Đã có thời, loài người chúng ta nằm dưới sự "thống trị" của chế độ mẫu hệ - một chế độ mà người phụ nữ nắm quyền lực tối cao trong dòng họ và thậm chí là một trụ cột vững chắc trong gia đình. Tuy nhiên, có lẽ ngày nay chế độ mẫu hệ này đã trôi xa trở thành một phần trong lịch sử của tiến trình phát triển xã hội. Nhưng nói thế không có nghĩa là chế độ này đã hoàn toàn diệt vong, bởi lẽ vẫn còn một số dân tộc hiếm hoi trên thế giới giữ lấy nó và coi đó là nét văn hóa vô cùng đặc sắc của dân tộc mình.
Bất ngờ hơn là ở những bộ tộc vẫn còn duy trì chế độ mẫu hệ đến tận ngày nay này thì người phụ nữ có nhiều quyền lực vượt xa cả trí tưởng tượng của chúng ta. Họ xem vai trò của đàn ông chỉ là duy trì nòi giống, phụ nữ nắm giữ trong tay tất cả tài sản của gia đình, quyền lực của xã hội, bao gồm cả việc có thể "tình một đêm" thoải mái với đàn ông mà chẳng sợ ai có ý kiến gì…
Bộ tộc Musuo: Mỗi gia đình đều có một "nữ tướng", khái niệm "bố" hoàn toàn không tồn tại
Musuo là dân tộc thiếu số sống theo chế độ mẫu hệ còn sót lại duy nhất ở Trung Quốc. Hiện nay dân tộc này có khoảng 40.000 người và sinh sống ở những ngôi làng dọc theo hồ Lugu (Tứ Xuyên, Trung Quốc). Tại đây, chế độ mẫu hệ được thể hiện rõ ràng trong từng gia đình khi luôn luôn có một người phụ nữ đóng vai trò là "nữ tướng", cai quản lương thực, tài sản đất đai và có quyền quyết định tất cả mọi việc của tất cả các thành viên còn lại. Bất ngờ là chế độ này đã duy trì tại đây ít nhất là 2.000 năm qua.
Điều đặc biệt nữa là bộ tộc Musuo hoàn toàn không có khái niệm về một gia đình kiểu mẫu với một vợ một chồng, cùng chăm sóc con cái. Thay vào đó, phụ nữ của bộ tộc Mosuo có quyền qua lại và có con với bất cứ người đàn ông nào họ muốn. Họ cũng không có khái niệm kết hôn hay ly dị. Họ cứ thoải mái trong chuyện "tình một đêm" từ năm 13 tuổi cho đến khi nào chán thì thôi.
Ở đây, khái niệm về người cha cũng không tồn tại. Khi phụ nữ Musuo có thai, gia đình cô gái sẽ nhận việc chăm lo và coi sóc cho cô ấy cũng như là tương lai của đứa trẻ sau này. "Tác giả" của bào thai vẫn được quyền đến thăm con nhưng không được bế về nhà mình, cũng không cần phải có trách nhiệm gì cả và họ cũng chỉ được đứa bé gọi là "chú" hoặc "bác" chung chung.
Nhưng nói thì nói vậy, có nhiều phụ nữ Musuo vẫn chọn cách gắn bó với một người đàn ông duy nhất khi có con với người đó.
Bộ tộc Minangkabau: Đàn ông chỉ có chức năng gì trì nòi giống, không được ở nhà vợ vào ban ngày
Bộ tộc Minangkabau là một bộ tộc duy trì chế độ mẫu hệ khá nổi tiếng tại phía tây đảo Sumatra, Indonesia. Theo đó, người phụ nữ ở đây có vị trí hoàn toàn tối cao trong gia đình, từ việc nằm giữ tài sản cho tới việc ra quyết định trong những chuyện nội bộ. Trái lại, đàn ông ở đây thì lại chỉ đóng giữ vai trò duy trì nòi giống, không hơn không kém.
Và cũng chính vì vai trò như trên, nên việc kết hôn tại bộ tộc Minang kabau này cũng được nhà gái đòi hỏi rất khe khắt vì muốn cho con cháu sau này của mình có được những tố chất tuyệt vời được di truyền từ người cha. Đầu tiên, khi muốn cưới một cô gái trong bộ tộc làm vợ, thông thường đàn ông ở đây đều phải là những người có một số lượng tài sản nhất định, chọn cô gái càng có gia thế thì chàng trai phải càng chú trọng vào vấn đề gia sản này. Tiếp đó, nhà gái sẽ xem xét tỉ mẫn những tiêu chí khác như trí thông minh, ngoại hình, nguồn gốc gia tộc…
Một điều đặc biệt cũng được sinh ra từ quan niệm đàn ông chỉ có duy trì nòi giống như trên là sau khi kết hôn, đàn ông Minangkabau chỉ được ở nhà vợ mình vào ban đêm để thực hiện "nghĩa vụ" cũng như là chức năng sinh sản, còn ban ngày thì các anh ta bị buộc phải trở về nhà mẹ đẻ mà phụ giúp công việc gia đình. Và nếu một người đàn ông nào đó cả gan đối xử tệ bạc với vợ, anh ta sẽ bị đuổi vĩnh viễn khỏi nhà vợ, thậm chí là bị cộng đồng bộ tộc này tẩy chay.
