Cơ hội để bù doanh thu cả năm

Thời điểm cận Tết, các nhà hàng dịch vụ ăn uống đều đông khách do nhu cầu ăn tất niên từ cơ quan, các nhóm cá nhân và gia đình tăng cao.

Có những nhà hàng ngày thường vắng khách nhưng dịp cuối năm, do nhu cầu sử dụng dịch vụ ăn uống tăng cao nên đều kín chỗ. Chị Khiếu Hương - chủ nhà hàng Trăng Xanh ở phố Doãn Kế Thiện (Hà Nội) cho biết, nếu như những ngày thường, nhà hàng của chị chỉ đón chừng 20 thực khách thì dịp cuối năm, có những ngày cao điểm như từ 24 đến 27 Tết, lễ tân nhà hàng phải từ chối khách vì không đủ chỗ.

Tương tự, nhà hàng Season BBQ trên phố Bà Triệu cũng phải từ chối nhiều khách hàng đặt chỗ trước do không đủ chỗ. Nhân viên nhà hàng cho biết, có nhiều nhóm khách 7-8 người phải chấp nhận ngồi ghép vào bàn 4 mà không thể phàn nàn như những ngày bình thường.

Chị Thùy Anh - chủ nhà hàng Kiến ở phố Nghi Tàm cũng tất bật những ngày cuối năm do lượng khách đặt bàn tăng đột biến. Theo chị, lượng khách trung bình tăng khoảng 40% so với ngày thường do quán có chương trình khuyến mại tặng quà cho nhóm khách 4 người trở lên, có những ngày lễ tân của quán phải từ chối tới 50 cuộc điện thoại đặt bàn do không đủ chỗ.

Dịch vụ ăn uống, gửi xe đông nghẹt khách dù giá đắt 1
Quán Kiến vẫn đông khách ngày cuối cùng mở cửa dù nhiều người đã rời Hà Nội về quê ăn Tết.

Tuy vậy, chị cho biết, quán chỉ kinh doanh đến hết ngày 28 Tết vì muốn có thời gian nghỉ ngơi, cho nhân viên về ăn Tết sớm và tới ngày mùng 6 mới mở cửa trở lại.

Bàn về câu chuyện hốt bạc cuối năm của các cửa hàng dịch vụ ăn uống, chị thêm thông tin: "Nhà hàng, quán ăn hốt bạc chỉ là hiện tượng ảo bề ngoài. Nhiều hàng ăn hoạt động èo uột trong năm nhưng vẫn cố duy trì qua dịp Tết để thu lại chút ít vốn. Có không ít cửa hàng phải đóng cửa ngay sau dịp Tết Nguyên Đán vì không đủ sức tiếp tục kinh doanh".

Chỗ gửi xe tranh thủ "chặt chém"

Những ngày cận Tết, lượng phương tiện đổ về các khu trung tâm mua sắm, dịch vụ giải trí tăng lên đáng kể. Dù công nhân viên chức chỉ phải làm đến hết ngày 27 Tết, một phần không nhỏ đã tỏa về các địa phương ngoài Hà Nội đón tết nhưng lượng phương tiện ở nội đô vẫn không có dấu hiệu giảm tải ở những khu vực trung tâm.

Nhân dịp này, nhiều điểm trông xe tự phát đã mọc lên để tranh thủ kiếm thêm mấy ngày Tết.

Chợ hoa Hàng Lược vẫn là một điểm đến thu hút nhiều người dân đến sắm Tết. Do nằm ở khu phố cổ, lại nối với Hàng Mã - nơi cung cấp các sản phẩm trang trí Tết nên những ngày này phố Hàng Lược cấm hoàn toàn xe máy. Các điểm gửi xe tự phát đã mọc lên ở các điểm mút phố cấm. Giá gửi xe ở đây phổ biến từ 20.000-30.000 đồng/ chiếc xe máy. Dù vậy, nhiều người dân đi sắm Tết vẫn vui vẻ chấp nhận mức giá năm chỉ có 1 lần này. Nhiều hộ có nhà mặt đường thậm chí còn dừng công việc kinh doanh thường ngày để biến thành điểm gửi xe.

Bến xe Mỹ Đình dịp cận Tết lượng xe máy gửi vào bãi cũng tăng lên đột biến. Bất chấp lệnh cấm tăng giá của Bộ Tài chính, xe máy gửi trong bãi vẫn phải chấp nhận mức giá 10.000 đồng/xe.

Ở các điểm vui chơi như Royal City, Times City, Vincom… các cửa hàng dịch vụ vui chơi ăn uống vẫn được mở đến ngày 30. Các điểm gửi xe ở bên ngoài các điểm vui chơi giải trí này cũng thu hút một lượng khách gửi xe lớn, chủ yếu là xe máy do người dân không muốn mất thời gian gửi xe dưới hầm phía trong trung tâm.

Dịch vụ gửi xe ở khu trung tâm và các điểm có bắn pháo hoa sẽ còn hốt bạc cho đến hết đêm giao thừa. Phố phường Hà Nội chỉ được hưởng một buổi sáng yên tĩnh, vắng vẻ vào sáng sớm ngày mùng 1.

Ngoài dịch vụ ăn uống, các mặt hàng phục vụ Tết năm nay đều giảm so với năm trước. Đào, quất (tắc) và các sản phẩm trang trí năm nay giá mềm hơn năm trước nhưng lượng tiêu thụ lại khá chậm. Lượng khách đổ về các trung tâm mua sắm, chợ hoa phần nhiều là bát bố và "window shopping" cho thấy tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn và chưa có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn.