Điển hình như vụ tai nạn xảy ra vào trưa 8/2 vừa qua trước cổng trường tiểu học Hà Huy Giáp (phường Trảng Dài, TP Biên Hòa) khiến 1 bé gái lớp 3 tử vong, đã dấy lên những lo ngại của phụ huynh học sinh về loại dịch vụ này.
Trưa 8/2, xe đưa rước học sinh mang BKS 60B-043.93 đậu trên vỉa hè trước cổng trường tiểu học Hà Huy Giáp (phường Trảng Dài, TP Biên Hòa) để các em vào trường học ca chiều.
Trong các học sinh xuống xe thời điểm đó có em P.Q.C.(học sinh lớp 3/18, trường tiểu học Hà Huy Giáp) sau khi xuống đã đứng trước đầu xe đưa rước. Tài xế cho quay đầu xe nhưng thiếu quan sát nên đã đụng trúng em C. khiến em học sinh này tử vong.
Điều đáng nói là nếu trên xe có cô giáo đi kèm hoặc có phụ xe thì chắc chắn vụ tai nạn đau lòng này đã có thể tránh được.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tai nạn đau lòng liên quan đến dịch vụ đưa rước học sinh. Trước đó, vào tháng 11/2022 cũng liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn ở Sơn La và Đắk Lắk liên quan đến xe ô tô đưa đón, khiến 2 học sinh tử vong.
Vụ tai nạn ở Sơn La thì do cánh cửa xe bị bung ra khiến 3 em học sinh rơi xuống đường, còn vụ tai nạn tại Đắk Lắk do sự bất cẩn của tài xế quên không đóng cửa xe khiến 1 em học sinh rơi xuống đường và bị chính phương tiện này cán qua dẫn đến tử vong.
Hàng loạt những vụ tai nạn đau lòng cứ diễn ra khiến cho phụ huynh học sinh cảm thấy thật sự bức xúc và đặt câu hỏi về chất lượng:
"Như mình thấy phương tiện này tài xế họ chạy cũng chưa được yên tâm cho lắm, rồi những cái tai nạn như vụ mà báo chí mới đăng đó nó thương tâm quá, phải chi mà có những biện pháp chế tài hay có những cái gì đó để cho những anh tài xế cẩn thận hơn. Hay là tăng thêm người hỗ trợ các anh đó chẳng hạn, trên xe có thêm cô giáo để điều tiết cho các em lên xuống, vào trường như thế nào thì sẽ yên tâm hơn".
"Các cái xe đưa rước học sinh thì tôi thấy đi cũng rất là ẩu và thiếu quan sát. Mong các cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp quản lý, theo dõi những phương tiện như thế này để mà đảm bảo an toàn cho các em".
Ghi nhận tại một số trường học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và TP.HCM vào các khung giờ đưa đón học sinh, tình trạng các xe hợp đồng đưa rước học sinh chạy ẩu, dừng, đậu xe sai quy định diễn ra phổ biến. Đặc biệt, phần lớn các xe đưa rước chỉ ghé sát lề đường rồi để các em học sinh tự xuống xe đi vào trường mà không hề có người quản lý, trông coi trong khi xung quanh lượng phương tiện rất đông.
Về đảm bảo an toàn cho học sinh, ông Đỗ Huy Khánh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Đồng Nai cho biết: “Sở Giáo dục và đào tạo yêu cầu tất cả các trường học khi mà đứng ra tổ chức xe đưa rước học sinh thì trước cổng trường phải có bảng hướng dẫn, trên xe thì phải có người đưa đón các cháu.
Tức là ngoài tài xế ra là đã chỉ đạo phải có phụ xe hoặc các cô đi theo các chuyến xe để đảm bảo an toàn. Bời vì những học sinh học lớp tiểu học hay mẫu giáo rất là nhỏ và rất hiếu động, không thể quản lý được nếu không có người”.
Ông Nguyễn Phan Trong – Chánh thanh tra Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho rằng để chấn chỉnh tình trạng này thì ngoài việc các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra thì còn phải có sự phối hợp của nhà trường và phụ huynh học sinh: “Giải pháp mà để lâu dài để tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn học sinh ngoài việc tăng cường kiểm tra của lực lượng chức năng thì còn phải có sự phối hợp kiểm tra và quản lý của nhà trường và các phụ huynh học sinh. Trong đó nhà trường có những xe đưa đón học sinh cũng phải thường xuyên kiểm tra việc học sinh lên xuống có người trông coi”.
Từ những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra trong thời gian vừa qua, cho thấy các đơn vị chức năng đặc biệt là các trường học cần phải có trách nhiệm hơn trong việc thường xuyên phối hợp để quản lý các loại phương tiện dùng để đưa rước học sinh, chỉ những phương tiện nào đáp ứng được những yêu cầu về an toàn mới được ký hợp đồng.
Ngoài ra, cũng nên bổ sung những chế tài rõ ràng đối với những trường học hoặc đơn vị vận tải nào làm trái quy định, có như vậy mới ngăn chặn được những vụ tai nạn đau lòng xảy ra trong tương lai./.