Bánh cuốn được gọi tên theo làng nghề truyền thống làm ra món bánh này - làng Thanh Trì (thuộc phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Bánh cuốn làng Thanh Trì làm từ gạo tẻ ngon, bánh không có nhân, tấm bánh mỏng manh được phết một lớp mỡ hành phi bóng bẩy, thơm phức. 

Lớp mỡ hành phi trên bề mặt của bánh vừa giúp cô hàng bóc từng lớp bánh dễ hơn mà miếng bánh ăn cũng thêm mềm, thơm. Từng miếng bánh cuốn khéo léo xếp chồng lên nhau, óng ả, tinh tươm. Vị thanh nhẹ của gạo tẻ ngon, thơm nồng mùi mỡ hành chấm cùng chút nước mắm pha chế khéo léo mang đến một bữa ăn thanh cảnh mà ngon miệng cho bất cứ ai. 


Ảnh: internet

Bánh cuốn Thanh Trì không nhân nên người ta thường ăn kèm một vài món phụ, đặc biệt là chả quế. Miếng chả thịt thơm tho hợp vị vô cùng với miếng bánh cuốn mịn màng và nước chấm đậm đà. Nhưng trong bát có thêm vào lát đậu Hoàng Mai rán giòn mới thấy hết được hương vị vượt bậc của những món ăn dân giã. Chẳng vậy mà nhà văn Thạch Lam đã từng thốt lên "“Này đây mới là món quà chính tông: bánh cuốn ăn với chả lợn béo, hay với đậu rán nóng.”

2. Bánh cuốn trứng Lạng Sơn

Bánh cuốn trứng được liệt vào hàng đặc sản mà bạn nhất định phải thử khi đến thăm vùng đất xứ Lạng. Cũng vẫn là thứ bánh cuốn được làm từ bột gạo xay mịn rồi tráng mỏng nhưng phần nhân bánh thì rất đặc biệt, đó là nhân trứng gà. Khi tráng bánh, người bán sẽ nhanh tay đập một quả trứng vào giữa, trứng được hấp chín vừa tới trong lá bánh. Tiếp theo, người nấu sẽ dùng một chiếc đũa tre dẹp để cuộn bánh rồi bày ra đĩa. Khi ăn, hương vị dẻo quánh của bánh cuốn quyện với vị ngậy thơm của trứng sẽ làm thực khách cứ nhớ mãi. 

 Bánh cuốn trứng Lạng Sơn phải ăn lúc còn nóng mới ngon, khi ăn có thể gia giảm thêm chút măng ớt, đặc sản của cứ Lạng. - Ảnh: Iris Trương

Bánh cuốn trứng phải ăn ngay lúc nóng và chấm với nước chấm pha bằng loại giấm đặc trưng chỉ xứ Lạng mới có. Giấm được trộn với xì dầu, đường, thịt kho chà nhuyễn, rau mùi rồi đun nóng lên, xong cho ra bát phục vụ thực khách. Khi dùng khách còn nêm thêm măng ớt ngâm cũng là loại đặc sản khác của Lạng Sơn - tạo cho nước chấm mùi vị vừa thanh thanh, vừa hăng hăng và thơm mùi măng ớt rất riêng biệt.  
 
3. Bánh cuốn chả Phủ Lý

Khách có việc đi qua Phủ Lý thường mách nhau dừng lại ăn suất bánh cuốn chả nổi tiếng ở đây. Bánh cuốn ở đây là dạng bánh cuốn nóng, ăn đến đâu tráng đến đấy, ăn kèm với chả nướng nóng hổi, nước chấm, rau sống.
 
 
Chả được làm từ thịt ba chỉ ngon được ướp với mắm, tiêu và một số loại gia vị khác rồi kẹp que tre nướng. Khi xiên thịt chín tới, người bán trút tất cả vào bát nước chấm cùng dưa góp làm từ đu đủ xanh giòn sần sật rồi phục vụ cùng đĩa bánh cuốn trắng tinh tươm và một rổ rau thơm xanh mơn mởn. Nước chấm bánh cuốn cũng được pha chế cầu kì và luôn được giữ ấm

 
4. Bánh cuốn chan canh Cao Bằng, Hà Giang

Cái tên là lạ của bánh cuốn chan canh đã thu hút sự tò mò của biết bao thực khách, để đến khi ăn rồi thì món ăn lại trở thành món quà phải ăn lại mỗi khi ghé thăm vùng đất này. Thực ra cách làm bánh cuốn chan canh không khác nhiều so với cách làm bánh cuốn thông thường, phần bánh được làm từ bột gạo hấp tráng mỏng.

