Gạ tình “trơ trẽn”

Chị N trú tại xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam cho biết, do có nhu cầu đổi lại CMND, khoảng 14h30 chiều ngày 4/6/2014, chị N có gọi điện đến số máy điện thoại 0351.387... của công an huyện Lý Nhân để hỏi về thủ tục cấp lại CMND.

Sau khi hướng dẫn cho chị N về thủ tục cấp CMND, người trực ban xưng là công an, (nói tên là Minh), cán bộ đội tổng hợp, không quên “hỏi thăm” đời tư của chị N về việc làm ở đâu, bao nhiêu tuổi rồi, lấy chồng chưa, được mấy cháu rồi…

Thật thà, chị N trả lời, sau khi trả lời xong, người xưng là công an này nói “Như vậy "súng" hỏng rồi”. Chị N không nói gì và có nhờ người này hỏi giúp làm “nhanh” thủ tục cấp CMND và để lại số điện thoại của mình cho người này liên hệ.

Đi làm CMND, cô gái bị công an "gạ tình" trắng trợn 1
Tin nhắn "gạ gẫm" của người xưng là công an huyện Lý Nhân - Hà Nam

Khoảng gần 1h sau, người xưng là công an nhắn tin cho chị N bằng số điện thoại di động 016550009…trao đổi với chị N rằng sẽ hỏi giúp cho việc làm “nhanh” CMND, sau đó tiếp tục hỏi chị N: “E lấy chồng mấy năm rồi mà vẫn chưa có con, chắc "súng" đã hỏng rồi”. Chị N có nhắn tin hỏi lại vị công an trên, sau đó vị này thông báo cho chị N là đã hỏi cho việc cấp CMND là 200 nghìn, nhưng lại hỏi chị N: “Em có biết "súng" bị hỏng là gì không?”.

Đi làm CMND, cô gái bị công an "gạ tình" trắng trợn 2
Tin nhắn của người xưng tên là Minh

Biết người này đã cố tình hỏi một cách “trơ trẽn”, chị N không trả lời. Tiếp tục, người này nhắn tin: “Chán rồi à. Biết được mục đích thôi sao”. Chị N trả lời thẳng thắn: “Em gọi cho anh mục đích là công việc, chứ em biết chuyện gì nữa đâu”. Nhưng người này tiếp tục nhắn tin: “Thì anh cũng biết vậy mà. Lúc nào về anh mời em đi chơi.”, chị N nói không biết đi chơi, “Thì đi dạo, cafe. Đi nhậu hoặc đi hát karaoke, em thích thế nào, đi chơi kiểu sâu xa hơn chắc”. Vị công an nhắn tin lại.

Đi làm CMND, cô gái bị công an "gạ tình" trắng trợn 3
Chị N liên tục nhận được các tin nhắn trêu ghẹo

Chị N nhắn tin lại nói không hiểu và muốn xin số điện thoại chính của vị xưng là công an này để khi nào về làm CMND thì gọi để nhờ giúp đỡ. Người này bảo: “Đây là số chính. Anh dùng 5 năm rồi, em gọi lúc nào anh cũng sẵn sàng mà, là theo quan hệ kiểu nam nữ ấy”. Chị N không nhắn tin lại. “Quan hệ nam nữ mà em không biết là quan hệ gì?” người xưng tên là Minh tiếp tục nhắn tin.

Công an huyện vẫn chưa điều tra ra?

Nhận được thông tin trên, chiều ngày 5/6/2014, phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã liên hệ và làm việc với đại tá Phạm Hoài Nam, Trưởng công an huyện Lý Nhân để tìm hiểu thông tin về vụ việc trên.

Sau khi trao đổi về vụ việc như đã nêu, ông Nam đã xác nhận số điện thoại 0351.3871... đúng là số điện thoại trực ban của đơn vị, nhưng cán bộ tên là Minh thì không có. Xem bảng phân công trực ban, PV cũng không thấy có cán bộ nào tên là Minh, trực ban vào khoảng thời gian 14h30 ngày 4/6, mà là tên người khác.

Ông Nam đánh giá những thông tin mà phóng viên cung cấp là đúng, và cho rằng cuộc nói chuyện và nội dung tin nhắn giữa cán bộ trực ban và chị N, dù đùa hay thật thì thái độ, cách ăn nói của cán bộ trực ban là không đúng với tư cách của người chiến sĩ công an.

Với tinh thần vì nhân dân phục vụ, với trách nhiệm là thủ trưởng đơn vị, ông Nam nói sẽ có trách nhiệm làm rõ cán bộ trực ban nói chuyện và nhắn tin cho chị N ngày 4/6 là ai, mục đích là gì, và sẽ yêu cầu làm báo cáo tường trình, nhắc nhở, nhằm rút ra nhận thức trên cơ sở có sai phạm sẽ kiểm điểm, đánh giá mức sai phạm đến đâu, và sẽ đánh giá lại thi đua của cán bộ công an này.

Trước sự việc trên, là người đứng đầu đơn vị, sẽ tiếp thu ý kiến phản hồi một cách hết sức nghiêm túc, không phải là nói cho xong, tiếp cho xong. Sau khi đánh giá, kiểm điểm sai phạm của cán bộ trên, sẽ có báo cáo hoặc có công văn trả lời. Ông Nam khẳng định.

Tuy nhiên, từ ngày 5/6 cho đến nay, chúng tôi cũng chưa hề nhận được bất kỳ ý kiến phản hồi nào từ phía công an huyện Lý Nhân về những đánh giá, xử lý sai phạm của vụ việc trên. Liệu việc “im lặng” khó hiểu của công an huyện Lý Nhân trước sự việc trên, có bao che cho cấp dưới?

Ngày 18/4/2014, Bộ trưởng Bộ Công an đã có Chỉ thị số 03/CT-BCA-X11 về tiếp tục siết chặt kỷ luật kỷ cương, điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ trong Công an nhân dân (CAND). Điều 4 chỉ thị nêu rõ:

4. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành điều lệnh CAND và thực hiện quy chế làm việc, quy trình công tác, tinh thần trách nhiệm, tư thế, lễ tiết, tác phong, văn hóa giao tiếp ứng xử của CBCS Công an, nhất là các đơn vị thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc với tổ chức và công dân. Công tác kiểm tra trước hết là trách nhiệm của thủ trưởng và lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp; đồng thời nghiên cứu tổ chức các hình thức kiểm tra chéo giữa các đơn vị, địa phương để đánh giá được khách quan, chính xác.