Mùa đông xuân năm nay thời tiết giá lạnh cùng với ô nhiễm bụi mịn tăng nhanh làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Đây cũng là giai đoạn dịch cúm "vào mùa". Theo thống kê của Trung tâm y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương), từ giữa tháng 11 đến nay, mỗi tuần khoa tiếp nhận từ 100 - 130 bệnh nhân nhi được chẩn đoán mắc cúm với các mức độ nặng khác nhau.

Tiêm vắc xin ngừa cúm là cách phòng bệnh hiệu quả nhất

Bất cứ ai cũng đều có nguy cơ nhiễm cúm nhưng trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi cúm mùa nhất. Nguy cơ nhiễm cúm ở trẻ dưới 5 tuổi cao hơn người trưởng thành từ 2 - 3 lần. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 10 trẻ thì có 3 trẻ bị cúm tấn công hàng năm vào mùa cúm. Và trẻ cũng là đối tượng mà khi nhiễm cúm dễ biến chứng, có thể dẫn đến tử vong.

Những biến chứng nguy hiểm của cúm mùa trên trẻ có thể bao gồm: Viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi, hội chứng Reye (sưng tấy trong gan và não), viêm cơ tim và các biến chứng về thần kinh khác.

Dịch cúm đang vào đợt cao điểm, có 1 cách phòng ngừa đơn giản mà nhiều bố mẹ quên làm cho con - Ảnh 1.

Rất nhiều người nhầm lẫn bệnh cúm với bệnh cảm nên chủ quan, không chú trọng đến việc tiêm phòng vắc xin ngừa virus cúm. Trong khi đó, virus này có khả năng gây biến chứng nguy hiểm, chủng virus lại biến đổi liên tục nên dù đã từng tiêm một vài lần cũng không đảm bảo hiệu quả phòng vệ suốt đời.

Tổ chức Y tế thế giới WHO, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Bộ Y tế Việt Nam đều khuyến cáo nên tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên.

Lợi ích của việc tiêm phòng vắc xin ngừa cúm cho trẻ em là:

- 2 tuần sau khi tiêm vắc xin ngừa cúm, hệ miễn dịch của trẻ sẽ tạo kháng thể chủ động bảo vệ trẻ trước sự tấn công của virus cúm. Khả năng bảo vệ sau khi tiêm ngừa đạt khoảng 96-97%.

- Trẻ đã tiêm ngừa nếu mắc cúm có thể nhẹ hơn, giảm nguy cơ các biến chứng nặng của cúm, thời gian bị bệnh ngắn hơn người chưa tiêm ngừa.

Dịch cúm đang vào đợt cao điểm, có 1 cách phòng ngừa đơn giản mà nhiều bố mẹ quên làm - Ảnh 1.

Tiêm ngừa vắc xin cúm giúp trẻ tránh bị các biến chứng nguy hiểm (Ảnh: Hội Bác sĩ Gia đình TP. Hồ Chí Minh).

Vì sao phải tiêm ngừa cúm hàng năm?

Virus cúm biến đổi mỗi năm và thành phần vắc xin ngừa cúm được điều chỉnh hàng năm nhằm phù hợp với chủng virus cúm đang lưu hành trên thế giới. Do đó, để "đối phó" với thời điểm virus cúm hoạt động mạnh hàng năm ở nước ta (dịch cúm mùa thường bùng phát ở nước ta vào khoảng từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau), bố mẹ nên đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin ngừa cúm vào giai đoạn bắt đầu mùa dịch cúm hàng năm (tháng 10, 11).

Nếu trẻ không tiêm ngừa cúm trong tháng 10, tháng 11, bố mẹ vẫn có thể đưa trẻ đi tiêm ngừa vào bất cứ thời điểm nào sau đó.

Dịch cúm đang vào đợt cao điểm, có 1 cách phòng ngừa đơn giản mà nhiều bố mẹ quên làm cho con - Ảnh 4.

Bố mẹ nên đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin ngừa cúm vào giai đoạn bắt đầu mùa dịch cúm hàng năm (tháng 10, 11).

Trẻ mấy tháng có thể tiêm ngừa vắc xin cúm?

Hiện nay vắc xin ngừa cúm chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Vì vậy, muốn tiêm ngừa cúm, bố mẹ cần đưa trẻ tới các trung tâm tiêm chủng dịch vụ.

Liều tiêm và lịch tiêm phòng vắc xin cúm ở trẻ em và người lớn cụ thể như sau:

- Trẻ em từ 6 đến 35 tháng tuổi: tiêm liều 0,25ml.

- Trẻ em từ 36 tháng tuổi trở lên: tiêm liều 0,5 ml.

Trẻ em dưới 9 tuổi nếu trước đây chưa bị cúm hoặc chưa từng tiêm vắc xin cúm thì nên tiêm 2 mũi. Mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng. Và sau đó tiêm nhắc lại mỗi năm một lần.

Giá vắc xin ngừa cúm dao động từ khoảng 275.000 - 335.000 đồng/liều.

Ngoài tiêm vắc xin, cha mẹ cần lưu ý những điều sau để hạn chế trẻ bị nhiễm cúm:

- Hàng ngày, nhỏ dung dịch nước muối sinh lý Natriclorid 9‰ vào mắt, mũi cho trẻ, súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng đối với trẻ lớn.

- Thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng với nước sạch (vệ sinh cả bàn tay người chăm sóc và cả cho trẻ), tránh tối đa việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

- Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt: cháo, sữa, hoa quả và uống nhiều nước.

- Tăng cường bú mẹ nếu trẻ còn bú mẹ.

- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm cúm.

- Hướng dẫn che miệng và mũi khi ho và hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy.

- Người mắc bệnh cúm cần mang khẩu trang khi chăm sóc trẻ.

- Tắm cho trẻ bằng nước ấm trong phòng kín gió, để tránh nhiễm lạnh.