Trong phiên giao dịch ngày 16/10, thị trường chứng khoán trong nước chứng kiến sự sụt điểm. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Vn-Index giảm 1,6 điểm (0,12%) xuống còn 1.279,48 điểm. Chỉ số VN30 Index cũng giảm 1,99 điểm xuống còn 1.354,1 điểm, HNX Index còn 228.26 (giảm 0,69 điểm - 0,30%), HNX30 Index giảm xuống còn 494,21 điểm. Duy nhất trên sàn Upcom tăng nhẹ 0,15 điểm lên mức 92,32 điểm.

Bất chấp việc thị trường giảm điểm, cũng có không ít những mã cổ phiếu ngược dòng, tăng kịch trần. Một trong những mã cổ phiếu chúng tôi muốn nhắc đến là QCG của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai.

Mã cổ phiếu của công ty do ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla) là Tổng Giám đốc tăng kịch biên độ sàn HoSE lên 9.130 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 590 đồng mỗi cổ phiếu (6,91%). Số cổ phiếu được khớp lệnh lên đến 372.000 đơn vị, dư mua giá trần lên tới gần 2,3 triệu cổ phiếu.

Điều đáng nói, đây là phiên thứ 3 liên tiếp mã cổ phiếu này tăng trần. Trước đó, tại phiên giao dịch ngày 14/10 và 13/10, cổ phiếu này cũng tăng lần lượt 550 đồng và 520 đồng mỗi cổ phiếu. Như vậy, đây là chuỗi thứ 6 liên tiếp cổ phiếu này tăng giá. Cổ phiếu này cũng đã dần về đến mức giá của thời điểm 3 tháng trước khi Quốc Cường Gia Lai xảy ra biến cố Tổng giám đốc là bà Nguyễn Thị Như Loan bị bắt.

"Diễn biến lạ" tại công ty nhà Cường Đôla- Ảnh 1.

Biến động giá cổ phiếu QCG. Nguồn: Cafef

Động lực khiến giá QCG tăng vọt chưa rõ. Bởi cho đến nay, Quốc Cường Gia Lai chưa công bố thông tin mới hay hé lộ về kết quả kinh doanh quý 3/2024. Tính chung, từ đầu tháng 10 đến nay, mã cổ phiếu này đã tăng gần 36% và tăng gần 45% trong vòng một tháng giao dịch. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm đến nay, QCG lại mất gần 11% giá trị.

Cùng với việc cổ phiếu tăng giá, số tài sản trên sàn chứng khoán của các thành viên trong gia đình nhà ông Cường cũng tăng mạnh.

Theo báo cáo quản trị bán niên đã cập nhật của công ty, tại ngày 30/7, bà Nguyễn Thị Như Loan nắm giữ gần 102 triệu cổ phiếu QCG, ông Nguyễn Quốc Cường sở hữu 537.500 cổ phiếu QCG. Vợ ông Cường là bà Đàm Thu Trang không nắm giữ cổ phần tại công ty. Em gái ông Cường là bà Nguyễn Ngọc Huyền My sở hữu 39,38 triệu cổ phiếu còn chồng bà My là ông Lầu Đức Duy sở hữu 10,54 triệu cổ phiếu QCG.

Như vậy, chỉ trong 1 tháng, số tài sản trên sàn chứng khoán của các thành viên trong gia đình ông Cường Đôla đã tăng gần 440 tỷ đồng.

"Diễn biến lạ" tại công ty nhà Cường Đôla- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quốc Cường và vợ Đàm Thu Trang.

Liên quan đến hoạt động kinh doanh, trong quý 2/2024, công ty ghi nhận doanh thu thuần hơn 26 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ, lỗ ròng hơn 17 tỷ đồng. Đây là mức lỗ quý cao nhất trong hơn một thập niên đã qua QCG.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Quốc Cường Gia Lai giảm 69% chỉ còn 65 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp công ty còn 70 triệu đồng, cùng kỳ năm ngoái thu về gần 22 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí, Quốc Cường Gia Lai lỗ sau thuế gần 17 tỷ.

Với kế hoạch năm 2024 doanh thu thuần 1.300 tỷ đồng và lãi trước thuế 100 tỷ đồng, 6 tháng qua, công ty mới thực hiện được 5% mục tiêu doanh thu và chưa ghi nhận bất kỳ đồng tiền lãi nào.

Tại ngày 30/6, công ty có hơn 27,5 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Hàng tồn kho hơn 7.028 tỷ đồng, chiếm 75% tổng tài sản doanh nghiệp.

Quốc Cường Gia Lai trong thời gian gần đây nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư sau thông tin bà Nguyễn Thị Như Loan - cựu CEO của công ty bị bắt về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Ngay sau đó, ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla) đã thay mẹ mình ngồi vào "ghế nóng" điều hành hoạt động của công ty. Ông Cường cũng từng khẳng định: "Sau sự cố bà Như Loan, thì từ đây tôi cũng xin cam đoan sẽ cố gắng để làm những gì tốt nhất cho QCG".