Sinh viên ra trường mới đi làm đúng là hay bị bắt nạt thật, cho dù đã từng va vấp với chốn công sở như tôi cũng chẳng thể tránh khỏi. Hồi còn là sinh viên Đại học, tôi đã đi làm thêm ở vài nơi, vừa để nâng cao kinh nghiệm, vừa là rèn giũa kỹ năng mềm. Tiếp xúc với nhiều kiểu người, tôi chững chạc hơn, chẳng còn là kiểu "gà công nghiệp" nữa.
Những tháng làm báo cáo tốt nghiệp, tôi tạm dừng việc đi làm để tập trung đẩy nhanh tiến độ ra trường. Sau khi hoàn thành mọi thứ, cầm tấm bằng giỏi trên tay, tôi tự tin đi xin việc. Tôi lựa chọn một doanh nghiệp trong mảng nhà hàng khách sạn. Được biết, công ty đó nằm trong top các doanh nghiệp có chung lĩnh vực, nên tôi cho rằng quá trình tuyển dụng sẽ vô cùng khắt khe, khó nhằn.
May mắn sao, tôi hoàn thành các vòng tuyển dụng rất tốt, tiếng Anh nói lưu loát, bài test thực hành cũng cực kỳ trơn tru. Đặc biệt, vòng phỏng vấn cá nhân, tôi cho họ thấy mình là một người giàu năng lượng. Nên tôi nghĩ việc tôi đỗ là hoàn toàn xứng đáng.
Tưởng chừng một công việc mới sẽ mở ra tương lai đầy phấn chấn, cởi mở. Nhưng không, trở ngại mới chỉ bắt đầu. Và mọi rắc rối bắt đầu từ người sếp khó tính của tôi. Ngày đầu tiên đi làm, chị HR dẫn tôi đi quanh công ty và chỉ cho tôi những phòng ban quan trọng. Sau đó, chị đưa tôi đến chỗ ngồi. Khi ấy là khoảng 8 rưỡi sáng. Đến tầm hơn 9 giờ, sếp đến công ty. Thật không ngờ là tôi ngồi gần sếp nhất so với các đồng nghiệp khác. Anh ấy tất nhiên sẽ được ngồi ở bàn to đầu dãy, còn tôi sẽ ngồi ở vuông góc với sếp. Trong đầu tôi đã mường tượng ra bao nhiêu viễn cảnh đáng sợ. Trước giờ bất cứ ai phải ngồi gần sếp cũng cực kỳ áp lực...
Anh ấy hỏi tôi vài câu, rồi tiếp tục nhìn vào màn hình máy tính. Sau đó sếp đi họp tới tận gần trưa. Buổi trưa hôm đó tôi gọi đồ ăn về văn phòng. Lúc tôi mới mở hộp đồ ăn ra thì cũng là lúc sếp đi họp về. Anh lại ngồi vào vị trí. Tuy nhiên tôi có để ý thấy sếp hơi nhăn mặt. Tôi vẫn cứ ăn thôi thì đã tới giờ nghỉ trưa rồi.
Một lát sau, tôi vừa ăn xong thì sếp đưa tôi một tờ giấy. Anh còn nói thêm: "Em đọc kỹ nội dung anh viết trong tờ giấy này nhé. Khi em ngồi gần anh thế này thì em sẽ cần tuân theo một vài nội quy anh đặt ra. Chúng ta làm trong ngành dịch vụ, nên tuân theo một số nguyên tắc để trở nên chuyên nghiệp hơn". Sau khi sếp nói xong, anh đi ra khỏi chỗ và chắc là đi ăn trưa.
Đến lúc tôi đọc nội dung những quy định mà sếp đề ra, bản thân tôi sốc vô cùng. Trong tờ giấy ấy có rất nhiều điều, tôi đoán là sếp vừa mới gõ máy xong, vì thấy có cả lỗi chính tả.
Đầu tiên là việc tôi không được đeo tai nghe, mục đích để sếp nhắc nhở, góp ý thì tôi có thể phản hồi lại luôn. Thứ hai là việc tôi không được ăn đồ có mùi tại chỗ, phải hạn chế tối đa việc ăn uống. Bởi lẽ sếp rất sợ bị ám mùi sang chỗ ngồi của anh ấy. Thứ ba, tôi không được để mặt mộc, hoặc trang điểm nhợt nhạt khi đi làm, tránh trường hợp khách hàng gặp sẽ tạo ấn tượng không tốt với họ.
Ngoài ra, trong tờ giấy sếp gửi, còn rất nhiều những nội quy khác thể hiện sự "hắc ám" của anh. Về vấn đề này, tôi không dám hỏi các đồng nghiệp khác, vì sợ bản thân trở thành kẻ tọc mạch, không biết nghe lời. Thậm chí nếu đến tai sếp, tôi có thể bị quy là thiếu trách nhiệm với công việc.
Nhưng mà có những điều vô lý và hơi khiên cưỡng. Tôi rất muốn sếp hiểu rằng, anh ấy nên đặt sự thoải mái, dễ chịu của nhân viên lên hàng đầu. Nếu sự ngột ngạt kéo dài, tôi e là bản thân sẽ không thể gắn bó được lâu với môi trường này. Đến nay đã được 1 tuần tôi làm ở công ty, mà lúc nào trong đầu tôi cũng chỉ muốn "bỏ của chạy lấy người". Sếp không hề niềm nở với tôi, lúc nào cũng săm soi "bắt lỗi"...