Số liệu điểm thi của Sở GD&ĐT Hà Nội năm nay cho thấy, hơn 50% thí sinh đạt mức 42,25 điểm trở lên (điểm cao nhất là 57); 10% thí sinh đạt mức điểm 51,15; khoảng 20% thí sinh đạt mức điểm 49,05. Môn Ngữ văn có điểm trung bình là 6,29; Ngoại ngữ 6,57; Toán 6,82; Lịch sử 7,09.
Riêng môn Ngoại ngữ, số thí sinh đạt điểm cao khá lớn. Cụ thể, hơn 4.000 học sinh đạt điểm 10; gần 10.000 thí sinh đạt điểm 9,7; hơn 5.000 em đạt điểm 9,1. Ngược lại, nhiều thí sinh có mức điểm từ 2,4-4,8 điểm. Với môn Ngữ văn, hơn 16.000 bài thi đạt điểm 7,5, khoảng 7.800 bài thi đạt điểm 8,5.
Từ kết quả điểm thi kể trên, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, cho rằng, năm ngoái do ảnh hưởng dịch COVID-19, Hà Nội bỏ môn thi thứ 4, riêng năm nay vẫn quyết tâm tổ chức 4 bài thi nhưng kết quả điểm vẫn khá tốt. Đề thi có phần nhẹ nhàng hơn, nhưng nếu không học, thí sinh không thể đạt kết quả thi như vậy.
Ðiểm Tiếng Anh chia 2 nhóm
TS Tùng nói rằng, cùng với Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ được các trường THPT chú trọng dạy và học. Tuy nhiên, phân tích kết quả thi môn Tiếng Anh cho thấy, rõ ràng có 2 nhóm học sinh, gồm 1 nhóm chỉ học trong trường phổ thông và 1 nhóm được đầu tư học thêm bên ngoài. Hai nhóm tạo thành phổ điểm có 2 đỉnh, trong đó những em được đầu tư có điểm cao, lệch phải rõ rệt.
Thực tế này cho thấy, cần phải đánh giá kỹ lại vấn đề dạy học Tiếng Anh trong trường THPT và dạy học tiếng Anh bên ngoài. Những môn học khác, học sinh học thêm bên ngoài cũng không thể hiện độ lệch trên biểu đồ vì vẫn kiến thức trong chương trình đó, riêng môn Ngoại ngữ thể hiện rõ sự phân hóa. Nhìn lại kết quả thi vài năm trở lại đây cũng thấy kết quả tương tự. Vì thế, ông Tùng cho rằng, kỳ thi tới, Hà Nội nên tính toán việc miễn thi cho học sinh đạt các chứng chỉ uy tín về ngoại ngữ.
Bà Văn Liên Na, Phó hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh, khẳng định, năm nay, môn Tiếng Anh, Lịch sử, học sinh đạt điểm cao hơn các môn còn lại. Phụ huynh học sinh đầu tư nhiều cho con học ngoại ngữ, các trường tư cũng dành thời lượng lớn để phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho học sinh, nên việc điểm thi môn Tiếng Anh cao là không khó hiểu. Đề thi môn Lịch sử khá nhẹ nhàng. Riêng môn Ngữ văn, thời gian thi rút ngắn, đề vẫn dài, do đó học sinh không đạt điểm cao, bà nói.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Marie Curie Hà Nội, nhận định, kết quả điểm thi cao hay thấp phụ thuộc vào độ khó, dễ của đề thi năm đó. Nếu đề khó, điểm xét tuyển sẽ thấp, đề dễ thì điểm sẽ cao. Hằng năm Hà Nội chỉ lấy khoảng 62% học sinh vào trường THPT công lập, như vậy ra đề thi làm sao phân hóa được học sinh có điểm giỏi, khá, trung bình, yếu kém để các trường dễ tìm ra điểm chuẩn tuyển sinh là thành công.
Về môn ngoại ngữ, ông Khang cho rằng, tại Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn nói chung, học sinh có điều kiện học ngoại ngữ tốt hơn các vùng khác. Nhiều phụ huynh đầu tư cho con học Tiếng Anh từ sớm với mức phí hàng chục triệu đồng/năm để phục vụ các kỳ thi quan trọng trước mắt, để du học, để làm việc sau này. Trong chương trình Tiếng Anh của Bộ GD&ĐT, học hết lớp 12, học sinh mới chỉ đạt trình độ A2, trong khi một học sinh hết bậc tiểu học ở trường tư thục đã có thể đạt năng lực này.
22% học sinh vào trường tư
Hơn 93.000 thí sinh dự kỳ thi vào lớp 10, nhưng chỉ có khoảng 62% học sinh đỗ trường công lập. Theo tính toán của Sở GD&ĐT Hà Nội, nếu trượt trường công, học sinh còn nhiều cơ hội khác để học tập, bao gồm vào trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề… Khoảng 22% học sinh sẽ có thể học trường tư.
Hiện nay, Hà Nội có 102 trường ngoài công lập; số ít trường chất lượng tuyển sinh với mức điểm khá cao, số còn lại xét tuyển học bạ hoặc kết hợp xét tuyển với điểm thi tuyển của thành phố.