Lối sống hưởng thụ nhưng vẫn tiết kiệm
Một trong những sở thích gần đây nhất của Nam Ji-hyun, 33 tuổi, là nấu các bữa ăn thịnh soạn cho chồng mình bằng chiếc lò nướng vừa thuê được.
Vợ chồng cô sống trong căn hộ hai phòng ngủ đã được 1 năm. Gần đây, cô quyết định thuê một chiếc lò nướng bánh mì của thương hiệu Nhật Bản Balmuda với giá 21.900 KRW (hơn 400.000 đồng) mỗi tháng. Giá bán lẻ của chiếc lò mới như thế này sẽ rơi vào khoảng 300.000 KRW (khoảng 5,6 triệu đồng).
Không phải là một đầu bếp chuyên nghiệp và không thường xuyên nấu ăn ở nhà, cô Nam cảm thấy việc mua một chiếc lò nướng mới chẳng khác nào đang "ném tiền qua cửa sổ". Do chỉ đơn giản là muốn thử một vài công thức nấu ăn mới, nên thuê sẽ là lựa chọn phù hợp nhất đối với cô.
“Tôi đã thử hết các công thức mình thích, thú vị lắm, nhưng càng ngày tôi lại càng ít sử dụng lò nướng hơn, vì thế nên tôi đã trả lại rồi", cô Nam chia sẻ.
Không chỉ riêng cô Nam, rất nhiều người tiêu dùng Hàn Quốc đồng ý rằng các dịch vụ cho thuê đồ đang “thêm gia vị" vào chất lượng cuộc sống của họ, cho phép họ tận hưởng những tiện nghi nằm ngoài phạm vi thu nhập.
Chính vì nhu cầu đó, ngày càng có nhiều dịch vụ cho thuê xuất hiện ở Hàn Quốc, cung cấp mọi mặt hàng từ máy sấy tóc, TV màn hình phẳng cho đến xe đẩy, đồ chơi trẻ em hay các dụng cụ tập thể hình tại nhà.
Theo You Ho-seung, nhân viên tại công ty cho thuê Lotte Rental, dịch vụ của họ đang tạo điều kiện để khách hàng có thể tận hưởng “một cuộc sống tốt đẹp hơn" thông qua cách chi tiêu tiết kiệm.
Đối tượng tiêu dùng chính mà công ty hướng đến là nhóm khách hàng dùng thử. Đây là những người tiêu dùng muốn đánh giá chất lượng của sản phẩm trước khi bỏ số tiền lớn ra để mua.
Không nằm ngoài xu hướng, nhà bán lẻ trực tuyến Auction cũng đã tung ra dịch vụ cho thuê tạm thời dành cho những đôi vợ chồng son, cung cấp các thiết bị gia dụng với mức phí chỉ khoảng 33.000 won (hơn 600.000 đồng) cho mỗi tháng.
Lee Jin-young, người đứng đầu bộ phận bán hàng Living & Leisure của Auction cho hay: “Chúng tôi quyết định phát triển dịch vụ này vì nhận thấy xu hướng tiết kiệm của những đôi vợ chồng mới cưới trong việc thuê nhà".
Theo Choi Chul, giáo sư kinh tế học tiêu dùng tại Đại học nữ Sookmyung, nhu cầu thuê đồ dùng phát triển bắt nguồn từ việc người lao động được tăng lương rất chậm nhưng nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng lại ngày càng tăng cao. Nhiều người trở nên yêu thích lối sống sang trọng và đắt tiền, đặc biệt là trong việc tận hưởng những món đồ gia dụng tiện ích.
Giáo sư Choi tin rằng hiện tượng này là một xu hướng kinh tế, người tiêu dùng sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn từ việc thuê đồ ngắn hạn nhưng chi phí bỏ ra thì rẻ hơn nhiều. Ngoài ra, giới trẻ ngày càng quan tâm đến việc nấu ăn tại nhà cũng là một yếu tố góp phần đẩy mạnh dịch vụ cho thuê.
Tương lai của ngành cho thuê sẽ đi về đâu?
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc, quy mô thị trường cho thuê tại nước này đã tăng khoảng 48,6% kể từ năm 2011 và đạt mốc 25,9 nghìn tỷ won tính đến năm 2016.
Số lượng người sống một mình ngày càng tăng, xu hướng sống tối giản và sành điệu của giới trẻ Hàn Quốc chính là tín hiệu tốt cho thị trường cho thuê.
Jung Song-joo, 26 tuổi, là một người đam mê thời trang. Cô thích thử nhiều phong cách khác nhau nhưng mức lương hiện tại không đủ khả năng để đáp ứng mong muốn đó. Chính vì thế, Jung đã tìm đến các dịch vụ cho thuê quần áo.
“Chi phí thuê chưa bằng một nửa so với mua mới. Thuê đồ giúp tôi trải nghiệm được những phong cách mới, không làm chật tủ quần áo mà cũng chẳng cần phải tốn tiền giặt là", Jung chia sẻ.
Bất chấp những phản hồi tốt như vậy, các dịch vụ cho thuê vẫn cần thêm một thời gian để ổn định mô hình kinh doanh và lợi nhuận. Nhiều dự án cho thuê đã nổi lên từ năm 2016 nhưng lại sớm biến mất chỉ 1 năm sau đó.
Đầu tư nhiều tiền hơn, xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp công tác vận chuyển là những yếu tố cần thiết để dịch vụ cho thuê tiếp tục phát triển và tiếp cận được với nhiều đối tượng khách hàng mới.
Còn với những người đã quen sử dụng dịch vụ như Nam, cô sẽ tiếp tục thuê nhiều thứ khác như loa nghe nhạc hoặc một chiếc xe đẩy hàng hiệu cho em bé: “Một số người có thể nghĩ rằng việc sử dụng những món đồ đắt tiền vượt quá ngân sách là đua đòi. Nhưng ngày nay, ai cũng có quyền tiếp cận với những thứ xa xỉ hơn”.