Ngành điện ảnh thế giới đang chuẩn bị bước vào mùa bom tấn hè, giai đoạn được xem là dịp bùng nổ tại phòng vé ở mảng phim thương mại. Tuy nhiên, theo đánh giá của Yahoo, các tác phẩm được chọn ra mắt năm nay không quá hứa hẹn vì chủ yếu là những dự án remake, ngoại truyện - dòng sản phẩm đang bị khán giả trẻ, đặc biệt là Gen Z dần quay lưng.

Gen Z đang chán ngán với những bộ phim remake, ngoại truyện

Theo Indiewire, một cuộc khảo sát mới nhất đối với đối tượng khán giả Gen Z tại Mỹ về nhu cầu xem phim đã chỉ ra nhóm khách hàng này không còn cảm thấy quá phấn khích với những tác phẩm remake, ngoại truyện của Hollywood. Điều này dẫn đến việc dòng phim siêu anh hùng hay nhiều thương hiệu điện ảnh lớn không có thành tích phòng vé quá ấn tượng trong vài năm trở lại đây. Trong khi đó, các dự án có kịch bản mới mẻ như Barbie, Oppenheimer lại thắng lớn khi ra mắt vào dịp hè năm ngoái. "Khán giả ngày càng muốn tìm kiếm những ý tưởng mới mẻ và sáng tạo, đẩy ranh giới của những gì có thể thực hiện được thay vì trả tiền cho các phiên bản lại của các câu chuyện hiện có", đơn vị khảo sát chia sẻ.

Điện ảnh đang đi ngược thị hiếu của Gen Z?- Ảnh 1.

Oppenheimer kiếm hơn 953 triệu USD tại mùa phim hè năm ngoái.

Từ trước đến nay, các nhà sản xuất vẫn tập trung cho ra đời hàng loạt các tác phẩm remake, ngoại truyện hàng năm. Những dòng phim này có ưu điểm là sở hữu sẵn lượng người hâm mộ đông đảo từ các tác phẩm từng thành công trong quá khứ, đã trở thành thương hiệu trong lòng đông đảo công chúng. Tuy nhiên, vì sự sản xuất ồ ạt và có phần cầu thả, những dự án remake, ngoại truyện gần đây của Hollywood đa phần gây thất vọng. Nhiều khán giả cho rằng chúng thiếu sáng tạo, chỉ tập trung vào khơi gợi hoài niệm của người xem thay vì đem đến một tác phẩm tròn trịa về nội dung và có chất lượng tốt.

Khó có thể phủ nhận sự hấp dẫn của các thương hiệu phim lớn. Nhìn lại kết quả phòng vé thế giới từ đầu năm đến nay, các tác phẩm dẫn đầu đang là Dune 2 và Kung Fu Panda 4 đều là các phần tiếp diễn của những bộ phim có sẵn trước đó. Tuy nhiên, kết quả này chưa phản ánh chính xác nhất nhu cầu thưởng thức của khán giả, đặc biệt là giới trẻ. Theo số liệu từ trang Statista, đa phần khán giả đi xem Dune 2 là những người trên 26 tuổi. Trong khi đó, nhóm 18-25 tuổi - vốn được xem là đối tượng vàng để các đoàn phim hướng đến - chỉ chiếm 18% doanh thu của dự án trong tuần đầu tiên. Trong khi đó, với doanh thu hơn 417 triệu USD, Kung Fu Panda 4 - bộ phim hướng tới đối tượng chính là trẻ em và thanh thiếu niên - bị nhận xét có kết quả phòng vé không như kỳ vọng, kém xa các phần trước đó.

Điện ảnh đang đi ngược thị hiếu của Gen Z?- Ảnh 2.

Dune 2 là bộ phim hiện dẫn đầu phòng vé thế giới tính từ đầu năm nay.

Từ đầu năm đến nay, Hollywood cũng chứng kiến hàng loạt tác phẩm có kịch bản gốc đạt doanh thu khả quan. Bộ phim Bob Marley: One Love được xem là cú nổ tại phòng vé với doanh thu 176 triệu USD. Tác phẩm được khen mang đến nhiều góc nhìn mới mẻ về cuộc đời danh ca Bob Marley. Hay dự án hành động The Beekeeper của Jason Statham cũng gây bất ngờ với doanh thu 152 triệu USD từ ngân sách vỏn vẹn chỉ 40 triệu USD.

Tất nhiên, không phải lúc nào các bộ phim kịch bản gốc hay thương hiệu mới cũng có màn ra mắt suôn sẻ. Một ví dụ điển hình là Argylle với ngân sách 200 triệu USD ra mắt hồi đầu năm với sự tham gia của Henry Cavill và Bryce Dallas-Howard thất bại thảm, chỉ thu về hơn 96 triệu USD. Thế nhưng, việc tập trung remake những bom tấn cũ hay tập trung vào phát triển các thương hiệu điện ảnh đã có phần lỗi thời đang được đánh giá là “cái bẫy” với các nhà sản xuất.

Điện ảnh đang đi ngược thị hiếu của Gen Z?- Ảnh 3.

Điện ảnh đang đi ngược thị hiếu của Gen Z?- Ảnh 4.

Nhiều bộ phim kịch bản gốc có doanh thu khả quan tại phòng vé đầu năm nay nhờ mang đến những câu chuyện mới mẻ.

