Chelsy Davy không phải trường hợp đầu tiên trong câu chuyện "người yêu cũ đi dự đám cưới". Trên mạng xã hội đã có cả ngàn câu chuyện tương tự. Từ "tập thể người yêu cũ" đến "bàn tiệc riêng cho những người yêu cũ" hay gần nhất là đám cưới Hữu Công, mẹ người yêu cũ cũng xuất hiện. Dường như câu chuyện người yêu cũ xuất hiện trong đám cưới người yêu cũ luôn tạo ra nhiều hấp dẫn với mọi người.
Tôi thì chưa từng có cơ hội trải nghiệm cảm giác đến dự đám cưới của người yêu cũ lẫn việc đám cưới mình có sự góp mặt của người yêu cũ. Bởi cả tôi và vợ mình đều thuộc kiểu người đã kết thúc thì kết thúc vĩnh viễn. Sẽ là vô cùng khó xử với việc mời họ hay được họ mời tham dự đám cưới. Bởi khi đó, dù thế nào, ta vẫn sẽ trở thành nhân vật quan trọng số 3 sau chú rể và cô dâu. Thậm chí trong nhiều trường hợp, nếu đó là mối tình quá sâu nặng hay mức độ nổi tiếng của mình với đám bạn của người yêu cũ thì rất có thể mình sẽ thành nhân vật quan trọng số 1 trong đám cưới ấy. Thể nào chả có những chỉ trỏ: "Kìa, thằng T đấy, bạn trai cũ của cô dâu đấy!", hay: "Con bé kia là bạn gái cũ của chú rể đấy". Dù thế nào, được khen hay bị chê cũng là điều thật khó để "tiêu hoá" nổi!
Biểu cảm của Chelsy Davy được ghi lại giữa hôn lễ Hoàng tử Harry - người yêu cũ của cô.
Nhưng tôi biết nhiều người vẫn hay thích mời người yêu cũ dự đám cưới của mình cũng như nhiều người thích đi dự đám cưới của người yêu cũ. Có thể trong sáng kiểu: Chuyện tình cảm cũ kết thúc rồi thì việc đi dự đám cưới cũng chỉ là một thực khách như mọi thực khách thôi mà, có gì ghê gớm đâu. Cũng có thể hơi thiếu trong sáng kiểu: "Đi để xem cái đứa nó cưới trông thế nào", hay: "Mời để nó đến mà tiếc vì đã để mất mình", hoặc: "Tôi cưới người tử tế hơn anh gấp trăm lần nhé".
Có hàng tỷ lý do để mời người yêu cũ đến dự đám cưới của mình thì cũng có tỷ lý do để "tập thể những người yêu cũ" nhận lời đến dự đám cưới. Nhưng tôi vẫn tin rằng, dù đã hết sạch sành sanh tình cảm đi chăng nữa, việc thấy người mình đã từng yêu, từng yêu mình tay trong tay với người khác, hạnh phúc bên người khác hẳn cũng để lại nhiều xúc cảm. Và ngược lại, khi tay trong tay với người mình cưới, nhìn lại người mình từng yêu, từng yêu mình cũng sẽ có những xúc cảm nhất định. Tất nhiên, là nói đến những ai đã từng trải qua một đoạn cố sự tình yêu đủ sâu đậm, gắn kết. Chứ yêu chơi chơi hay lầm tưởng là tình yêu thì chẳng nói.
Nên hay không nên mời người yêu cũ dự đám cưới mình? Nên hay không nên đến dự đám cưới của người yêu cũ? Mỗi người sẽ có cho mình một quyết định chỉ mong rằng quyết định đó không gây ảnh hưởng xấu và tiêu cực đến hạnh phúc hiện tại của mình. Chứ thoáng tính đến đâu mà phải nhìn thấy ánh mắt da diết của cô dâu với bạn trai cũ hay chú rể với bạn gái cũ thì đám cưới ấy hẳn sẽ kém vui đi nhiều phần. Là còn chưa kể những so sánh kiểu: "Bạn gái cũ của chú rể xinh hơn cô dâu mới nhỉ?", hay: "Bạn trai cũ của cô dâu phong độ hơn đứt chú rể" thì thật đắng lòng. Vẫn biết mọi thứ đã qua rồi, đã cũ rồi thì không truy cứu, khép lại rồi thì không khều lên. Vẫn biết ngày hạnh phúc của mình thì mình phải trọn vẹn hạnh phúc. Cơ mà sự có mặt của người yêu cũ trong đám cưới thật sự cũng làm lòng gợn sóng đôi phen. Là tôi vẫn hay nghĩ thế nên quyết không khiến vợ mình gợn sóng lòng mà mời bạn gái cũ dự đám cưới của mình và quyết không đến dự đám cưới của bạn gái cũ của mình.
Nhưng sợ nhất là những vị khách không mời! Sợ nhất là những thiệp mời hàm chứa những ẩn ý. Đó là khi ta thấy cuộc hôn nhân kia, đằng sau những màn chúc phúc kia là tràn đầy những thương tổn và dự cảm xấu. Đôi lần tôi cũng đã từng chứng kiến góc hội trường tiệc cưới có giọt nước mắt lăn dài của người yêu cũ. Dù không được mời nhưng họ vẫn cứ đến, ngồi đâu đó trong góc, và khóc. Đôi lần tôi nghe bạn bè kể họ cũng đã nhận được thiệp mời của người yêu cũ. Đi thì không muốn mà không đi không được. Bởi lòng họ còn nhau. Đám cưới này thực ra không nên có. Nên đám cưới ấy thành đám tang cho một cuộc tình vậy.
Làm sao để tốt cho cả 3: Người yêu cũ - Chú rể - Cô dâu? Là cái cách chúng ta cư xử thế nào sau mỗi cuộc tình hết hạn sử dụng. Tôi vẫn bảo rằng: Chúng ta yêu nhau xong rồi là vì thế! Coi như kết thúc một quãng đường đời mà hai đứa đã cùng nhau trải qua. Khép nó lại. Cất đi! Đừng lôi nó ra mà thổi bụi làm cay mắt người hiện tại. Cũng chẳng vui vẻ gì khi nghe câu: "Bạn trai cũ của em blah… blah…" hay: "Bạn gái cũ của anh… blah… blah…". Vẫn biết là không có hàm ý gì sất cơ mà vẫn chẳng vui vẻ gì cho cam. Thậm chí còn là ngớ ngẩn nếu như ai đó nói: "Tôi trân trọng bạn trai cũ của vợ", hay: "Tôi vẫn chơi thân với bạn gái cũ của chồng". Việc anh trân trọng cái cậu Z bạn trai cũ của vợ anh là anh trân trọng cậu ấy chứ đừng đính kèm "công việc quá khứ" của cậu ấy. Hay việc chơi thân với cô Y là bởi cô Y hay ho, hợp với tôi chứ không phải vì "chức danh từng trải qua: bạn gái cũ của chồng". Tôi tin vào sự minh bạch như thế mới là thứ khiến chúng ta không vướng phải những rắc rối không đáng có. Tất nhiên, đó là quan điểm của tôi.
Chelsy Davy đã trở thành "biểu tượng cảm xúc" mà tôi nghĩ rằng cô ấy cũng không hề mong muốn. "Nhận thêm một thiệp cưới/Lại thấy mình lẻ loi" là thế!