"Đi họp phụ huynh thấy cái này, hy vọng mẹ nó không đọc được", một ông bố ở Hà Nội mới đây chia sẻ một bức ảnh chụp được trong dịp họp phụ huynh cấp 2. Trong hình ảnh được người này đính kèm, có thể thấy hai câu thơ nghe qua hài hước nhưng lại rất... chua chát: "Lúc ở nhà mẹ cũng là con quỷ/Khi đến trường mẹ cũng có khác gì".

Bài viết của ông bố này nhận về hàng trăm lượt thích. Nhiều người đọc xong thấy lo sợ thay cho em học sinh. Nếu mẹ đọc được hẳn là sẽ "ăn" đòn nát mông. Một số người để lại những bình luận như: "Tôi sợ ông bố giả chữ con rồi ghi đấy"; "Những tiếng xà beng xé gió vun vút bữa cơm trưa"; "Mẹ nó đi họp thì hên xui. Chứ ông chụp lên vầy khả năng mẹ nó thấy cao lắm"...

Đi họp phụ huynh, ông bố ở Hà Nội sửng sốt khi đọc hai câu thơ trên bàn: Tuyệt đối đừng để mẹ thấy! - Ảnh 1.

Tuy nhiên, nhiều người nhận định, nghe qua có vẻ vui vui nhưng chẳng người mẹ nào muốn biết được cảm nhận của con cái về bản thân mình là như thế này. Đây không phải là chuyện hài hước, đây là tín hiệu "cầu cứu" cho thấy mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đã lỡ đi sai đường.

Từng có một người mẹ đau khổ tâm sự: "Tôi không thể chấp nhận đứa con mà mình hết mực yêu thương giờ đang ghét mình. Thậm chí có hôm con liên tục hét vào mặt tôi: "Con ghét mẹ, con ghét mẹ! Con ước gì mẹ biến mất. Mẹ là người tồi tệ nhất. Con muốn được ra khỏi ngôi nhà này! Con ghét mọi thứ ở đây".

Những lời này khiến tôi suy sụp hoàn toàn. Cảm giác của tôi là sự pha trộn của tổn thương, tức giận và phẫn uất. Tôi khóc trong tuyệt vọng: "Con không đánh giá cao tất cả những gì mẹ đã làm cho con hay sao? Tại sao con dám nói với mẹ như vậy?".

Mỗi giai đoạn trưởng thành của trẻ sẽ có những thay đổi. Từ chỗ rất bám cha mẹ, con cái dần trở nên độc lập, không muốn cha mẹ can thiệp quá nhiều vào chuyện riêng của mình và đôi khi chúng còn tỏ ra chống đối.

Giao tiếp giữa cha mẹ và con cái tuổi teen rất khó, bởi lúc này, trẻ có nhu cầu khẳng định bản thân rất lớn. Cha mẹ thường băn khoăn tại sao mình chăm sóc chu đáo mà con vẫn không ngoan, sao bọn trẻ bây giờ khác thời của mình vậy. Trên thực tế, cha mẹ thường không quan tâm đến những cảm xúc tiêu cực của con. Họ cũng ít kiên nhẫn khi dạy con, không dành thời gian dạy con, nhưng lại đòi hỏi con phải làm được.

Khi sự trưởng thành của trẻ bước vào những thời kỳ khác nhau, cha mẹ cần phải có những hướng dẫn khác nhau, nếu không trẻ có thể đi sai đường. Chẳng hạn, "thời kỳ chống đối hay "ghét" bố mẹ" là thời kỳ rất đặc biệt, nếu cha mẹ dạy dỗ sai cách thì có thể sẽ dẫn tới những đứa con bất hiếu.

Cha mẹ sinh ra không ai hoàn hảo, và giáo dục gia đình không ai có thể là hoàn hảo. Điều này đúng với thế hệ trước giáo dục chúng ta, và cũng đúng khi chúng ta giáo dục thế hệ sau của mình. Nhưng chúng ta có thể điều chỉnh dần cách giáo dục, giao tiếp để dù không tốt nhất thì cũng phù hợp nhất với con mình.

Chúng ta cần phải sử dụng các phương pháp hữu hiệu để giúp trẻ đi đúng hướng càng sớm càng tốt. Khi con chuẩn bị bước vào tuổi dậy thì, cha mẹ cần học hỏi kiến thức để có thể cho con biết tâm sinh lý con sẽ thay đổi thế nào, những nguy cơ con có thể mắc phải. Điều quan trọng hơn là, muốn nuôi con thành công tuổi dậy thì, cha mẹ cần quản lý tốt cảm xúc của chính mình.

3 lời khuyên với cha mẹ: Tiền đề của việc giáo dục con cái là tôn trọng trẻ; Cha mẹ nên thiết lập các quy tắc và các giá trị đúng đắn cho con cái ngay từ khi còn nhỏ; Đồng hành để giúp trẻ xây dựng sự tự tin nhưng không quá tự phụ vào bản thân.