Một loại nấm có tên Candida parapsilosis làm nghẽn van tim, dẫn tới kết cục bi thảm cho người đàn ông 76 tuổi.

Trường hợp của cụ ông này được mô tả chi tiết trên tạp chí New England Journal of Medicine. Ông có tiền sử bị suy tim xung huyết - chứng bệnh xảy ra khi tim bạn quá yếu, không thể đảm bảo nhiệm vụ bơm máu như bình thường. Bệnh nhân đã được đưa tới phòng cấp cứu trong tình trạng khó thở ngày càng nghiêm trọng.

Đi khám bác sĩ khi bị sốt và khó thở, người đàn ông thiệt mạng vì căn bệnh đáng sợ này ở tim - Ảnh 1.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Đại học ở Bern, Thuy Sỹ, 9 tháng trước, cụ ông 76 tuổi đã trải qua cuộc phẫu thuật có tên thay van động mạch chủ qua đường ống thông. Mục đích là sửa chữa một van tim đã bị tổn thương bằng cách thay van hiện tại bằng van tim nhân tạo.

Khi khám cho bệnh nhân, bác sĩ cũng phát hiện thân nhiệt của ông lên tới 39 độ C. Khám tim mạch cho kết quả là tiếng thổi tim ở tâm thu. Âm thanh được tạo ra khi tim co bóp. Bác sĩ đánh giá tiếng thổi tim này dựa theo một thang gồm 6 nấc – 6 chính là nấc cao nhất. Ở bệnh nhân cao tuổi trên, tiếng thổi tim của ông là 5.

Sau khi chụp X-quang ngực, các bác sĩ nghi bệnh nhân bị phù phổi – pulmonary edema – tình trạng dịch tích tụ trong phổi. Nhưng khi nhận kết quả xét nghiệm máu từ phòng thí nghiệm, họ phát hiện bệnh nhân có số lượng tế bào bạch cầu cao. Điều này đồng nghĩa với việc có rất nhiều tế bào chiến đấu chống lại bệnh tật chảy khắp cơ thể. Bên cạnh đó là hàm lượng protein phản ứng C - chỉ dấu cho tình trạng viêm. Xét nghiệm máu cũng đã xác nhận vấn đề mà bệnh nhân cao tuổi trên mắc phải: một dạng nấm có tên Candida parapsilosis.

Những xét nghiệm bổ sung chỉ ra rằng, van tim bệnh nhân bị sùi diện rộng, gây ra hiện tượng tắc nghẽn nghiêm trọng". Bạn có thể nhận ra sự tắc nghẽn ấy trong bức ảnh dưới đây:

Đi khám bác sĩ khi bị sốt và khó thở, người đàn ông thiệt mạng vì căn bệnh đáng sợ này ở tim - Ảnh 2.

Bệnh nhân nam được xác định mắc bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn (nhiễm nấm) trên van tim nhân tạo. Bệnh xảy ra khi một van tim nhân tạo bị nhiễm trùng. Mỗi năm, 2,3% bệnh nhân mắc căn bệnh này và có thể tử vong. Triệu chứng khó thở có thể là biểu hiện của rất nhiều thứ khác nhau. Và tình trạng của bệnh nam trên đặc biệt ở chỗ ông có một van tim nhân tạo. Nhưng trường hợp của ông là lời nhắc nhở về việc triệu chứng khó thở có thể nghiêm trọng tới mức nào và tại sao nên được bác sĩ thăm khám càng nhanh càng tốt.

Bệnh nhân nam 76 tuổi đã được kê đơn các loại thuốc kháng virus để điều trị bệnh nhiễm nấm và trải qua phẫu thuật để thay thế van tim. Thật không may, hành trình chống chọi với bệnh tật của ông không có được kết thúc tốt đẹp. Bệnh nhân tiếp tục bị nhiễm trùng vết thương hậu phẫu. 4 tuần sau khi xuất viện, ông phải vào viện trở lại do bị viêm phổi. 2 tháng sau, người bệnh đã vĩnh viễn ra đi.

Viêm nội tâm mạc hay viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn là tình trạng nhiễm trùng và viêm các van tim cũng như lớp lót bên trong các buồng tim (nội tâm mạc). Viêm nội tâm mạc xảy ra khi các sinh vật gây bệnh chẳng hạn như vi khuẩn hoặc nấm đi vào máu và ở lại trong tim. Trong hầu hết các trường hợp, những sinh vật này là liên cầu, tụ cầu hoặc các loài vi khuẩn thường sống trên bề mặt cơ thể.

Tùy thuộc vào độc lực của các mầm bệnh, tổn thương tim do viêm nội tâm mạc có thể nhanh chóng và nặng (viêm nội tâm mạc cấp tính) hoặc chậm hơn và ít nguy kịch (viêm nội tâm mạc bán cấp).

Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn bán cấp thường được gây ra bởi vi khuẩn Streptococcus viridans, xảy ra trên van bị tổn thương và nếu không được điều trị thì sẽ gây tử vong trong vòng 6 tuần đến 1 năm.

Các triệu chứng phổ biến viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn là:

- Sốt nhẹ (dưới 39 độ C)

- Ớn lạnh

- Đổ mồ hôi đêm

- Đau cơ và khớp

- Cảm giác mệt mỏi dai dẳng

- Đau đầu

- Khó thở

- Chán ăn

- Sụt cân

- Các nốt nhỏ, mềm trên các ngón tay hoặc ngón chân

- Các mạch máu nhỏ bị vỡ ở lòng trắng của mắt, vòm miệng, bên trong má, trên ngực hoặc trên các ngón tay và ngón chân

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kì dấu hiệu bệnh như trên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.