Tối 29/10/2022, vụ giẫm đạp kinh hoàng xảy ra trong lễ hội Halloween tại phố Itaewon, quận Yongsan của thủ đô Seoul (Hàn Quốc) khiến 153 người thiệt mạng, trong đó có nhiều người nước ngoài và 103 người khác bị thương.
Trước đó, thế giới từng chứng kiến nhiều vụ giẫm đạp khiến hàng trăm người thương vong trong các sự kiện tập trung đông người.
Sân vận động Kanjuruhan, Indonesia
Ngày 1/10/2022, hơn 130 người đã thiệt mạng trong vụ giẫm đạp và bạo loạn xảy ra tại sân vận động Kanjuruhan ở thành phố Malang, tỉnh Đông Java của Indonesia. Sau khi trận đấu giữa hai đội Arema FC và Persebaya Surabaya kết thúc với tỷ số 2-3, do thất vọng vì đội nhà thua cuộc, các cổ động viên của Arema FC đã lao vào sân, buộc cảnh sát phải dùng hơi cay để kiểm soát tình hình, dẫn đến việc đám đông giẫm đạp lên nhau.
Theo kết luận của cơ quan điều tra, khi thảm họa xảy ra, các nhân viên an ninh làm việc tại sân vận động đã không có ý thức được việc hơi cay bị cấm sử dụng tại các trận thi đấu bóng đá và đã dùng những biện pháp quá mức.
Sân vận động Dar es Salaam, Tanzania
Ngày 21/3/2021, 45 người đã chết thương tâm tại một sân vận động ở Dar es Salaam, thủ đô kinh tế của Tanzania, nơi đang tổ chức lễ tưởng nhớ cố Tổng thống John Magufuli.
Núi Meron, Israel
Ngày 30/4/2021, một đám đông hành hương trong kỳ nghỉ lễ của người Do Thái từ Lag Ba'omer đến Núi Meron ở miền bắc Israel đã giẫm đạp lên nhau, khiến ít nhất 45 người thiệt mạng.
Lễ tang tướng Soleimani, Iran
Ngày 7/1/2020, một vụ giẫm đạp khiến ít nhất 40 người thiệt mạng và 213 người bị thương xảy ra trong đám tang vị tướng Iran, Thiếu tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Ông Suleimani được người Iran xem là anh hùng dân tộc vì dẫn dắt lực lượng đặc nhiệm Quds. Ông đã bị giết vào ngày 3/1/2020 trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ bên ngoài sân bay Baghdad.
Bishoftu, Ethiopia
Ngày 2/10/2016, ít nhất 52 người chết (theo số liệu công bố của cơ quan chức năng) trong một vụ giẫm đạp đông người ở Bishoftu, cách Addis Ababa 50 km về phía đông nam.
Được biết đây là cuộc đụng độ giữa đám đông và cảnh sát trong lễ hội Oromo Irreecha truyền thống kết thúc mùa mưa.
Thánh địa Mecca, Ả rập Xê út
Ngày 24/9/2015, một cuộc xô xát xảy ra ở Mina - địa điểm tổ chức nghi thức ném đá ma quỷ gần thánh địa Mecca đã khiến khoảng 770 người thiệt mạng và hơn 800 người bị thương. Đây là thảm họa chết chóc nhất trong lịch sử của lễ hành hương Hajj.
Vụ giẫm đạp xảy ra trong lúc đang diễn ra nghi thức "ném đá quỷ dữ". Hơn 220 xe cứu thương và 4.000 nhân viên cứu hộ đã được điều đến hiện trường.
Bộ trưởng Y tế Ả rập Xê út cho biết những người hành hương vô kỷ luật gây ra vụ việc và nói rằng thảm kịch này sẽ không xảy ra nếu họ tuân theo các hướng dẫn. Ông Khaled al-Falih cho hay nhiều người hành hương đã di chuyển mà không tuân thủ lịch trình thời gian do giới chức thiết lập. Đây là "lý do chính dẫn đến kiểu sự cố này".
Đảo Kim Cương, Campuchia
Ngày 22/11/2010, một vụ xô đẩy, giẫm đạp trong đám đông xảy ra tại Đảo Kim Cương, Phnom Penh (Campuchia), cướp đi sinh mạng của ít nhất 345 người, trong đó có 240 phụ nữ và hơn 750 người bị thương.
Đền Naina Devi, Ấn Độ
Ngày 3/8/2008, 145 người chết và 48 người bị thương trong vụ giẫm đạp xảy ra tại lễ hội ở khu vực Đền Naina Devi ở bang Himachal Pradesh, miền Bắc Ấn Độ. Hàng nghìn tín đồ hành hương hoảng loạn chen lấn, xô đẩy do có tin đồn xảy ra lở đất.
Chưa đầy 2 tháng sau, vụ giẫm đạp ở Himachal Pradesh, Ấn Độ tiếp tục xảy ra vụ giẫm đạp khác ở đền Chanmunda Devi tại thành phố Jodhpur thuộc bang Rajasthan, miền Tây Ấn Độ.
Vụ giẫm đạp ở Jodhpur diễn ra vào ngày 30/9/2008 khiến ít nhất 168 người thiệt mạng và 100 người bị thương. Sự việc xảy ra khi có thông tin giả rằng có bom tại ngôi đền khiến nhiều người hoảng sợ và giẫm đạp lên nhau.