Buổi lễ thu hút sự tham gia của gần 400 đại biểu đại diện cho nhiều bộ ngành, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các cơ quan liên quan, các đại sứ quán, các tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia, sinh viên, các câu lạc bộ và các cơ quan thông tấn báo chí.
Thông qua buổi lễ Mít tinh đã đưa ra thông điệp là kêu gọi cộng đồng, đặc biệt là các thế hệ trẻ, đoàn viên, thanh niên nâng cao nhận thức hơn nữa về tính đa dạng sinh học, cùng chung tay quan tâm và có các hành động thiết thực để bảo tồn đa dạng sinh học ở nước ta và trên thế giới. 
 
Tại buổi lễ, Dự án Phát triển các hoạt động thương mại sinh học Bio Trade tại Việt Nam - Helvetas Swiss Intercooperation và Cục Bảo tồn đa dạng sinh học đã công bố kết quả khảo sát nhận thức về đa dạng sinh học. Khảo sát điều tra mức độ thay đổi trong nhận thức của người dân trên thế giới về đa dạng sinh học nhằm đạy được các mục tiêu năm 2020 của Liên Hợp Quốc. Đây là năm đầu tiên Việt Nam tham gia cùng 13 quốc gia khác thực hiện khảo sát này.
 
Điểm lại buổi Mít tinh hưởng ứng Ngày quốc tế đa dạng sinh học 1
 
Khảo sát được tiến hành thông qua phỏng vấn trực tuyến 1000 người tiêu dùng Việt Nam trong độ tuổi từ 18-50 tuổi. Kết quả chung cho thấy mặc dù người tiêu dùng Việt Nam có nhận thức cao về đa dạng sinh học nhưng vẫn còn khoảng trống giữa nhận thức và kiến thức về vấn đề này. Một số kết quả của khảo sát: 92% người được hỏi mong đợi các công ty coi trọng giá trị đa dạng sinh học trong các chính sách về nguồn cung cấp, nhưng chỉ có 61% tin rằng các công ty đã quan tâm đầy đủ đến nguồn cung hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học; 55% cho rằng mỗi cá nhận đều phải đóng góp vào việc bảo vệ đa dạng sinh học. Kết quả của khảo sát này sẽ đóng vai trò quan trọng cho các công ty đầu tư vào thị trường Việt Nam và hỗ trợ triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.
 
Từ năm 2000, Liên hợp quốc đã chọn ngày 22/5 hàng năm là Ngày quốc tế đa dạng sinh học, với mục tiêu tăng cường hiểu biết và nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề liên quan đến đa dạng sinh học trên thế giới. Ngày 23 tháng 4 năm 2014, Việt Nam chính thức gia nhập và trở thành thành viên thứ 31 của Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen trong khuôn khổ Công ước Đa dạng sinh học (Nghị định thư về ABS). 
 
Vào ngày 19/5/2014 vừa qua đã diễn ra buổi hội thảo “Tăng cường năng lực đối với vấn đề tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích: Các nguyên tắc, quy chế và thực hành” với sự hiện diện của Cục bảo tồn Đa dạng sinh học, HELVETAS Vietnam và bà Julia Maria Oliva (chuyên gia Union for Ethical BioTrade UEBT) đã đạt những kết quả tốt đẹp. Nhằm hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu và các địa phương sở hữu những nguồn gen quý hiếm triển khai các hoạt động nghiên cứu, hợp tác quốc tế và tiến tới thương mại bền vững các nguồn gen quý hiếm, dự án BioTrade đã và đang triển khai nhiều hoạt động tập huấn và nâng cao trình độ cho các cán bộ nhà nước cũng như các doanh nghiệp dược lớn tham gia vào dự án. 
 
Thương mại sinh học (BioTrade) là một khái niệm do Tổ chức Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (United Nations Conference on Trade and Development – UNCTAD) xây dựng và phát triển từ năm 1996. BioTrade được định nghĩa là “các hoạt động thu hái, sản xuất và kinh doanh buôn bán hàng hóa và dịch vụ có nguồn gốc từ đa dạng sinh học tự nhiên, theo các tiêu chuẩn bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế”.
 
Cuộc thi "Thử tài tìm hiểu về Tự Nhiên" do dự án BioTrade tổ chức. Viện Dược Liệu là đơn vị đồng hành. Cuộc thi dành cho mọi công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, diễn ra từ ngày 14/05/2014 đến ngày 3/6/2014. Cuộc thi nhằm khuyến khích mọi công dân Việt Nam có những suy nghĩ hành động đến tự nhiên. Tác phẩm dự thi có thể là những ý tưởng sáng tạo hay giải pháp mang tính thực tiễn liên quan đến cuộc sống xung quanh ta.