Một bữa nọ, khi đang lướt facebook, tôi tình cờ bắt gặp một câu chuyện nhỏ được nhiếp ảnh gia Giang Trịnh ghi lại. Có thể nhiều người đọc xong sẽ cảm thấy nó thật bình thường, chẳng có gì đáng quan tâm, chỉ là chuyện về một cái cây "hơi đặc biệt" mà thôi. Tuy nhiên, với tôi, câu chuyện ấy gợi nhớ về những hình ảnh thật đẹp, cũ xưa và bình dị về cây lộc vừng 9 gốc ven Hồ Gươm - một phần tâm tưởng của người Hà Nội.
Góc hồ này có lẽ đã quen thuộc với cả triệu người dân Hà Nội.
"Bạn thân mến.
Tớ mạo muội nhắn tin nhờ bạn một chuyện. Nhà mẹ vợ tớ ở Lò Sũ gần Hồ Gươm. Hôm nào bà cũng đi một vòng quanh Bờ Hồ. Bà rất yêu Hồ Gươm và cây 9 gốc. Tớ cũng thích chụp ảnh, nhưng chưa có ảnh nào chụp cây 9 gốc đủ đẹp để tặng bà. Qua facebook, biết bạn chụp rất đẹp. Bạn có ảnh cây 9 gốc nào đẹp có thể cân nhắc cho mình mua 1 file gốc, mình muốn phóng tặng bà một bức. Cám ơn bạn nhiều!".
Trước lời đề nghị chân thành, xuất phát từ lý do đáng mến như thế, liệu ai có thể từ chối đây? Món quà từ người con rể dành tặng người mẹ vợ đã gắn bó cả cuộc đời với Hà Nội thân thương, có thể giá trị không đáng là bao, nhưng nó chứa đựng thật nhiều ý nghĩa.
Quanh cái cây 9 gốc, cuộc sống thường nhật thật bình yên.
Chắc nhiều người thắc mắc, không biết cái cây 9 gốc ấy có gì đặc biệt. Chính xác thì nó là một cụm cây lộc vừng cổ thụ, chẳng biết nó bao nhiêu tuổi, nhưng hồ Gươm lặng lẽ soi bóng trời mây bao năm, bao thế hệ người Hà Nội sinh ra lớn lên quanh bờ Hồ đã thấy 9 gốc cây chụm vào nhau, nằm đó cổ xưa và vững chãi.
Giữa cả nghìn cái cây to nhỏ đủ màu đủ loại quanh bờ Hồ, có lẽ những người chỉ đi lướt qua sẽ không mấy để ý đến cụm lộc vừng to, nghiêng mình sát mặt nước ấy. Tuy nhiên, với những người sống lâu năm ở phố Đinh Tiên Hoàng, Hồ Hoàn Kiếm, Lò Sũ... ở gần cái cây 9 gốc ấy nhất, trong mắt họ, trong suy nghĩ của họ, đó là chứng nhân lịch sử quen thuộc gần gũi như một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Chẳng ai biết, cụm lộc vừng thô ráp xù xì này có tuổi đời bao nhiêu.
Chỉ biết là mỗi ngày, những tán cây tươi xanh vẫn xòe bóng lá rợp một góc hồ Gươm.
Sáng cũng như tối, quanh gốc cây, chưa bao giờ thưa vắng người lại qua, chọn nó làm nơi sinh nhai.
Khiêm tốn nằm 1 góc, nhưng cụm lộc vừng chưa bao giờ hết đặc biệt với người dân Hà Nội.
Tôi có quen Huân, một chàng trai trẻ 22 tuổi, ở ngoại thành nhưng tuần nào cũng lên bờ Hồ vài lần, bất kể nắng mưa sáng tối. Chàng sinh viên Luật thích lang thang quanh phố cổ, ngắm nhìn những tán cây lòa xòa mặt hồ, thuộc hình dáng đến từng gốc cây, thích xách máy ảnh làm "thợ săn" nghiệp dư. Huân "phải lòng" cây lộc vừng 9 gốc vào một ngày heo may, khi chỉ một cơn gió ào qua là một vùng trời nhuộm vàng như nắng đổ xuống vai, đọng lại trong hàng nghìn chiếc lá. Huân bảo, Hà Nội có thể vội vã, cả thành phố lúc nào cũng ồn ào không ngủ, nhưng cái góc có 9 gốc lộc vừng khổng lồ chen nhau trong cái bồn đất, chưa bao giờ thấy gợn chút thị phi.