Sự không nhất quán giữa thị hiếu của khán giả trẻ và xu hướng sản xuất của các hãng phim có thể là một vấn đề lớn với ngành điện ảnh hiện đại. Nếu không có các tác phẩm mới thú vị, Hollywood khó lòng lôi kéo nhóm đối tượng kế cận này đến rạp, đánh mất họ cho các nền tảng phim trực tuyến, truyền hình và những hình thức giải trí khác.

Tổng quan mùa phim bom tấn Hollywood sắp tới

Trong số các bom tấn dự kiến ra mắt dịp hè năm nay của Hollywood, các tác phẩm remake và ngoại truyện tiếp tục chiếm đa số. Có thể kể đến phiên bản làm lại của các bộ phim đình đám như Twisters, The Crow… Hay là phần tiếp theo của những thương hiệu điện ảnh lớn như Alien, Beetlejuice, Mad Max, Planet of the Apes, Bad Boys, Despicable Me, Inside Out, A Quiet Place… Những người hâm mộ Marvel có thể chờ đón chương tiếp theo của vũ trụ điện ảnh này với Deadpool & Wolverine - bộ phim được coi là viên gạch quan trọng nhất hãng sau hàng loạt dự án thất bại trước đó. Ngoài ra, fan của thể loại siêu anh hùng cũng có thêm một bom tấn khác để ngóng chờ là Kraven the Hunter của nhà Sony.

Điện ảnh đang đi ngược thị hiếu của Gen Z?- Ảnh 5.

Điện ảnh đang đi ngược thị hiếu của Gen Z?- Ảnh 6.

Mùa phim hè năm nay tràn ngập các bộ phim remake và ngoại truyện.

Theo đánh giá từ các chuyên gia điện ảnh thế giới, đa phần trong số này không đem đến nhiều sự mới mẻ. Dựa vào những trailer của các bộ phim như Twisters hay Alien: Romulus, nội dung của chúng có sự tương đồng rõ rệt với những tác phẩm tiền nhiệm. Các bộ phim như Kingdom of the Planet of the Apes, Furiosa, Bad Boys 4, Inside Out 2, Kingdom of the Planet of the Apes hay Mad Max: Furiosa cũng được dự đoán khó có thể vượt qua thành tích của các dự án trước đó trong thương hiệu.

Trong khi đó, dòng phim siêu anh hùng cũng mất dần sự hấp dẫn với khán giả những năm gần đây. Vẫn sẽ có những tác phẩm ra rạp và đạt doanh thu tốt, nhưng rất khó để tái hiện tình trạng dự án nào ra rạp cũng đại thắng như trước. Trong đó, Deadpool & Wolverine được dự đoán sẽ có doanh thu tốt khi đánh dấu sự gia nhập của nhân vật Wade Wilson (Ryan Reynolds đóng) vào Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Ngược lại, dự án Kraven the Hunter không được đánh giá quá cao khi hàng loạt bom tấn siêu anh hùng của nhà Sony đều không có thành tích khả quan tại phòng vé.

Điện ảnh đang đi ngược thị hiếu của Gen Z?- Ảnh 7.

Deadpool & Wolverine là bom tấn duy nhất thuộc Vũ trụ Điện ảnh Marvel ra mắt năm nay.

Giữa sự tràn ngập của các tác phẩm remake và ngoại truyện, một số tác phẩm tương đối mới mẻ với khán giả là The Bikeriders hay The Fall Guy cũng góp mặt tại mùa phim hè năm nay. Những dự án này được nhận xét có kịch bản hứa hẹn cùng dàn sao ăn khách của Hollywood, nhiều khả năng làm nên chuyện nếu có chất lượng tốt. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng chúng khó tái lập thành tích bùng nổ của Barbenheimer như năm ngoái.

Xu hướng này cũng là điều các nhà làm phim trong nước hiện nay nên quan tâm. Các đạo diễn Việt chưa cho ra đời nhiều tác phẩm đình đám đủ để trở thành thương hiệu điện ảnh. Thành công nhất phải kể đến loạt phim Lật Mặt của Lý Phải, sẽ ra mắt phần 7 vào cuối tháng này. Tuy nhiên, thương hiệu này thực chất là các phần phim lẻ không liên quan về nội dung, dàn diễn viên cũng như cách thể hiện. Trong khi đó, các tác phẩm cố gắng trở thành thương hiệu như Hai Phượng - Thanh Sói, Quý Cô Thừa Kế… thường không có doanh thu khả quan ở các phần tiếp nối.

Điện ảnh đang đi ngược thị hiếu của Gen Z?- Ảnh 8.

Điện ảnh đang đi ngược thị hiếu của Gen Z?- Ảnh 9.

Nhiều bộ phim ngoại truyện Việt Nam thời gian gần đây không được khán giả đón nhận.

Ngành điện ảnh của Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc trong những năm gần đây. Hàng loạt dự án mới ra mắt vượt mốc doanh thu trăm tỷ đồng. Những tác phẩm này hầu hết đều là những kịch bản mới, không dựa trên thành công của dự án tiền nhiệm trước đó. Điều đó càng cho thấy thị hiếu của khán giả đang mong muốn được thưởng thức những câu chuyện mới mẻ từ các nhà làm phim.

Việc đầu tư vào khâu kịch bản để cho ra đời những tác phẩm mới hấp dẫn là hướng đi nên làm, để nâng cao mặt bằng chung về chất lượng cũng như tạo niềm tin cho khán giả trong nước. Đây có thể là sự lựa chọn hợp lý hơn thay vì cố gắng tạo nên những thương hiệu điện ảnh đòi hỏi sự dài hơi mà kết quả chưa chắc đã như mong đợi.