Chứng khoán toàn cầu hôm 12-6 giảm điểm ngày thứ tư liên tiếp trong bối cảnh xuất hiện lo ngại về đợt bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) lần thứ hai có thể kìm hãm tốc độ phục hồi kinh tế. Chỉ số cổ phiếu thế giới của MSCI đã giảm 0,5% xuống mức thấp nhất trong 11 ngày, trong khi chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương trừ Nhật Bản giảm 1,3%. Chỉ số Stoxx 600 của châu Âu giảm 0,6% hôm 11-6, ngày thứ năm liên tiếp giảm điểm. Trong khi đó, giá dầu thế giới cũng sụt giảm trong phiên giao dịch thứ hai liên tiếp do lo ngại về nhu cầu năng lượng toàn cầu suy yếu.
Hàng ngàn trẻ em từ 6 đến 14 tuổi bỏ học để lao động ở Ấn Độ Ảnh: Reuters
Các nhà nghiên cứu cho biết trong báo cáo hôm 12-6 nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 có thể đẩy thêm 395 triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực, nâng tổng số người có mức thu nhập dưới 1,9 USD/ngày lên hơn 1 tỉ người. Báo cáo do Viện Nghiên cứu Kinh tế phát triển thế giới thuộc Trường ĐH Liên Hiệp Quốc (UNU-WIDER) thực hiện đã đưa ra một số kịch bản, trong đó tính đến các mức nghèo khác nhau dựa theo quy định của Ngân hàng Thế giới (WB), từ người nghèo đói cùng cực với mức thu nhập 1,9 USD/ngày hoặc thấp hơn đến người nghèo kiếm dưới 5,5 USD/ngày. Trong trường hợp tồi tệ nhất với mức thu nhập bình quân đầu người giảm 20% thì số người sống trong tình trạng đói nghèo cùng cực có thể lên đến 1,12 tỉ người và số người có mức thu nhập thấp hơn 5,5 USD/ngày tại những nước có thu nhập trung bình cao tăng hơn 3,7 tỉ người, hơn 50% dân số thế giới.
Ông Andy Summer, một trong những tác giả của báo cáo, nhận định với hãng tin Reuters: "Tương lai của những người nghèo nhất thế giới sẽ ảm đạm trừ khi các chính phủ hành động nhiều và nhanh chóng hơn, đồng thời cần bù đắp phần thiếu hụt trong thu nhập hằng ngày mà người nghèo đang đối mặt. Kết quả của quá trình giảm nghèo có thể bị trì hoãn 20-30 năm và mục tiêu xóa nghèo của Liên Hiệp Quốc sẽ giống như một kế hoạch bất khả thi".
Các nhà nghiên cứu của Trường ĐH King (Anh) và Trường ĐH Quốc gia Úc cho rằng sự nghèo đói sẽ thay đổi theo phân bố địa lý. Khu vực dự kiến ghi nhận nhiều người rơi vào cảnh nghèo cùng cực nhất là Nam Á, phần lớn do Ấn Độ là quốc gia đông dân. Tiếp theo là khu vực châu Phi hạ Sahara với khoảng 1/3 dân số có nguy cơ rơi vào cảnh đói nghèo cùng cực. Cùng ngày, Liên Hiệp Quốc cũng cảnh báo đại dịch Covid-19 có nguy cơ khiến tình trạng lao động trẻ em tăng trở lại sau 20 năm. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), số lao động trẻ em trên toàn thế giới đã giảm đáng kể từ mức 246 triệu trẻ vào năm 2000 xuống còn 152 triệu trẻ. Theo Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder, dịch Covid-19 khiến các gia đình mất thu nhập, nhiều gia đình không được hỗ trợ có thể buộc phải cho con lao động.
Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hôm 11-6 cho biết chính phủ các nước trên thế giới đã chi 10.000 tỉ USD để đối phó với đại dịch Covid-19 và khôi phục nền kinh tế trì trệ nhưng vẫn cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Bà Georgieva khuyến cáo các gói hỗ trợ tài chính nên tập trung vào việc giảm thiểu nạn thất nghiệp và ngăn chặn sự gia tăng bất bình đẳng.