Mới đây, mẹ Aichan - một mẹ Việt đang sinh sống tại Nhật nhận được nhiều sự quan tâm của các mẹ bỉm sữa trong cộng đồng mạng nhờ những chia sẻ thường xuyên về cách chăm sóc và nuôi dạy con - đã có một bài viết về chiếc cặp chống gù lưng nổi tiếng của Nhật Bản đang được các mẹ Việt hâm mộ và "săn lùng" mua cho con. 

Nhân việc một người bạn nhờ tìm hiểu nguồn gốc của chiếc cặp chống gù Made in Japan mua tại Việt Nam với giá 1,9 triệu đồng, mẹ Aichan đã kể lại tường tận những gì đã tìm hiểu được về xuất xứ thật của chiếc cặp giá "khủng" này. 

Bài viết này là những chia sẻ cá nhân của mẹ Aichan thông qua một trường hợp cụ thể, song nó đang được các mẹ bỉm sữa quan tâm và chia sẻ nhanh chóng để cẩn trọng hơn nữa khi lựa chọn mua những chiếc cặp được coi là có tác dụng chống gù lưng với giá khá cao cho các con tới trường. Được sự đồng ý của tác giả, chúng tôi xin đăng lại nội dung bài viết như sau:

Khi nhận được yêu cầu của một bạn, nhờ điều tra về chiếc cặp chống gù Made in Japan mà bạn ấy mua 1,9 triệu đồng ở Hà Nội, suýt thì tôi xuýt xoa vì chiếc cặp có ghi Made in Japan có giá rẻ và trông cũng có vẻ chắc chắn. Trên cặp có mác treo đầy đủ gồm: nhãn hướng dẫn bảo quản đồ da, mác Made in Japan và dấu “Xác nhận bảo đảm” của một Hiệp hội cặp sách mà tôi mới nghe lần đầu. Trên các nhãn mác đều có số điện thoại, thậm chí địa chỉ rất rõ ràng về Hiệp hội, trong đó có 4 chữ số 2178 là member code. Tôi đoán số đó chính là công ty hoặc cơ sở sản xuất của chiếc cặp này. 

Cặp chống gù lưng
Nhãn mác treo trên chiếc cặp chống gù giá 1,9 triệu đồng bán ở Việt Nam.

Không chần chừ, tôi search internet để tìm tên hiệp hội, có tồn tại một hiệp hội như thế, đây là 1 Hiệp hội gần như bảo vệ giá trị của những chiếc cặp, bao gồm thành viên là những nhà sản xuất (chỉ ở Nhật) và các nhà buôn (công ty bán lẻ) chuyên về lĩnh vực cặp đi học cho trẻ em. Tóm lại, Hiệp hội là nơi đảm bảo cho “sự an toàn” và chất lượng của cặp sách randoseru - cặp sách chống gù lưng, người bạn đồng hành không thể thiếu của bọn trẻ trong suốt 6 năm cấp 1. 

Ngoài chức năng kết nối nơi sản xuất và nơi bán lẻ, Hiệp hội còn có chức năng kiểm định tiêu chuẩn cho từng chiếc cặp của từng nhà sản xuất. Trên website, họ có công khai hình mác Xác nhận bảo đảm và mác Bảo hành 6 năm sẽ được treo trên từng chiếc cặp mà họ kiểm định. 

Nghi ngờ đầu tiên của tôi là cái mác đảm bảo trên website màu hồng có hình hoa anh đào dễ thương, còn mác trên chiếc cặp của bạn kia lại không có. Tôi lập tức gửi mail và ảnh cho Hiệp hội hỏi về nhãn mác khác nhau, và không quên nhắn số member code là 2178 kia cho họ để họ điều tra. 

Cặp chống gù lưng
Nhãn bảo hành 6 năm được đăng trên website của Hiệp hội cặp sách ở Nhật.

Cặp chống gù lưng
Nhãn bảo đảm tiêu chuẩn được đăng trên website của hiệp hội cặp sách.

Cặp chống gù lưng
Nhãn được treo trên chiếc cặp giá 1,9 triệu đồng bán ở Việt Nam.

Ngay sáng hôm sau, có 1 người tên là Furuuchi gửi thư trả lời cho tôi. Ông giới thiệu là Giám đốc của Công ty Eishin, là công ty mang mã số 2178 và là thành viên của Hiệp hội cặp sách, nơi sản xuất ra chiếc cặp kia. Vì khi đó tôi chỉ gửi 1 ảnh là mặt trước của mác “xác nhận đảm bảo”, chỉ có hình chứ không có hướng dẫn sử dụng và các nhãn mác khác, nên ông Furuuchi đã nhận ngay là nếu đúng số ghi trên cặp như vậy thì sản phẩm là do công ty ông sản xuất cách đây vài năm. Nhãn mác này cũng là mác của hiệp hội đã phát hành trước đây. Tuy nhiên ông yêu cầu chụp lại các nhãn mác khác và hình dáng cụ thể mặt trước sau, trong ngoài của cặp để ông xác nhận lại. Đó là nội dung bức thư trả lời thứ nhất. 

