Các bài “bóc phốt” trên mạng xã hội thường nhận được lượt xem, chia sẻ rất cao, người bình luận, bàn tán bên trong các bài viết cũng tăng liên tục. Tuy nhiên, nội dung các bài đăng như vậy thường không dẫn từ các trang báo chính thống hay từ việc các cơ quan có thẩm quyền đã điều tra, xác minh làm rõ mà thường là tự ý đăng tải.

Nhiều người không rõ thông tin trên có chính xác hay không nhưng việc bình luận, chửi bới trên mạng như trên đã làm tổn hại không nhỏ tới uy tín, danh dự cá nhân. Các bài “bóc phốt”, lăng mạ, làm nhục nhau trên mạng xã hội đều đến từ những xích mích: mẫu thuẫn tình cảm, tranh cãi quan điểm..., gây thiệt rất lớn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Luật sư Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty luật Phúc Khánh Hưng cảnh báo, nếu không cẩn thận, người có hành vi “bóc phốt” người khác trên mạng xã hội có thể phải đối diện với những hậu quả pháp lý.

Pháp luật nước ta đã có những chế tài xử lý rất nghiêm khắc những hành vi trên không gian mạng của người dùng nhằm mục đích “bóc phốt”, vu khống, xâm phạm đến quyền riêng tư của người khác… Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

“Nếu như đó là những hành vi ít nghiêm trọng, chưa đến mức độ phải xử lý hình sự nhưng có dấu hiệu của việc bôi nhọ, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐCP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Theo đó, những người có hành vi “bóc phốt” có thể bị xử phạt số tiền là 7.500.000 đồng. Ngoài ra còn có chế tài bổ sung là phải công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại đối với những hành vi của mình gây ra” - Luật sư Nguyễn Văn Hưng cho biết.

Nếu như hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận, quyền tự do dân chủ mà xâm phạm đến lợi ích của người khác ở mức độ nghiêm trọng, có dấu hiệu của tội phạm thì đã có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Điều 331. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm

Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017

Trong những vụ việc “bóc phốt” xảy ra trên mạng xã hội, có nhiều trường hợp đăng tin nhắn, ảnh chụp của những đối tượng bị “bóc phốt”. Tuy nhiên, đây là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi theo luật sư Nguyễn Văn Hưng, những tin nhắn, hình ảnh thuộc bí mật đời sống riêng tư, cá nhân và quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được pháp luật bảo vệ. Nếu việc công khai nhằm mục đích hạ thấp, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, bôi nhọ người đó thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.