Cả thai kỳ siêu âm 3 lần, bác sĩ luôn hỏi mẹ bầu có vui vẻ không, có được chồng hỗ trợ không?
Chị Uyên Vũ hiện đang sống ở Sydney, Úc đã sinh em bé được gần 4 tháng. Trải qua một thai kỳ và hành trình sinh con khá tuyệt vời khi có sự hỗ trợ tận tâm của đội ngũ y, bác sĩ chị đã chào đón thiên thần nhỏ của mình trong niềm vui, hạnh phúc tại bệnh viện Royal Prince Alfred Hospital (Sydney).
Cả quá trình mang thai và sinh nở, chị Uyên đều được thăm khám cẩn thận và kỹ lưỡng. Ở Úc, suốt cả thai kỳ sẽ chỉ được siêu âm 3 lần. Lần đầu tiên vào lúc mới mang thai, lần 2 là khi được 20 tuần tuổi và lần cuối là lúc 36 tuần, trước khi đẻ để xác định xem bé có quay đúng đầu không để chỉ định đẻ mổ hay đẻ thường.
Ngoài ra ở Úc có 1 xét nghiệm rất quan trọng đó là xét nghiệm tiểu đường thai kỳ vì tỷ lệ mắc tiểu đường thai kỳ ở Úc khá cao. Việc phát hiện sớm sẽ đưa ra biện pháp thích hợp cho mẹ và bé. Trong suốt thai kỳ bệnh viện sẽ tổ chức các lớp học miễn phí về cách chăm sóc bé để các mẹ tham gia.
Các bác sĩ cũng rất quan tâm đến tâm lý của người mẹ. Lần nào đi khám, y tá cũng hỏi rằng mẹ có cảm thấy vui vẻ không, có được chồng hỗ trợ không, có cảm thấy điều gì khác thường về tâm lý không, nếu có họ sẽ chỉ định gặp bác sĩ tâm lý luôn.
Tiêm gây tê màng cứng nhẹ như không, khâu tầng sinh môn mất 1 tiếng đồng hồ
Khi mang thai hơn 38 tuần, chị Uyên bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ song vì khá nhẹ nhàng nên chị tưởng rằng đó là cơn gò sinh lý. Buổi sáng chị Uyên còn bị rỉ ối nhưng lượng không đáng kể, các cơn gò chỉ hơi lâm râm nên bà mẹ trẻ vẫn tung tăng đi mua sắm, ăn uống tưng bừng.
Đến chiều thì các cơn gò bắt đầu mạnh và dồn dập hơn, chị Uyên bắt đầu cảm thấy đau nhưng khi đọc về các dấu hiệu chuyển dạ thì chị vẫn cứ chỉ nghĩ rằng mình đang trải qua những cơn gò sinh lý. Sau khi được bạn bè khuyên nên vào bệnh viện kiểm tra, chị Uyên mới quyết định đến bệnh viện.
Khi đến viện, chị Uyên miêu tả chính xác những gì mà mình vừa trải qua và được y tá cho dùng máy đo nhịp tim thai trong vòng 30 phút để theo dõi. "Các cơn co của mình bắt đầu dữ dội hơn, cứ 7-10 phút một lần nhưng vẫn ở mức chịu đựng được. Sau khi theo dõi và kiểm tra, y tá bảo mình mới mở được 2 phân nên họ không cho ở lại viện vì chưa đẻ ngay. Họ hẹn mình sáng hôm sau nếu chưa đẻ thì đến siêu âm.
3 giờ sáng hôm sau thì các cơn gò trở nên dồn dập hơn, khoảng 5 phút/lần và mình không thể chịu đựng được nên lại khăn gói vào viện. Vào khám vẫn chỉ mở 3 phân, bác sĩ lại cho về nhưng mình nhất định không về nữa.
Sau đó mình được khuyên nên đi bộ để cổ tử cung mở nhanh hơn, mình phải cố đi chứ lúc đó đau muốn chết đi sống lại rồi" - chị Uyên kể thêm.
Một tiếng sau quay trở lại, chị Uyên mới chỉ mở được 4 phân. Vì đã đau lả người đi, sợ không còn sức để đẻ nên chị Uyên xin được gây tê màng cứng, chọc ối và truyền kích sinh.
Chị Uyên tâm sự, tiêm gây tê màng cứng quả thực là một lựa chọn cực kỳ sáng suốt của mình. Sau khi có thuốc vào người, chị không cảm thấy đau nữa nhưng vẫn cảm nhận được cơn co. Không lâu sau thì chị Uyên vỡ ối, và được truyền kích sinh để kích thích thích chuyển dạ. Sau 6 tiếng thì cổ tử cung mở hoàn toàn và lên bàn sinh, chỉ 20 phút sau là chị nhìn thấy thiên thần nhỏ của mình chào đời.
"Do bé chưa thực sự quay đầu nên quá trình sinh nở của mình khó và lâu hơn bình thường. Cũng may mình gặp được ê-kíp đỡ đẻ cực kỳ tuyệt vời và mình rất biết ơn các bác sĩ, y tá ở đây. Ai cũng nhẹ nhàng, tận tình và chu đáo.
Đến lúc sinh xong, y tá ra ôm mình và chồng mình rồi chúc mừng cả nhà, khen mình đã làm rất tốt, rất giỏi. Bác sĩ tiêm gây tê màng cứng thì vô cùng nhẹ nhàng, vừa làm vừa hỏi chuyện, giải thích từng công đoạn để xoa dịu cơn đau nên mình không cảm thấy đau. Bác sĩ khâu thì làm rất kỹ, vết rách có 1 tí mà khâu trong 1 tiếng, vết rách tự nhiên nhưng khâu rất đẹp" - bà mẹ trẻ bày tỏ.
Đi sinh không mất đồng nào còn được nhận món quà trị giá 7 triệu đồng mang về
Không chỉ trong quá trình vượt cạn mà những ngày sau sinh chị Uyên và em bé cũng được chăm sóc chu đáo, cần gì chỉ ấn nút là 2 phút sau y tá đã có mặt. Nửa đêm em bé khóc, y tá cũng vẫn vào giúp dỗ bé và hướng dẫn cách làm thế nào cho bé nín trong tình huống như vậy.
"Chốc chốc y tá lại hỏi mình có đau tầng sinh môn không? Có đau lưng không? 3 ngày ở viện nhờ sự chăm sóc và hướng dẫn chăm bé của các y tá nên mình hồi phục rất nhanh và chăm bé thành thạo hơn.
Các bữa ăn của viện từ bữa sáng đến bữa trưa, bữa tối đều có đầy đủ dưỡng chất bao gồm sữa chua, nước hoa quả, bột yến mạch, bơ... Nhà bếp của bệnh viện lúc nào cũng có sẵn sữa và đồ ăn thức uống để khi đói mình có thể lấy bất cứ lúc nào. Tầm 11 giờ sáng và 4 giờ chiều sẽ là giờ phục vụ trà bánh cho các mẹ. Lúc ra về mình còn được tặng 1 gói quà của bệnh viện trị giá 300 USD (khoảng 7 triệu đồng). Toàn bộ chi phí khám thai từ lúc mang bầu và chi phí sinh con đều được bảo hiểm chi trả hoàn toàn" - chị Uyên nhớ lại những trải nghiệm của mình khi đi đẻ.
Đối với chị, trải nghiệm hành trình sinh con sinh con sẽ là ký ức đẹp của 2 mẹ con về những con người tốt bụng, tận tâm và đáng mến ở bệnh viện Royal Prince Alfred Hospital.