Xôi là một trong những món ăn không thể thiếu trong mâm cúng mỗi dịp Tết. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách đồ xôi để làm lần nào, ngon lần đấy. Không ít chị em sẽ gặp tình trạng khi thì xôi bị nhão, khi nát phần dưới, cứng phần trên. 

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ mách chị em những bí kíp để hạn chế tình trạng "xôi hỏng bỏng không".

Điểm danh những sai lầm khiến món xôi "trên cứng, dưới nát": Tết này muốn đồ xôi thành công, chị em cần ghi nhớ 3 mẹo nhỏ sau đây!  - Ảnh 1.

Xôi nát thế này sao mà dám bày lên mâm cúng

1. Không ngâm gạo quá 8 tiếng

Gạo nấu xôi chỉ nên được ngâm tối đa 8 giờ. Nếu thời gian ngâm dài hơn, gạo dễ bị chua, xôi sẽ không thơm. Khi hấp xôi, muốn tránh cảnh trên khô dưới nhão, bạn đừng bao giờ cho gạo quá nhiều hay nén gạo quá chặt, khiến các lỗ thông hơi bị bít kín.

Để tránh trường hợp này, khi cho gạo vào nồi, chị em hãy dùng tay rải nhẹ từng nắm gạo vào chõ, chừa lại 1 - 2 lỗ thông hơi ở giữa chõ, lấy khăn ẩm trùm bên ngoài chõ hấp xôi để giữ nhiệt cho xôi, tránh xôi bị mất nước, như vậy xôi sẽ chín đều và dẻo.

Điểm danh những sai lầm khiến món xôi "trên cứng, dưới nát": Tết này muốn đồ xôi thành công, chị em cần ghi nhớ những mẹo nhỏ sau đây!  - Ảnh 2.

Lượng nước cho vào nồi hấp cũng chỉ nên chiếm 1/3 dung tích nồi. Cho quá nhiều nước sẽ tạo ra lượng hơi nước lớn. Đây chính là nguyên nhân khiến phần xôi phía dưới sẽ bị nhão.

Chị em nên chú ý rằng khi nước ở nồi hấp sôi thì mới được đặt chõ hấp xôi lên, giữ lửa vừa và đều! Thường thì cứ 10 phút bạn nên mở nắp chõ, lau khô hơi nước bám trên mặt vung để tránh chúng nhỏ xuống xôi và tiện thể đảo đều gạo 1 lần.

Mẹo nhỏ: Bạn nên cho một chiếc đĩa sành nhỏ vào nồi để theo dõi lượng nước bên trong còn nhiều hay ít. Nếu đang đun mà nghe tiếng "lạch cạch" nghĩa là lượng nước dùng đồ xôi vừa cạn. Bạn cần tắt bếp để nồi không bị cháy, hoặc cho thêm nước đun tiếp nếu xôi chưa thật chín.

2. Không nên cho các nguyên liệu khác vào chõ đồ xôi ngay từ đầu

Một số chị em thường đồ xôi và hấp gà cùng một lúc vì nghĩ rằng nước gà sẽ làm xôi ngọt thơm hơn. Tuy nhiên, cách làm này khiến cho xôi bị ngấm quá nhiều nước từ gà, các lỗ thông hơi ở dưới chõ đồ bị bịt kín dẫn tới nhũn và nhão nhoét rất mất thẩm mỹ và không ngon.

Nhiều người thường đồ xôi lạc, xôi đỗ đen, đỗ xanh cùng lúc. Cách làm này cũng khiến xôi không chín đều. Thông thường xôi đỗ xanh đã được ngâm kĩ thường chín trước, sau đó đến xôi đỗ đen chín và xôi lạc chín sau cùng. 

Điểm danh những sai lầm khiến món xôi "trên cứng, dưới nát": Tết này muốn đồ xôi thành công, chị em cần ghi nhớ những mẹo nhỏ sau đây!  - Ảnh 3.

Nếu đồ 3 loại xôi cùng lúc thì tới khi chúng đều chín, những loại xôi chín trước sẽ bị nhão và nở bung do đồ quá lâu.

3. Mẹo chữa xôi bị sống, khô

Nếu không may mẻ xôi của bạn bị sống, khô, cũng đừng vội hoảng loạn đổ ụp tất cả vào thùng rác.

Chị em có thể khắc phục tình trạng này bằng cách vẩy thêm chút nước lên mặt xôi, sau đó lấy 1 chiếc khăn xô, nhúng đẫm nước, phủ kín mặt xôi, đậy nắp kín lại, đem hấp tiếp cho đến khi xôi chín. 

Điểm danh những sai lầm khiến món xôi "trên cứng, dưới nát": Tết này muốn đồ xôi thành công, chị em cần ghi nhớ những mẹo nhỏ sau đây!  - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Với những thông tin và gợi ý này, hy vọng chị em sẽ thành công với món xôi trong dịp Tết sắp tới.