Sáng 26/3, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch tả lợn châu Phi đã cuộc họp đầu tiên ra mắt với sự tham gia của nhiều bộ ngành. Tuy nhiên, trong cuộc họp đầu tiên, đại diện của các thành viên đóng vai trò quan trọng hỗ trợ phòng chống dịch như: Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia…đã vắng mặt.
Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến chiều 25/3 bệnh ASF đã xảy ra ở 447 xã, 84 huyện tại 21 tỉnh thành với tổng lợn bị tiêu hủy gần 65.000 con.
Các địa phương đã xuất hiện dịch ASF là: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Bắc Ninh, Thừa Thiên - Huế, Lai Châu và Bắc Giang.
Trong đó, ổ dịch lớn nhất đã xảy ra ở trang trại tại Đông Tảo, huyện Khoái Châu, Hưng Yên, với 4.500 con bị tiêu hủy. Hiện Thái Bình có số lợn bị tiêu hủy lợn nhất với 32.400 con, tiếp đó là Hưng Yên trên 11.600 con, Hải Phòng gần 11.000 con.
Theo Cục Thú y, virus ASF có sức đề kháng cao, có thể tồ tại trong xác động vật, trong thịt và các chế phẩm từ thịt lợn như xúc xích, dăm bông, salami…vài chục ngày đến 1.000 ngày (thịt động lạnh).
Virus ASF có khả năng chịu được nhiệt 56°C trong 70 phút, ở 70°C trong 20 phút, ở 100°C trong 1 phút. Vi rút có thể tồn tại trong môi trường có độ pH từ 3,5 - 11,5 và ở các dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, quần áo của người chăn nuôi trong nhiều ngày.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng NN&PNTT, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống bệnh ASF cho rằng, trước mắt cần xác định “sống chung” với bệnh ASF, thực hiện quyết liệt các biện pháp trước mắt, cũng như lâu dài là nghiên cứu vaccine.
Theo ông, dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm, xuất hiện trên thế giới từ năm 1921 đến nay, nhưng vẫn chưa có vaccine.
Hiện bệnh ASF đã lan tới hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các nước xung quanh Việt Nam, từ các nguồn tin chính thức và không chính thức đều đã xuất hiện bệnh ASF.
Đặc biệt là tại Trung Quốc, bệnh ASF dịch xuất hiện tại 28 tỉnh, buộc phải tiêu hủy trên 1,1 con lợn. Trung Quốc cũng đã phải chi trên 1 tỷ USD cho công tác phòng, chống dịch bệnh này.
Theo ông Cường, Việt Nam có khoảng 30 triệu con lợn, với tổng lượng thịt lợn cung cấp hàng năm trên 4 triệu tấn. Tuy nhiên, chăn nuôi nhỏ lẻ trong nước (khoảng 2,5 triệu hộ) vẫn chiếm khoảng 55% tổng đàn lợn. Còn lại với 45% là từ các trang trại, tuy vậy, không phải trang trại nào cũng được trang bị hiện đại để phòng chống dịch bệnh.
Lưu ý đến nhóm trang trại, Bộ trưởng Cường lưu ý, phải đảm bảo cho nhóm này chăn nuôi an toàn sinh học nhất, lớp lang nhất có thể.
“Các cơ quan chỉ đạo phòng chống dịch phải dùng điện thoại, vì đi lại nhiều khả năng lây nhiễm rất nguy hiểm. Nếu để dịch lây lan vào nhóm trang trại, thì không lấy đâu ra giống mà tái đàn”- Bộ trưởng cảnh báo.
Về nghiên cứu, sản xuất vaccine, Bộ trưởng cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng chỉ đạo tổ chức xây dựng và thực hiện Đề án nghiên cứu các đặc điểm dịch tễ, đặc điểm của virus bệnh ASF và vaccine phòng bệnh ASF, kể cả trường hợp liên kết với quốc tế, mua công nghệ sản xuất hoặc mua vắc xin (nếu có sẵn).
Bộ trưởng Cường cũng khẳng định, bệnh dịch tả lợn châu Phi chỉ nguy hiểm trên đàn lợn, nhưng không ảnh hưởng đến người và các loại vật nuôi khác, vì thế, cần tuyên truyền để người tiêu dùng không quay lưng, tẩy chay thịt lợn, nếu không sẽ "giết chết” cả một ngành hàng.