Những con người chất phác mưu sinh bên gốc lộc vừng cổ thụ.
Mùa này, lộc vừng đang trổ lá, lại sắp có thêm những cành cây nhỏ nhắn xinh xinh.
Huân hay ngồi uống trà đá ngay dưới gốc cây lộc vừng, một cốc nước rót đi rót lại vài lần cũng đủ để cậu sinh viên trẻ thu vào ống kính cả một gia tài về nhịp sống Hà Nội bình dị xung quanh đó. Hội các cụ, bác xe ôm ngồi đánh cờ tướng, lúc thì im phắc lúc thì ồn ào bàn tán. Hội chị em cô bác chiều chiều xếp hàng tập thể dục trong nền nhạc boom boom, hội thanh niên ngồi ghế đá xung quanh khúc khích cười.
Có một đôi vợ chồng trung niên rất hay ra gốc cây lộc vừng để nhảy và khiêu vũ, với chiếc cassette cũ. 10 lần "hẹn hò" với cái cây quen thuộc thì 9 lần Huân gặp đôi vợ chồng ấy, người phụ nữ thường mặc váy dài quá đầu gối, kiểu phương Tây thập niên 90, nhẹ nhàng tình tứ bên chồng, hai người nắm tay nhau vừa đi vừa chào hỏi trò chuyện với cô bán hàng nước, vài cụ già quen đi bách bộ ngang qua, thỉnh thoảng ghé tai nhau thì thầm những điều muôn năm cũ.
Những nụ cười hạnh phúc mỗi ngày.
Những tình yêu giản dị, chân thành, nồng nàn theo năm tháng bên tán lộc vừng cổ thụ.
9 gốc cây to lớn trầm ngâm ngắm nhìn cuộc sống diễn ra mỗi ngày.
Còn nhiều cặp đôi nữa cũng thỉnh thoảng khiêu vũ dưới gốc cây ven hồ những ngày trời đẹp, khi chiều tà xuống họ dìu nhau đến ngồi dưới những chiếc ghế gỗ, chuyện trò ôn lại kỉ niệm. Một thế hệ người Hà Nội truyền thống khác với lớp trẻ nhiệt huyết thanh xuân, cùng một khoảng trời dưới cây lộc vừng nhưng suy nghĩ, cảm giác của họ thì khác hẳn nhau.
Cứ hỏi bất cứ cụ già nào ngồi gần gốc lộc vừng, họ sẽ kể bạn nghe đủ thứ chuyện từ thời bao cấp, chạy chơi quanh cái cây khi nó chưa to như bây giờ, sáng mùa đông lạnh cắt da họ vẫn thích đi dạo qua nơi đó như một thói quen lịch lãm không thể bỏ. 9 gốc cây chứng kiến bao hào hoa thăng trầm, thay da đổi thịt, mỗi mùa cây lại thay lá trổ thêm hoa, và biết bao người yêu chúng đã hóa cát bụi, gửi lại tình yêu vào những nhánh cành cổ thụ.
Với người trẻ chúng tôi, cây lộc vừng chẳng gợn lên ký ức về một thời đạn bom hay giông bão chiến tranh, đơn giản vì chúng tôi sống ở một thời đại khác. Nhưng những buổi hoa lộc vừng rụng rơi thành từng thảm đỏ rực rỡ ven hồ, những ngày cây trổ lá, những buổi lá vàng lá đỏ lìa cành, để lại những cọng khẳng khi như vẽ lên bầu trời một bức bích họa, cây kể cho chúng tôi nghe về tuổi thanh xuân, về sự sống.
Còn bạn, cây lộc vừng cổ thụ kia đã kể bạn nghe chuyện gì?