Cặp chống gù
Mẹ Aichan so sánh một số điểm khác biệt giữa chiếc cặp sách chống gù lưng mua tại Việt Nam với giá 1,9 triệu đồng và chiếc cặp trên website của Hiệp hội cặp sách Nhật Bản.

Sau khi nhờ bạn khách chụp lại cụ thể (cỡ 10 ảnh), tôi gửi lại ngay cho ông Furuuchi, có kèm thông tin cụ thể về địa điểm mua cặp (không phải ở Nhật) và giá tiền đã mua tính ra Yên Nhật. Ngay sau đó tôi nhận được bức thư trả lời thứ hai của ông. Ngay câu đầu tiên ông khẳng định "đây không phải là chiếc cặp mà chúng tôi sản xuất". Nhãn mác mặt trước dấu xác nhận đảm bảo có design không khác những nhãn mác trước kia, tuy nhiên hướng dẫn sử dụng đồ da thì câu chữ tiếng Nhật không chính xác. 

Cặp chống gù lưng

Cặp chống gù lưng

Ông nói thêm, những năm gần đây, để cạnh tranh giá tốt, có những công ty bán lẻ đã không còn cách nào khác là thuê sản xuất ở Trung Quốc để bán tại thị trường Nhật, điển hình là tập đoàn Nittori. Theo như ông biết thì có 2 cơ sở sản xuất cặp randoseru ở Trung Quốc nhưng không hề có vốn đầu tư của Nhật. Ngoài ra, ông Furuuchi có khẳng định là công ty ông cũng xuất khẩu cặp sách, tuy nhiên cái giá 1,9 triệu đồng bán ở Việt Nam thấp hơn cả giá xuất khẩu của công ty ông. Ông buồn lòng vì Hiệp hội cặp sách cũng không có biện pháp gì để bảo vệ lên án tình trạng copy sản xuất. 

Vẫn chưa cảm thấy đủ được thuyết phục về câu trả lời của ông, tôi lại mail nhờ ông giải thích cụ thể hơn lý do mà ông khẳng định không phải hàng công ty ông sản xuất và tiếng Nhật trên nhãn mác sai ở chỗ nào, nhãn này được phát hành năm nào và tại sao Hiệp hội không quản lý khi phát nhãn mác cho các công ty sản xuất. 

Bức thư thứ 3 của ông giải thích cụ thể hơn và có kèm 2 bức hình chụp và gạch chân các chỗ sai trong tiếng Nhật in trên mác. Nhãn mác trên chiếc cặp bạn khách mua là design chính thức của Hiệp hội cặp sách được sử dụng từ năm 1999-2008, có hình chữ nhật dài chứ không phải hình gần vuông như mác trên cặp giả kia. Ngoài nhãn “xác nhận đảm bảo” của Hiệp hội, có hướng dẫn bảo quản đồ da thật (là nhãn nhỏ kèm theo) là loại nhãn bắt buộc phải treo vào sản phẩm theo quy định của luật pháp Nhật khi sử dụng đồ da trong hàng gia dụng. 

Ông gạch dưới những câu chữ sai đúng so sánh giữa 2 mác đúng và sai. Ngay cả tôi cũng ko thể nhận ra sự khác nhau của câu chữ và từ ngữ. Thêm đó, ông khẳng định theo như hình ảnh chụp và kinh nghiệm của ông nhìn thì cặp sách này cũng không phải làm từ da thật. Ông Furuuchi nói chất liệu và độ bền của chiếc cặp, ông không đảm bảo. 

Cặp chống gù lưng
Nhãn chuẩn của Hiệp hội cặp sách Nhật sử dụng từ năm 1999-2008.

Cặp chống gù lưng
Tiếng Nhật sai trên nhãn của chiếc cặp 1,9 triệu đồng bán ở Việt Nam (chỗ gạch chân màu xanh).

Tôi kể cầu kỳ sự vụ này, vì tôi muốn đề cao sự hợp tác và nghiêm túc của người Nhật. Họ có trách nhiệm tới cùng đối với những sản phẩm họ làm ra, có trách nhiệm trả lời công khai và cung cấp thông tin cần thiết để đảm bảo lòng tin cho người dùng. 

Công ty Eishin của ông Furuuchi là 1 xưởng sản xuất cặp sách nhỏ ở tỉnh Fukushima, phía đông bắc Nhật Bản, được thành lập từ năm 1984 (tham khảo http://www.kk-eishin.com). Ngoài sản xuất theo đơn đặt hàng của nhà bán lẻ, công ty ông còn bán online và nhận ordermade cho từng chiếc cặp. Cặp sách thấp nhất được niêm yết trên website của công ty ông có giá 4 vạn Yên tương đương khoảng 8 triệu đồng VN.