Nhưng điều làm lên đặc trưng của thức quà nơi cao nguyên đá này: nước chấm. Nước chấm không phải là thứ nước chấm pha từ nước mắm hay xì dầu mà nước chấm lại được làm từ nước hầm xương, nóng hổi và rắc hành lá cùng rau mùi thái nhỏ. Tùy thực khách gọi, có thể ăn thêm 1-2 khúc giò, xắt đôi miếng hoặc thả nguyên bánh vào bát canh để bánh thấm đẫm vị ngọt của nước xương, mùi thơm của hành lá trước khi đưa lên miệng.

5. Bánh cuốn Quảng Ninh

Từ lâu chả mực đã thành niềm tự hào của người Quảng Ninh. Món bánh cuốn chả mực cũng không ngoại lệ, luôn hấp dẫn du khách từ muôn phương đến với mảnh đất này. Bánh cuốn chả mực cầu kỳ hơn những món bánh cuốn khác, khi sự đòi hỏi chất lượng phải đảm bảo ở cả chả mực, bánh cuốn và nước chấm. Nước chấm nếu thiếu chút hạt tiêu thơm cay thì coi như hỏng. Còn chả mực ăn mà không giòn, không ngọt lừ, đưa đẩy cho miếng bánh cuốn mềm mại, nóng hổi thì cũng phí cả món ăn.

bánh cuốn quảng ninh

Đĩa bánh cuốn nóng hổi tráng mỏng tang nhìn rõ những viên mộc nhĩ (nấm mèo), thịt nạc, tôm nõn cuộn tròn bên trong. Chả mực được cắt đôi. Bát nước chấm sóng sánh lát ớt, chờ đợi người ăn thả ngập miếng bánh, lát chả, nhúng thêm cọng rau thơm và thưởng thức mới thấy được vì sao món này được liệt vào danh sách món phải ăn khi đến Quảng Ninh.

6. Bánh cuốn tôm Thái Bình

Là đặc sản của thị trấn Diêm Điền, món bánh cuốn nhân tôm đã làm say lòng biết bao thực khách, đến mức người ta còn có cả câu thơ:

Bánh cuốn mà cuộn nhân tôm
Để ăn buổi sớm đến hôm lại thèm.


Không giống như các loại bánh cuốn nhân thịt khác, phần nhân của bánh cuốn ở đây được làm từ tôm, và phải là loại tôm vàng loại tôm có vỏ rất mỏng, thịt nhiều và thơm. Tôm sau khi hấp chín sẽ được băm nhỏ cùng thịt ba chỉ luộc chín rồi trộn với mộc nhĩ, hành củ, dầu gấc và xào nhỏ lửa. Mỗi cuốn bánh nhìn óng ả với phần nhân vàng ươm tỏa sáng dưới lớp bột áo trắng tinh thật quyến rũ biết bao.

7. Bánh cuốn làng Kênh Nam Định

Bánh cuốn làng Kênh được đánh giá là một món quà đặc sản của người dân Thành Nam từ xưa đến nay. Trước đây bánh còn được dùng để tiến vua, trải qua bao tháng năm nơi đây vẫn giữ được chất lượng cổ truyền của bánh. Điểm đặc biệt đó là công thức làm bánh chỉ truyền cho con dâu trong gia đình.

Bánh cuốn nơi đây hơn hẳn các vùng khác về độ mỏng, mịn và trắng, khi ăn chấm với nước mắm đã pha cùng gia vị thêm chút tinh dầu cà cuống thơm lừng. Trải qua bao đời món ăn này vẫn giữ được hương vị riêng, chiều lòng cả những thực khách khó tính nhất.

8. Bánh cuốn Hưng Yên

Bánh cuốn Hưng Yên cũng có lớp vỏ mỏng như bánh cuốn thông thường nhưng sau khi bánh chín sẽ được cuốn với chút nhân thịt băm và hành khô thành hình ống và xếp lên thành chồng. Bánh cuốn Hưng Yên được ăn kèm với nước chấm có hòa cùng chút nhân bánh và vài lát ớt đỏ. Chính vì được làm theo dạng cuốn này mà bánh cuốn Hưng Yên có thể được mua làm quà cho khách phương xa.

bánh cuốn mễ sở
Ảnh: laodong