Dị ứng những thành phần nào thì không nên tiêm vắc xin sởi?

Vắc xin sởi là loại vắc xin sống giảm độc lực, được các tổ chứ y tế, vắc xin và tiêm chủng trên toàn cầu khuyến cáo rộng rãi để bảo vệ cộng đồng trước một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất. Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ loại vắc xin hay thuốc nào khác, vắc xin sởi có thể không phù hợp với một số người có tiền sử dị ứng nghiêm trọng với một số thành phần trong vắc xin. Vậy đó là những thành phần nào?

Dị ứng những thành phần nào thì không nên tiêm vắc xin sởi? - Ảnh 1.

Không nên tiêm vắc xin sởi nếu dị ứng với các thành phần của vắc xin (Ảnh minh họa)

Gelatin

Theo CDC Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gelatin thường được sử dụng trong vắc xin như một chất ổn định nhằm duy trì hiệu lực khi bảo quản. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây dị ứng nghiêm trọng (phản vệ) ở một số người. Những người có tiền sử phản ứng dị ứng nặng với gelatin, từng gây sốc phản vệ, được khuyến cáo không nên tiêm vắc xin sởi hoặc cần thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa dị ứng.

Neomycin

Neomycin là một loại kháng sinh được sử dụng để ngăn ngừa nhiễm khuẩn trong quá trình sản xuất vắc xin. Dù lượng neomycin trong một liều tiêm là rất nhỏ, nhưng với những người có tiền sử dị ứng tiếp xúc với neomycin (như nổi mẩn, mề đay nghiêm trọng hoặc sốc phản vệ sau dùng thuốc mỡ có chứa neomycin), vắc xin sởi có thể không phù hợp. NHS Anh và GAVI đều khuyến cáo, với những trường hợp này, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm.

Một số lưu ý khác về dị ứng khi tiêm vắc xin sởi

Ngoài 2 thành phần trên, nhiều người thường lo lắng rằng người dị ứng trứng cũng là đối tượng không thể - không nên tiêm nhiều loại vắc xin khác nhau, gồm cả vắc xin sởi. Đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, điều này không đúng. Hiện tại, cả WHO và CDC Hoa Kỳ đều khẳng định rằng vắc xin sởi được nuôi cấy trên tế bào phôi gà, lượng protein trứng trong vắc xin cực kỳ thấp và không gây phản ứng nghiêm trọng ở người dị ứng trứng. Vì vậy, dị ứng trứng không còn được xem là chống chỉ định tiêm vắc xin sởi - kể cả ở những người có tiền sử dị ứng nặng.

Còn những người từng bị phản vệ sau liều tiêm vắc xin sởi đầu tiên dù là vắc xin sởi đơn hay vắc xin sởi kết hợp cũng cần hoãn tiêm theo lịch và được đánh giá y tế kỹ lưỡng. Dù tình trạng này rất hiếm gặp, nhưng nếu có, đây là chống chỉ định tuyệt đối hoặc yêu cầu tiêm chủng trong môi trường bệnh viện có đầy đủ thiết bị cấp cứu. WHO và CDC đều nhấn mạnh việc theo dõi cẩn thận sau tiêm đối với các đối tượng có nguy cơ này.

Dị ứng những thành phần nào thì không nên tiêm vắc xin sởi? - Ảnh 3.

Cần thăm khám, thông báo cho bác sĩ về tình trạng sức khỏe và tiền sử dị ứng trước khi tiêm bất cứ loại vắc xin nào (Ảnh minh họa)

Tóm lại, bạn cần báo với bác sĩ nếu từng dị ứng với gelatin, neomycin hoặc từng sốc phản vệ sau tiêm vắc xin - ngay cả khi không phải vắc xin sởi. Không tự kết luận mình không thể tiêm vắc xin sởi nếu chỉ có dị ứng nhẹ với thực phẩm hay thuốc thông thường. Cần đánh giá bởi bác sĩ chuyên môn. Người có bệnh nền hoặc đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch cần tham khảo thêm trước khi tiêm vắc xin sởi và theo dõi kỹ hơn sau tiêm.

Nguồn tổng hợp: VNVC, CDC Hoa Kỳ, Báo SKĐS