Năm 2011 là năm đón nhận rất nhiều những tác phẩm điện ảnh Việt Nam và cũng là năm mà khán giả Việt có thêm sự lựa chọn bên cạnh các phim nước ngoài vốn thống trị thị trường phim chiếu rạp từ lâu. Đây cũng là năm khán giả đặt nhiều hy vọng cho một mùa phim mới sau những tác phẩm ấn tượng của năm 2010 cũng như cho ra đời những gương mặt mới như Lan Ngọc trong Cánh Đồng Bất Tận và Thái Hòa trong Để Mai Tính. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này thì điện ảnh Việt 2011 vẫn chưa thể tạo nên những bứt phá ngoài số lượng phim phát hành trong năm tăng cao và các dự án phim mới được khởi động dồn dập. Chính vì thế, vô hình chung thị trường phim ảnh chiếu rạp của năm 2011 đã rơi vào cảnh "vàng thau lẫn lộn" ngoài ý muốn.

"Vàng" thì ít...

Đến thời điểm này, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có Hot Boy Nổi Loạn (tên tắt của phim Hot Boy Nổi Loạn, Câu Chuyện Về Thằng Cười, Cô Gái Điếm Và Con Vịt), Cô Dâu Đại ChiếnLong Ruồi là 3 cái tên tạo nên sức nóng thực sự cho điện ảnh Việt 2011. Nhưng nếu xét về sự đột phá thì cũng chỉ có Hot Boy Nổi Loạn Cô Dâu Đại Chiến là làm "nên chuyện". Còn Long Ruồi thì về cơ bản là một "phiên bản khác" của Để Mai Tính không hơn không kém.


Mùa tết 2011 nếu như không có Cô Dâu Đại Chiến thì có lẽ đã là một cái tết buồn của phim Việt khi những cái tên còn lại là Bóng Ma Học Đường Thiên Sứ 99 đều không thể tạo nên sự khác biệt. Và từ Cô Dâu Đại Chiến cũng có một cái tên cũ bước ra và tỏa sáng lần nữa là Lê Khánh. Đảm nhận tuyến vai thứ chính cùng với 4 vai nữ còn lại là Phi Thanh Vân, Vân Trang, Ngân Khánh, Đinh Ngọc Diệp nhưng Lê Khánh mới là cái tên được khán giả chú ý sau phim với câu nói quen thuộc "Bấy Bi à!". Cô Dâu Đại Chiến cũng đánh dấu sự lột xác của Vân Trang sau những vai diễn không mấy ấn tượng trên truyền hình, nhưng chỉ tiếc là trong phim này Lê Khánh tỏa sáng quá rực rỡ nên vai diễn của Vân Trang dù rất ấn tượng nhưng khi đặt cạnh Lê Khánh cũng trở nên mờ nhạt hẳn.


Gần cuối hè, Long Ruồi - tác phẩm được mong đợi nhất năm với sự trở lại của "chị Hội" Thái Hòa. Dù thu được doanh thu khủng với việc khai thác triệt để hình ảnh của Thái Hòa nhưng phim lại nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều từ khán giả khi quá lạm dụng tiếng cười trong phim. Long Ruồi thắng lớn nhưng lại khiến nhiều người lo âu khi cách xây dựng nhân vật và khai thác kịch bản không khác Để Mai Tính là bao. Tuy nhiên, với thắng lợi của Long Ruồi, nhiều khán giả đã thấp thoáng thấy được thời của những "cái tên bán vé" đang bắt đầu dần trở lại. Không thể phủ nhận khán giả đến rạp phần lớn là vì sự xuất hiện của Thái Hòa.


Gần cuối năm, tác phẩm đình đám từ lúc còn là cái tên do quá... dài đã chính thức ra mắt khán giả và thành công lớn cả về phương diện nghệ thuật lẫn khán giả. Rất nhiều khán giả đã ngạc nhiên khi xem Hot Boy Nổi Loạn: lần đầu tiên, thế giới nội tâm những người đồng tính hiện lên trong phim Việt một cách khá đầy đủ, chuẩn xác và đầy tính nhân văn. Quan trọng hơn, Hot Boy Nổi Loạn cũng là tác phẩm điện ảnh Việt đầu tiên không đem hình ảnh người đồng tính ra đế lấy tiếng cười (như Gái Nhảy, Để Mai Tính...) mà là lấy... nước mắt của khán giả. Điện ảnh Việt rất cần những tác phẩm như thế này để khán giả có thêm những hy vọng về những bước tiến mới của làng điện ảnh nước nhà.

... "thau" thì nhiều

Song song với những thành công đó, năm 2011 cũng là năm đón nhận khá nhiều... sản phẩm điện ảnh thất bại đến từ: Cảm Hứng Hoàn Hảo, Lệnh Xóa Sổ, Giữa Hai Thế Giới, Thiên Sứ 99... Hầu hết các tác phẩm này đều mắc lỗi lớn ở khâu kịch bản khi xây dựng phim một cách quá hời hợt.


Mùa phim tết là sự thất bại của Thiên Sứ 99, không chỉ thế dự định biến "hot boy" Huỳnh Anh thành một cái tên sáng giá của làng điện ảnh cũng bất thành. Sau khi công chiếu, cả Thiên Sứ 99 lẫn Huỳnh Anh đều nhanh chóng trôi vào quên lãng. Trong khi nội dung phim bị đánh giá là lạc lõng, thiếu logic, thì diễn xuất của Huỳnh Anh lại bị xem là kém và quá "nữ tính". Chính vì thế dù hội đủ khá nhiều cái tên quen thuộc của làng nhạc cũng như điện ảnh như Ngô Kiến Huy, Khổng Tú Quỳnh, Diễm My 9x, Kim Thư, Tấn Beo, Chí Tài, Mai Thanh Dung ... nhưng phim vẫn gặp thất bại lớn.


