và có cách khắc phục. Điều này giúp con lớn lên trở thành một người có trách nhiệm. Đây là tính cách ảnh hưởng lớn đến sự thành công của con trong tương lai. 

Để con học được tính trách nhiệm, bố mẹ cần làm những điều sau:

Trở thành tấm gương tốt cho con

Trẻ nhỏ thường có xu hướng bắt chước mọi lời nói và hành vi của những người thường xuyên tiếp xúc. Theo đó, bố mẹ có ảnh hưởng lớn nhất đến những hành động của con. Trong cuộc sống hàng ngày, bố mẹ cần làm gương cho con, thể hiện và bộc lộ tinh thần trách nhiệm của bản thân. Khi mắc lỗi, bố mẹ thẳng thắn nhận sai và không nói dối quanh co, đổ lỗi cho người khác.

Đi chợ hoa ngày Tết, cậu bé táy máy vặt quất để nghịch, phản ứng của người mẹ khiến ông chủ cây không giận mà quyết định mừng tuổi đứa trẻ - Ảnh 4.

Cho trẻ quyền lợi và trách nhiệm

Hãy trao cho trẻ quyền lợi nhưng đồng thời cũng yêu cầu trách nhiệm. Khi cho con quyền lợi nào đó, bố mẹ hãy trao luôn cho chúng trách nhiệm đi kèm. Chẳng hạn con được chơi thì phải học tập tốt. Con được ăn ngon thì phải có trách nhiệm hiếu kính với cha mẹ. Con được tiêu tiền thì phải biết tiết kiệm.

Để con chịu trách nhiệm vì lỗi lầm của mình

Trẻ nhỏ chưa phát triển hết nhận thức nên không tránh khỏi những lỗi lầm, sơ suất. Khi xảy ra việc, bố mẹ đừng vội quát mắng to tiếng. Thay vào đó, bố mẹ bình tĩnh chỉ cho con thấy mức độ nghiêm trọng của sự việc, phân tích đúng sai và cùng con tìm ra biện pháp khắc phục hậu quả.

Đi chợ hoa ngày Tết, cậu bé táy máy vặt quất để nghịch, phản ứng của người mẹ khiến ông chủ cây không giận mà quyết định mừng tuổi đứa trẻ - Ảnh 5.