Bộ tộc Garos: Phụ nữ muốn có chồng thì chỉ việc chỉ tay, chồng muốn làm gì đều phải hỏi ý vợ
Garos là một trong số ít những bộ tộc mẫu hệ còn sót lại trên thế giới, sinh sống ở Meghalaya, Ấn Độ và các khu vực lân cận của Banglades. Tại đây, cũng như bao bộ tộc duy trì chế độ mẫu hệ khác thì phụ nữ luôn là người nắm quyền trong gia đình một cách tuyệt đối. Nhưng họ lại có cách vận hành bộ máy gia đình của mình đặc biệt như sau: Cô con gái út trong mỗi gia đình sẽ là người kế thừa quyền hành và tài sản từ mẹ mình, trong khi những đứa con trai tới tuổi dậy thì đều phải rời bỏ gia đình mà sống trong ký túc xá của bộ tộc để sống và học tập.
Song song đó, chuyện kết hôn của bộ tộc này cũng vô cùng thú vị, nếu một cô gái Garos nào đến tuổi trưởng thành muốn tìm chồng thì chỉ việc đi đến các ký túc xá của bộ tộc và ra một bài toán tuyển chọn chồng. Nếu chàng trai nào làm được hoặc có những tiêu chí phù hợp với cô gái thì cô ta chỉ việc chọn anh ta để "bắt" về làm chồng mà thôi.
Tại bộ tộc này, sau khi kết hôn thì vợ chồng vẫn được phép ở chung nhưng riêng phần tài sản, thừa kế và quyền hành thì chồng hoàn toàn không có tiếng nói, mọi quyết định đều nằm trong tay vợ. Thậm chí là khi chồng muốn bất cứ một điều gì đó thì phải đều thông qua ý kiến của vợ mình. Tóm lại, người vợ nói riêng, người phụ nữ nói chung ở Garos nói một là một, hai là hai, đàn ông không được cãi lại.
Đặc biệt hơn cả, tại Garos, cuộc kết hôn cũng có thể kết thúc nhanh chóng nếu người chồng không biết cách làm giàu có hơn gia sản của vợ. Đáng sợ một chỗ là nếu bị "sa thải" và chấm dứt "hợp đồng" hôn nhân thì người chồng sẽ bị toàn xã hội Garos tẩy chay, kỳ thị.
Bộ tộc Nagovisi: Phụ nữ điều khiến các nghi lễ tâm linh, đàn ông phải làm vườn cực khổ cho nhà vợ
Đảo New Guinea là hòn đảo lớn thứ 2 trên thế giới, đồng thời cũng là hòn đảo có nhiều chủng tộc nhất trên thế giới. Trong đó, bộ tộc Nagovisi nằm ở phía Tây của hòn đảo này là độc đáo hơn cả với lối sống khép kín và duy trì chế độ mẫu hệ suốt một thời gian dài cho đến tận ngày nay. Tại đây, tất nhiên phụ nữ nắm vị thế cao hơn đàn ông rất nhiều và họ còn được coi là niềm tự hào của bộ tộc.
Thêm vào đó, phụ nữ thuộc bộ tộc Nagovisi luôn là người được điều hành tất cả các nghi lễ tâm linh và là người nắm quyền trong gia đình, săn sóc con cái và cai quản vùng đất trồng thực phẩm của cả gia đình. Vì vậy, khi phụ nữ Nagovisi muốn cưới chồng, họ sẽ chọn những người đàn ông nào có tố chất "triển vọng" trong việc làm phụ tá cho mình ở những công việc trên.
Tiêu chí đầu tiên của phụ nữ nơi đây tuyển chồng chính là khỏe mạnh, rắn rỏi, vì chỉ có hai yếu tố này họ mới có thể khai hoang, làm vườn, giúp gia đình vợ giàu có hơn. Sau đó mới tới các yếu tố khác như thông minh, nhanh nhẹn… Ở bộ tộc mẫu hệ Nagovisi cũng không có khái niệm kết hôn hay ly dị, vì chỉ cần một người đàn ông nào đó chịu giúp một cô gái làm công việc vườn tược và đã có chuyện "gối chăn" với cô ấy, làm cô ấy thích thú thì hai người chính thức trở thành vợ chồng.
(Nguồn: Prezi, Mentafloss)