Tiếp đó là bộ phim Lệnh Xóa Sổ đã... "xóa sổ" cả đoàn làm phim ngay khi phim vừa công chiếu. Mặc dù phải thừa nhận là phim khá ổn về mặt kỹ xảo võ thuật nhưng về nội dung và tình tiết phim thì hoàn toàn bị gãy. Chưa kể, trước đó là việc bỏ vai đầy khó hiểu của nữ diễn viên - người mẫu Anh Thư. Người đẹp Đinh Ngọc Diệp lại một lần nữa bị khán giả kêu trời và gán luôn cho biệt danh "siêu bình bông di động" với tác phẩm này.

Cuối tháng 7, người đẹp này tiếp tục trở lại với phim kinh dị Giữa Hai Thế Giới và cô lại thất bại. Có lẽ sẽ rất lâu để cái tên Đinh Ngọc Diệp thoát khỏi cụm từ "bình bông di động" mà khán giả dành cho cô. Phim kinh dị Giữa Hai Thế Giới hoàn toàn thất bại trong màn... hù dọa khán giả. Những màn kinh dị "nhẹ nhàng, sâu lắng" của phim chưa đủ đô với khán giả Việt vốn đã bắt đầu quen với các phim kinh dị Mỹ có độ "kinh dị" cao hơn nhiều.


Và đỉnh điểm là khi Cảm Hứng Hoàn Hảo ra rạp. Một làn sóng phản ứng dữ dội của khán giả đã dành cho bộ phim ngay sau khi phim công chiếu. Có lẽ do công chiếu sau Hot Boy Nổi Loạn vài tuần nên ít hay nhiều, với thành công của Hot Boy Nổi Loạn, khán giả đã mong chờ khá nhiều vào bộ phim này - cũng nói về đề tài đồng tính. Chính vì thế, sự tức giận của khán giả với phim cũng dữ dội hơn, nhất là khi phim bị lỗi nặng nề ở phần kịch bản. Nhiều khán giả đã ví von: "Với một phim mà kịch bản trên mây và đạo diễn trên mây như thế này thì phim không thất bại mới là lạ" .

Và những thử nghiệm gây tranh cãi

Dù khá lận đận, nhưng điện ảnh Việt 2011 vẫn kịp đón nhận 2 thể nghiệm mới trong lịch sử phim Việt. Một đến từ nội dung và một đến từ kỹ thuật. Bóng Ma Học Đường tuy bị đánh giá kém về nội dung nhưng khán giả không thể không khen về kỹ thuật 3D của phim. Ngay khi dự án này được công bố, rất nhiều người đã hoài nghi khi công nghệ 3D của phim đến từ... Hồng Kông. Nhưng khi phim ra mắt đã nhận về rất nhiều lời khen về kỹ thuật 3D. Rõ ràng, với mức kinh phí của phim Việt, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra được những sản phẩm 3D có chất lượng không hề "thua chị kém em" so với các nền điện ảnh trong khu vực. Và phim có ăn khách hay không thì phần nhiều vẫn nằm ở yếu tố kịch bản là chủ yếu chứ không hẳn là về kỹ thuật, kỹ xảo thực hiện phim.


Một thể nghiệm khác là tác phẩm nghệ thuật Bi! Đừng Sợ của đạo diễn Phan Đăng Di khi khai thác khía cạnh sex trong phim một cách quá táo bạo. Khán giả Việt vốn dù đã quen đến các cảnh nóng trong phim Việt nhưng nhưng với Bi! Đừng Sợ thì vẫn bị sốc toàn tập như thường. Những cảnh sex trong phim hiện lên một cách quá "chân thực" và đầy "nhục cảm". Thế nên, dù giành được rất nhiều giải thưởng tại nước ngoài nhưng khi công chiếu ở Việt Nam, phim vẫn bị cắt đi những phân đoạn nhạy cảm như thường và khán giả hoàn toàn phản ứng tiêu cực với các cảnh nóng trong phim.

Kết

Chỉ còn vài tuần nữa là hết năm 2011, theo như dự kiến thì sẽ còn 2 phim Việt nữa công chiếu vào thời gian này là Tối Nay 8 Giờ (đạo diễn Lê Hoàng) và Hoán Đổi Thân Xác (đạo diễn Nhất Trung). Nhưng theo đánh giá sơ bộ thì 2 tác phẩm này dù chưa công chiếu nhưng cũng khó có thể tạo nên những đột biến bất ngờ.

Điện ảnh Việt 2011 dù còn lắm điều phải bàn nhưng không thể phủ nhận những cố gắng tột bật nhà các nhà làm phim cũng như các diễn viên đã mang đến cho khán giả. Các sản phẩm điện ảnh cũng như các dự án phim mới liên tục được công bố chính là một trong những nỗ lực không ngừng nghỉ của những nhà làm phim. Vì vậy, dù thành công hay thất bại thì những tác phẩm điện ảnh "made in Việt Nam" đều xứng đáng nhận được sự quan tâm hết mực của công chúng. Mà công chúng thì ngày càng "khó tính" hơn nên các nhà làm phim cũng phải tự "khắc khe" với chính mình nhiều hơn nữa, để các sản phẩm ra đời không phải bị khán giả dành cho 2 từ "thảm họa" như một số phim gần đây đã mắc phải.


 
Nhanh tay khoe những bức ảnh cưới tuyệt đẹp và hạnh phúc ngọt ngào của bạn được chụp tại khắp các vùng miền tại www.anhcuoi.afamily.vn. Xem hướng dẫn chi tiết về thể lệ cuộc thicách up hình tại đây. Bật mí: giải thưởng cực hot đấy nhé!