Chở bình ô-xy vừa thuê được về thay cho chồng xong, bà Đinh Thị Huệ (62 tuổi, trú thôn 10, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) lại ngồi bên cạnh, chậm rãi đút cho người chồng từng thìa cháo loãng. Thi thoảng bà động viên chồng ăn để lấy sức khỏe cho mau chóng bình phục.
Ông Lê Văn Tùng (62 tuổi, chồng bà Huệ) nằm bất động trên giường, đáp lại lời vợ bằng những lời khó nhọc, đứt quãng. Đã 10 tháng từ ngày vụ tai nạn lao động đau lòng xảy ra, ông Tùng nằm một chỗ, mọi sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào người vợ.
"Vợ chồng tôi có một đứa con trai bị đột tử từ 6 năm trước, để lại 2 đứa cháu nội thì một đứa bị bại não. Làm được đồng nào, vợ chồng tôi vay mượn thêm đưa cháu đi điều trị khắp nơi nhưng vẫn không có hi vọng. Giờ chồng gặp nạn, nằm một chỗ, đến cả tiền thuê bình ô xy duy trì sự sống cho chồng, tiền bỉm hàng ngày cũng không có, tôi phải vay mượn khắp nơi rồi", bà Huệ nghẹn lời.
Vợ chồng bà Huệ có với nhau 4 người con (3 gái, 1 trai). Kinh tế trông chờ vào vài sào ruộng, cố gắng làm thuê làm mướn khắp nơi, họ cũng nuôi được đàn con trưởng thành, yên bề gia thất. Vợ chồng bà sống chung với vợ chồng con trai và 2 cháu nội.
Một buổi sáng của 6 năm trước, không thấy anh Lê Văn Hùng (SN: 1988, con trai bà Huệ) thức dậy đi làm như thường ngày, bà Huệ vào gọi thì phát hiện con đã tử vong. Ngày anh Hùng đột ngột qua đời, để lại 2 con trai, đứa lớn mới 10 tuổi, nhỏ vừa lên 2 mắc bệnh bại não.
Con trai mất được một năm thì người con dâu vốn không được nhanh nhẹn cũng gửi 2 con nhỏ nhờ vợ chồng bà Huệ ở nhà chăm sóc để vào miền Nam làm công nhân, kiếm tiền gửi về chữa bệnh cho con. Thế nhưng, những năm qua, dịch Covid-19 rồi công việc bấp bênh nên mỗi tháng, cố gắng lắm con dâu cũng chỉ gửi về được một vài triệu đồng.
62 tuổi, dù sức khỏe yếu lại mắc bệnh xương khớp đau nhức nhưng hàng ngày, ông Tùng vẫn gắng đi phụ hồ trong các công trình xây dựng gần nhà để kiếm tiền điều trị căn bệnh hiểm nghèo cho cháu nội Lê Hồ Gia Bảo (8 tuổi). Đều đặn hàng tháng, vợ chồng ông Tùng lại bế cháu Bảo vượt hàng trăm km ra Hà Nội tái khám, hi vọng một ngày được nhìn thấy cháu nội đi trên đôi chân của mình. Thế nhưng, căn bệnh quái ác hành hạ khiến cháu Bảo ngồi không vững, không nhận thức.
Khó khăn chưa qua thì 10 tháng trước, khi đang phụ hồ, ông Tùng không may bị một khúc gỗ lớn rơi trúng vào gáy, ngã từ trên cao xuống đất, nằm bất động.
Ông nhanh chóng được chuyển ra Hà Nội điều trị với kết luận chấn thương cột sống, dập tủy c2, c3, c4.
Dù giữ được tính mạng nhưng ông bị liệt toàn thân. Không còn hi vọng cứu chữa, bà Huệ gạt nước mắt đưa chồng về nhà chấp nhận số phận.
Ông Vũ Quang Trung- Trưởng thôn 10- xã Quỳnh Lâm chia sẻ, ông Tùng là một người hiền lành, siêng năng, sống tình cảm và là lao động duy nhất trong gia đình nhưng không may lại gặp tai nạn lao động, nằm một chỗ gần một năm nay. Gia đình nhiều năm là hộ nghèo, cận nghèo của xã.
"Cuộc đời bà Huệ là chuỗi ngày dài gánh chịu nỗi đau mất con, chăm cháu tàn tật, chồng liệt giường, cám cảnh vô cùng. Mấy tháng trước, người con dâu bà Huệ về đưa 2 con trai vào nhà ngoại tận Đắk Lắk ở nhờ một thời gian nên bà bớt vất vả hơn.
Chính quyền địa phương, các đoàn thể, bà con trong xóm đã nhiều lần kêu gọi, ủng hộ hơn 30 triệu đồng để ông Tùng có thêm kinh phí điều trị. Giờ ông Tùng nằm một chỗ, tiền thuốc thang, ô-xy, bỉm sữa hàng ngày để duy trì sự sống cũng rất tốn kém. Một mình bà Huệ không biết sẽ xoay xở thế nào", ông Trung chia sẻ.
Nhắc đến hoàn cảnh gia đình, bà Huệ xúc động, nắm lấy bàn tay của chồng bật khóc nức nở vì bất lực. Bà cho biết, suốt nhiều năm qua, để có tiền chữa trị cho cháu nội và chồng, bà đã vay với số tiền hơn 400 triệu đồng, không có khả năng chi trả. 3 người con gái lấy chồng nhưng cuộc sống cũng khó khăn, con nhỏ nên không phụ giúp được gì nhiều. Giờ tuổi cao lại phải túc trực bên chồng nên bà không thể làm gì kiếm thu nhập.
"Trước khi gặp nạn, thấy chiếc xe lăn của cháu đã rách nát, chồng tôi dự định đi làm thêm ít hôm, góp nhặt mua cho cháu chiếc xe lăn. Nhưng rồi, dự định chưa kịp thực hiện thì ông ấy đã bị nạn, ra nông nỗi thế này.
Nhiều hôm khó thở, chồng tôi thều thào, bảo tôi tháo ô-xy để ông chết cho bớt khổ, xót xa lắm. Cả cuộc đời ông đã vất vả vì vợ con nhiều rồi, giờ lại phải sống dở, chết dở thế này. Mong mọi người thương hoàn cảnh, cứu giúp để tôi có thêm kinh phí thuê bình ô-xy, bỉm sữa duy trì sự sống qua ngày cho ông ấy", bà Huệ khẩn cầu.
Bạn đọc giúp đỡ ông Tùng xin gửi về địa chỉ: bà Đinh Thị Huệ, thôn 10, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Hoặc qua STK của ông Lê Văn Tùng: 101881696410, ngân hàng Vietinbank (bà Huệ đang quản lý). ĐT: 0339570344.