Nội dung chính

- Điện thoại phát nổ khiến chàng trai trẻ bị bỏng hơn 90% cơ thể

- Những lưu ý khi sạc điện thoại

Một vụ việc thương tâm vừa xảy ra tại đảo Batam (Indonesia) khi một nam thanh niên 23 tuổi tên là Bastian Sihombing đã tử vong sau khi chiếc điện thoại phát nổ trong lúc đang sạc. 

Điện thoại phát nổ trong lúc sạc

Truyền thông Indonesia cho biết, anh Bastian đã cắm sạc điện thoại sau khi tan ca đêm về nhà và ngủ quên trong phòng. Vào khoảng 9 giờ sáng ngày hôm sau (11/10), chiếc điện thoại bất ngờ phát nổ và bốc cháy dữ dội khiến chàng trai bị bỏng hơn 90% cơ thể.

Tiếng nổ lớn đã khiến những người hàng xóm giật mình nhưng ban đầu họ không xác định được vị trí chính xác. Sau đó, họ phát hiện khói lửa bốc lên ngùn ngụt từ phòng của anh Bastian nên đã nhanh chóng phá cửa xông vào. Mọi người vội vàng đưa anh Bastian ra ngoài trong tình trạng bỏng nặng và bất tỉnh. Nạn nhân ngay sau đó được đưa đến bệnh viện Awal Bros Batam để cấp cứu.

Điện thoại phát nổ khi sạc qua đêm, chàng trai trẻ bị bỏng toàn thân: Hiện trường vụ việc gây ám ảnh - Ảnh 2.

Ảnh hiện trường khiến nhiều người xót xa (Ảnh: Thereporter)

Tuy nhiên, sau 4 ngày điều trị tích cực, anh Bastian đã không qua khỏi do vết thương quá nặng. Cảnh sát trưởng thành phố Batam, ông Kompol Anak Agung Made Winarta, cho biết cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ gia đình đưa thi thể Bastian về quê nhà ở Medan.

Sau khi sự việc được đăng tải lên mạng xã hội đã thu hút được rất nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng Indonesia. Nhiều người đã để lại bình luận chia buồn tới gia đình của chàng trai xấu số. Vụ việc đáng tiếc này cũng gióng hồi chuông cảnh tỉnh tới những người có thói quen sạc điện thoại tương tự. 

Sạc điện thoại qua đêm có tác hại gì?

Việc sạc điện thoại qua đêm là một thói quen phổ biến của nhiều người dùng hiện nay. Tuy nhiên, theo các chuyên gia công nghệ và khuyến cáo từ các nhà sản xuất như Apple, Samsung và các hãng điện thoại Android khác, thói quen này không được khuyến khích vì những ảnh hưởng tiêu cực đến pin và thiết bị.

Một trong những hậu quả của việc sạc điện thoại qua đêm là làm giảm tuổi thọ của pin lithium-ion. Khi pin sạc đầy 100% và tiếp tục được cắm sạc, quá trình lão hóa pin sẽ diễn ra nhanh hơn, làm giảm khả năng lưu trữ và cung cấp năng lượng cho thiết bị. Điều này khiến dung lượng pin giảm sút theo thời gian và tốc độ sạc cũng chậm lại.

Điện thoại phát nổ khi sạc qua đêm, chàng trai trẻ bị bỏng toàn thân: Hiện trường vụ việc gây ám ảnh - Ảnh 3.

Sạc điện thoại qua đêm có nguy hiểm không? (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, việc sạc qua đêm còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ nếu điện thoại được để trên chăn đệm hoặc trong môi trường không an toàn, nơi nhiệt không thể tỏa ra ngoài. Điều này không chỉ hại đến thiết bị mà còn ảnh hưởng đến sự an toàn của người dùng.

Dù nhiều điện thoại thông minh hiện đại đã được trang bị tính năng tự ngắt khi pin đầy, nhưng thực tế, thiết bị vẫn tiêu thụ năng lượng và tự động sạc lại khi mức pin giảm xuống dưới 100%. Quá trình này lặp đi lặp lại qua đêm sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của pin.

Những điều cần lưu ý khi sạc điện thoại

Để sạc pin điện thoại đúng cách, người dùng nên thực hiện theo những hướng dẫn sau:

- Sạc pin khi cần thiết và ngắt kết nối sau khi pin gần đầy.

- Tránh sạc pin đến 100% liên tục.

- Không sạc pin qua đêm thường xuyên.

- Sử dụng dây sạc và củ sạc chính hãng.

- Tắt nguồn điện thoại khi sạc nếu có thể.

- Sử dụng tính năng tối ưu sạc pin trên các thiết bị hỗ trợ.

Tóm lại, dù các thiết bị điện thoại ngày nay đã có những tính năng hỗ trợ sạc an toàn hơn, người dùng vẫn nên hạn chế sạc qua đêm để bảo vệ pin và kéo dài tuổi thọ của thiết bị, đồng thời đảm bảo an toàn cá nhân.