Phá huỷ khuôn mặt

Bác sĩ Nguyễn Thị Cúc, Bệnh viện da liễu TP HCM cho biết, từ cuối tháng 2 đến nay bệnh viện đã tiếp nhận hàng trăm ca mắc di tật trên da, bệnh nhân từ các tỉnh miền Đông chuyển đến. Người bị nguy hiểm tới mức lở loét và phải dùng các biện pháp điện lạnh để phẫu thuật lại hàng tuần mới qua khỏi nguy hiểm.

Hầu hết các bệnh nhân ở miền Đông này đã dùng kem tẩy trắng da rởm có chứa lượng hóa chất cao. Còn các lượng chất làm ẩm da hầu như không có nên khi dùng da sẽ bị phá hủy nhanh chóng. Có thể gây nhiễm trùng nặng và dẫn đến tử vong.

Đầu tháng 3 này đã có hai bệnh nhân đến từ khu phố 6, Thủ Dầu Một, Bình Dương tử vong do dùng kem tẩy trắng da siêu tốc chứa toàn hóa chất độc hại. Nhiều người không bị nặng thì cũng luôn canh cánh lo âu. Chị Lê Thị Thu ở công ty LISAN (Khu công nghiệp AMATA, Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, do chị làm việc ở môi trường nóng và thường xuyên tiếp xúc với bụi nên làn da đen và hay bị nám. Lương công nhân không đủ mua các loại kem tẩy trắng da đắt tiền nên đành mua các loại rẻ tiền và có khả năng tẩy trắng thật nhanh.

Chị Thu sử dụng kem được 2 tuần thì thấy mặt nổi mụn bọc to và dày hơn nên ngưng sử dụng. Tuy nhiên, nhiều tuần nay chị phải khổ sở với gương mặt ửng đỏ đầy mụn bọc, mụn mủ khiến chị đi đâu cũng phải đeo khẩu trang kín mặt. Tưởng thế là mọi chuyện đã yên ổn nhưng chỉ 2 tuần sau, da chị bắt đầu có những vết rạn đau xót. Sau đó là nước vàng chảy ra. Hốt hoảng phải đi bệnh viện thì các bác sỹ cho biết đã bị nhiễm độc hóa chất nghiêm trọng cần phải đưa vào thực hiện 3 cuộc phẫu thuật mới cơ bản không còn nguy hiểm nhưng làn da trở nên dị dạng hơn trước nhiều.

Các loại mỹ phẩm làm trắng da siêu tốc không rõ nguồn gốc được bày bán ngay trước cổng vào khu công nghiệp AMATA, những đối tượng bán quảng cáo là hàng xách tay từ Mỹ mang về qua đường tiểu ngạch. Nghe lời quảng cáo rầm rộ, cộng thêm giá giẻ nên nhiều người đã tìm mua. Thời gian đầu bôi kem này, độ đen trên mặt có giảm đi, da căng mọng và trắng hồng rất nhanh. Nhưng đến tháng thứ 2, mụn bắt đầu mọc nhiều, vùng mặt rất ngứa và bị dị ứng đỏ ửng. Lúc này ngừng sử dụng thì đã muộn, da mặt đã bị biến dạng, nhiều người còn không nhận ra chính mình.

Giữa ma trận thật giả

Theo Chi cục quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai, mỹ phẩm tẩy trắng da siêu tốc có bày bán nhiều tại các cổng khu công nghiệp và một số khu chợ hầu hết chưa rõ nguồn gốc. Các đối tượng buôn bán này đánh vào tâm lý của công nhân ít lương nên cần phải mua đồ rẻ. Chi cục đã có nhiều khuyến cáo nhưng dường như mỹ phẩm trắng da siêu tốc thật cùng chủng loại giá cao quá nên không đến được với những người đang có nhu cầu cấp bách.

Chị Hồng Phấn (Long Bình, Biên Hòa) cho biết, đọc lời rao ấn tượng bán sữa non cô đặc Macka xách tay từ Nga về với giá 140.000 đồng một bịch nên mua 2 bịch về dùng. Tuy nhiên, chỉ sau 3 lần sử dụng, da mặt của chị bỗng phồng rộp gây ngứa ngáy rất khó chịu. Tại vùng da bôi sữa, từng đốm đỏ li ti nổi lên. Chị Phấn đến bác sĩ da liễu khám mới biết da mình bị dị ứng với chất tẩy trắng có trong sữa non. Nguyên nhân do sữa non này là hàng giả chứ không phải của Nga thật như những lời quảng cáo.

Tương tự, chị Lê Thị Linh ở Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) đã mua nhiều loại mỹ phẩm tẩy trắng siêu tốc hiệu LoBon, Face Baby… của đối tượng tên là Lý Quốc Hùng nhưng khi dùng bị dị tật và mang đi kiểm nghiệm đều là hàng giả. Trước hàng loạt mỹ phẩm giả này, Lý Quốc Hùng đã bị CQĐT truy bắt. Theo khai nhận của Hùng, tất cả các mỹ phẩm tẩy trắng da siêu tốc này Hùng mua từ biên giới Trung Quốc với giá rẻ sau đó về gán đủ các nhãn mác là sản xuất từ Nga, Pháp, Mỹ… chứ không phải là sản phẩm thật.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai, ông Trần Trọng Kỳ, mỹ phẩm là một trong những loại hàng hóa thường bị làm giả nhất. Chỉ trong năm 2014, toàn tỉnh phát hiện 1.200 hộp kem dưỡng trắng da diêu tốc hiệu Zale loại 5 gram/hộp giả nhãn hiệu mỹ phẩm Zale. Bên cạnh đó, các đội quản lý thị trường cũng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gồm các sản phẩm: kem tẩy tế bào Shiseido (màu xanh), kem tẩy tế bào chết Ganoderma Lucidam, kem Sheena, kem Én Trung Quốc... Tất cả các sản phẩm này đều chứa hóa chất độc hại. Nếu dùng vào thời gian dài, da sẽ biến dạng khó lường.

Bác sĩ Nguyễn Thị Cúc cho biết phần lớn các bạn gái, chị em phụ nữ dùng mỹ phẩm, kem bôi làm trắng không rõ nguồn gốc là qua rỉ tai lúc họ gặp nhau ở tiệm làm tóc, gội đầu, mỹ viện. Một số khác vì nghe người bán giới thiệu những công dụng quá hấp dẫn, cộng với tâm lý nôn nóng muốn có được làn da trắng nhanh. Điều này khiến các đối tượng buôn bán mỹ phẩm giả được cơ hội tung hoành.